Thần đồng Đông Dương
Anh hùng Lê Thiệu Huy, sinh ngày 28/3/1921 tại làng Lạc Thiện, xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Thân phụ anh là Giáo sư, nhà giáo lão thành Lê Thước, thân mẫu là bà Phan Thị Đích, hậu duệ của lãnh tụ Phan Đình Phùng.
Từ tấm bé Lê Thiệu Huy đã nức tiếng gần xa về trí thông minh vượt trội. Mười tuổi đã thi vào Trường An-be-xa-rô, một trường học chỉ dành cho con em thực dân Pháp ở Hà Nội. Thầy, cô giáo và học sinh ở trường này đã đặt cho anh biệt danh “Nhà vô địch không có đối thủ” vì tất cả các bài kiểm tra anh đều giành điểm cao cách biệt bạn bè. Năm 16 tuổi, anh đậu Thủ khoa loại giỏi Tú tài 1. Năm 17 tuổi, anh đậu tú tài toàn phần ban toán vào loại Đặc biệt xuất sắc.
Không chỉ xuất sắc môn Toán, Lê Thiệu Huy có năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ. Tinh thông Hán ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ, Quốc tế ngữ và luôn đạt điểm tối đa các môn Văn, Sử, Địa. Vì thế, sau 3 tháng đậu Tú tài 1 ban Toán anh lại đậu Thủ khoa Tú tài 1 Văn chương. Cũng trong năm đó, anh giành Giải đặc biệt trong Kỳ thi Học sinh giỏi toàn quốc Cộng hòa Pháp và Pháp quốc hải ngoại với 3 điểm cách biệt so với học sinh đạt giải Nhất. Báo chí Pháp ngày ấy đã gọi anh là “Thần đồng Đông Dương”. Tiếng tăm về trí thông minh trác việt của Lê Thiệu Huy sau kỳ thi vang xa đến mức toàn quyền Đông Dương phải mời bà Phan Thị Đích ra nhận giải thưởng cùng con và để xem người đàn bà An Nam này có gì đặc biệt mà sinh ra người con siêu phàm đến vậy?
Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ nên Lê Thiệu Huy không còn dịp sang Viện Toán Paris học tập theo lời mời của Bộ Giáo dục Pháp. Năm 1942, chính quyền Đông Dương mở trường Đại học khoa học đào tạo cử nhân tại Hà Nội, Lê Thiệu Huy là sinh viên khóa 1 với thành tích học tập chưa từng có: hai năm đậu ba bằng cử nhân Toán đại cương, Vật lý đại cương và Cơlý thuyết đều vào loại ưu.
Nhật đảo chính Pháp, nạn đói năm 1945 đã làm cho đất nước thật thê thảm! Các trường học ở Hà Nội phải đóng cửa, Lê Thiệu Huy cùng bạn bè tham gia các đội cứu tế, chôn cất người bị chết... Căm thù quân xâm lược, anh cùng các bạn học Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Thế Vân, Đặng Văn Việt rời Hà Nội vào Huế học Trường Võ bị thanh niên tiền tuyến do Phan Anh và Tạ Quang Bửu sáng lập.
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Lê Thiệu Huy và các bạn trong lớp võ bị hăng hái tham gia giành chính quyền tại Huế. Là ủy viên quân sự Ủy ban khởi nghĩa Thành phố Huế, Lê Thiệu Huy trực tiếp chỉ huy cuộc vây bắt toán lính Pháp do quan hai Castena chỉ huy nhảy dù xuống Hiền Sỹ.
Sau Cách mạng Tháng Tám, luật sư Phan Anh được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, học sinh lớp Võ bị thanh niên tiền tuyến phần lớn đều đầu quân vào các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Chiến khu 4. Thông thạo nhiều ngoại ngữ nên Lê Thiệu Huy được chọn làm sỹ quan liên lạc cho Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao Tạ Quang Bửu với đại diện Chính phủ Anh, Mỹ tại Việt Nam. Anh vinh dự được làm phiên dịch cho Bác Hồ trong các cuộc hội đàm giữa Chính phủ ta và đại diện Chính phủ Anh, Mỹ tại Hà Nội tháng 10/1945.
Mặc dù Bộ Ngoại giao rất cần những cán bộ như Lê Thiệu Huy nhưng để thiết lập đường dây mua vũ khí từ Thái Lan về nước, Bộ trưởng Phan Anh đã chọn anh và những học trò cưng của mình mang theo một số lượng lớn, tiền, vàng vào Quảng Trị theo Đường 9 sang Xa-Vẳn (Lào) để vào Thái. Đây là một chuyến đi cực kỳ khó khăn, gian khổ. Trên Đường 9, đồn binh quân Pháp, Nhật, Tưởng, Ngụy Lào, Ngụy Việt đóng ken dày, tuần tra nghiêm ngặt. Vốn ngoại ngữ Trung văn, Pháp văn và tài ứng biến của Lê Thiệu Huy đã giúp đoàn hoàn thành nhiệm vụ. Không chỉ khơi thông được con đường mua vũ khí từ Thái Lan về Việt Nam mà các anh còn vào được sở chỉ huy của Liên quân Lào - Việt tại Thà-Khẹc, tiếp kiến Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, chuyển tận tay Hoàng thân số tiền, vàng chính phủ ta ủng hộ cách mạng Lào.
Bằng thực tế chuyến đi Đường 9, Lê Thiệu Huy đã dồn sức xây dựng “Đề án Đường 9”. Trong đề án này, từ làm rõ vị trí chiến lược của Đường 9, anh đề nghị: Phải giành và giữ bằng được con đường chiến lược này mới thúc đẩy, hỗ trợ, liên kết “Đông Dương là một chiến trường”. Viện trợ và giúp đỡ cách mạng Lào - Miên thành công.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh đã đánh giá rất cao tầm nhìn xa, rất xa, ý nghĩa chiến lược của đề án này. Một tổ công tác đặc biệt được thành lập gồm Lê Thiệu Huy, Hoàng Xuân Bình, Nguyên Trọng Thường, Dương Cự Tẩm tức tốc khởi hành từ Hà Nội vào Chiến khu 4.
Tại Vinh, sau khi nghe tổ công tác báo cáo “Đề án Đường 9” và tưởng định của Bộ Tổng tư lệnh, Chỉ huy trưởng Chiến khu 4 Lê Thiết Hùng đã ký quyết định thành lập Bộ chỉ huy Liên quân Lào - Việt mặt trận Đường 9 gồm: Đồng chí Hoàng Điền - Tham mưu trưởng Chiến khu 4 được cử làm Chỉ huy trưởng, Lê Thiệu Huy - Tham mưu trưởng, Đặng Văn Việt - Tham mưu phó trực tiếp chỉ huy Trung đoàn Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Nguyên Bình - Trưởng ban tác chiến và đề nghị phía Lào cử đồng chí Thao-Ô làm Phó Chỉ huy trưởng mặt trận.
Vừa thành lập vừa tác chiến nhưng liên quân Việt - Lào đã lập nhiều chiến công, giải phóng Động Hến, Ken-Khang, Mường-Phìn, Sê-pôn, nhanh chóng làm chủ Đường 9.
Ngày 6/3/1946, Hiệp định Sơ bộ giữa ta và Pháp được ký kết. Theo mật lệnh của Chính phủ ta, Lê Thiệu Huy, Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Trọng Thường bí mật rời Bộ Chỉ huy mặt trận cải trang thành thương nhân từ Sê - Pôn trà trộn vào Xa - Vẳn sang Thà - Khẹc để vào Sở Chỉ huy liên quân Lào - Việt do Hoàng thân Xu-va-nu-vông chỉ huy.
Lần thứ hai gặp lại Hoàng thân Xu- pha-nu-vông (lúc này đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang PaThet Lào, Chỉ huy trưởng liên quân Lào - Việt tại Trung Lào) hết sức quý mến tài năng, trí tuệ, nghị lực, sự khiêm nhường của Lê Thiệu Huy. Anh được Hoàng thân chọn làm bí thư riêng.
Thời điểm này thực dân Pháp trở lại xâm lược Lào. Chúng đã huy động lực lượng tấn công vào Thị xã Thà - Khẹc (tỉnh Khăm - Muộn). Dưới sự chỉ huy của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Liên quân Lào - Việt đã anh dũng kiên cường đánh trả địch quyết liệt nhưng do chênh lệch về quân số và trang bị nên để bảo tồn lực lượng ngày 21/3/1946, Hoàng Thân quyết định đưa Liên quân và một số nhân dân vượt sông Mê Kông sang đất Thái Lan tạm ẩn náu. Khi ra đến giữa sông Mê Kông đạn trên bờ của giặc bắn xối xả vào thuyền. Hoàng thân bị thương. Trong tình thế hiểm nghèo, cấp bách, Lê Thiệu Huy đã lấy thân mình chắn đạn cho Hoàng thân và đã anh dũng hy sinh.
Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Bộ Chỉ huy liên quân Lào - Việt và đông đảo bà con Lào, Thái, Việt đã làm lễ truy điệu và mai táng Lê Thiệu Huy trên một gò đất ở Km269 đường UBon - Na Khon. Nói lời vĩnh biệt với Lê Thiệu Huy, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã kêu gọi Nhân dân Lào lấy ngày 21/3 hàng năm - ngày hy sinh của chiến sỹ tình nguyện Lê Thiệu Huy làm “ngàycăm thù giặc Pháp xâm lược”.
Mãi đến tháng 11/1946, Giáo sư Lê Thước đang giữ chức Trưởng ban tăng gia của Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu 4 mới nhận được tin Lê Thiệu Huy hy sinh. Giáo sư đau đớn viết:
Đau lòng xótthế hỡi con ơi!
Hai sáu xuân xanh một kiếp người
Thấy cảnh chỉn e tằm đứt ruột.
Nghe tin nào khác sét bên tai
Treo gương liệt sỹ thờ ba nước
Uổng kiếp tài ba mới nửa đời
Lai láng trời Tây hồn cố quốc
Quân thù chưa diệt hận chưa nguôi(2).
Và mãi đến tháng 7/1951, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông mới có dịp gửi thư cho Giáo sư Lê Thước, kể lại sự hy sinh anh dũng của Lê Thiệu Huy, bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn của Nhân dân, Quân đội Lào với người chiến sỹ tình nguyện tuổi trẻ, tài cao, chí lớn.
Thư Hoàng thân có đoạn viết: “Lê Thiệu Huy người con yêu quý nhất của Ngài mất đi không những gia đình mất đi một người con yêu dấu mà nhân dân Lào mất đi một người chiến sỹ đầy tinh thần hy sinh vì công lý. Riêng tôi cái chết của anh Lê Thiệu Huy không khỏi làm tôi bùi ngùi, thương tiếc. Anh Lê Thiệu Huy đã sát cánh cùng tôi chiến đấu cho dân tộc Lào, đất nước Lào”(3).
Sau ngày đất nước thống nhất, Hoàng Trọng Bình - người đồng chí, đồng hương, người bạn đã vào sinh ra tử, người duy nhất còn sống trong bộ ba Hoàng Xuân Bình, Nguyễn Trọng Thường, Lê Thiệu Huy đã dày công đi tìm mộ anh để đưa về nước. Nhưng tiếc thay, một trận lụt lớn năm 1950 đã làm cho mộ anh không còn.
Tài liệu tham khảo
1-Bông hồng đỏ người hùng đất nước Lào NXB trẻ TP HCM -2004
2-Trường Võ bị thanh niên tiền tuyến một hiện tượng lịch sử NXBCAND – 2008
3-Cha tôi: Hoàng Xuân Bình. NXB TPHCM – 2005
4-Lịch sử Bộ đội tình nguyện Việt Nam - NXBQĐND H - 2002
5-Bộ đôi tình nguyện QK 4 (Hồ sơ lưu trữ Văn phòng TCCT)
6-Người lính già Đặng Văn Việt với đường số 4 anh hùng - NXB trẻ 2000
7- Hoàng Xuân Bình em trai GS Hoàng Xuân Hân, quê Đức Thọ - Hà Tĩnh
(1)Hồ sơ lưu tại văn phòng Bộ Tham mưu Bộ Quốc phòng
(2)(3): Hồ sơ lưu tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam – Hà Nội