Mở đầu phiên làm việc sáng nay (27/7), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu nhân ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại buổi thảo luận này.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Quốc hội cũng tiến hành biểu quyết thông qua 3 Nghị quyết về: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022.
Về các Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tập trung đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và huy động hợp pháp khác.
Bên cạnh đó, hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500.000 hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.
Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp...
Chương trình gồm 6 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện là 75.000 tỷ đồng, trong đó có vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và huy động hợp pháp khác.
Liên quan Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chính phủ tập trung nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến năm 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn. Ở cấp tỉnh có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí do cấp tỉnh quy định.
Nguồn vốn NSTW hỗ trợ trực tiếp để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 39.632 tỷ đồng./.