Cũng như mọi năm, chúng tôi tổ chức phòng đọc báo Xuân "Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương đổi mới" tại Thư viện tỉnh Nghệ An, phục vụ bạn đọc trên địa bàn Thành phố Vinh, các vùng lân cận trong Tết và sau Tết. Năm nay, phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tỉnh, chúng tôi đã quyết định sẽ tặng báo Xuân năm Tân Mão (2011) cho Đồn Biên phòng 553 (Châu Khê - Con Cuông) mới thành lập được 2 năm, đang gặp rất nhiều khó khăn!


Vượt 130 km từ Vinh đi lến đến thị trấn Con Cuông, rồi đi tiếp vào đồn biên phòng gần 30 cây số nữa. Ba mươi km thì không xa nhưng với đoạn đường một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu khe suối, đất thì không dễ dàng gì. Sau vài cây số dễ đi, còn lại toàn là những đoạn đường. Đất thịt trơn tuột sau những cơn mưa xuân đầu năm với những rãnh sâu xe chở vật liệu phục vụ cho xây dựng công trình thuỷ điện Bản Pà.

Vậy là từ thủ trưởng cho đến cán bộ đều phải cởi dày, áo khoác, xắn quần áo tìm mọi cách để đưa xe lên. Bình thường xe đã nặng, hôm nay chiếc xe lại càng nặng thêm với những thùng sách, hộp báo. Xe có thể vào đến tận Đồn nếu Khe Pà không tràn đầy nước, vậy là chúng tôi phải để xe lại ở ngoài, một số người được tăng bo xe máy, còn một số phải trèo đèo đi bộ 3 km nữa để đến Đồn.

Vẫn biết, chiến sĩ biên phòng và bà con vùng sâu, vùng xa là khó khăn, vất vả nhưng khi cùng các chiến sĩ Đồn 553 tiếp cận với cuộc sống bà con mới thấy hết được sự khó khăn, vất vả của các chiến sĩ cùng bà con nơi đây.

763920_small_61179.jpgThư viện tỉnh Nghệ An tặng sách cho chiến sĩ Đồn biên phòng 553

Đồn 553 phụ trách 14 km đường biên giới, mỗi một lần đi tuần tra, các chiến sĩ phải chuẩn bị mọi thứ để phục vụ cho một chuyến hành quân dài từ 7 đến 10 ngày. Cứ như thế, liên tục hết cuộc tuần tra này sang cuộc tuần tra khác, họ ngày đêm trèo đèo lội suối, giữ yên vùng biên cương Tổ quốc.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, một nhiệm vụ hết sức quan trọng của chiến sĩ biên phòng là giúp đỡ người dân vượt cái đói, cái nghèo, vượt qua những hủ tục lạc hậu để vươn lên xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Qua tâm sự của một chiến sĩ biên phòng chuyên quản Bản Bu, chúng tôi biết, đây là một bản người dân tộc Đan Lai, có 148 hộ dân với 900 nhân khẩu, sinh sống trên 900 m2 đất, vừa ở, vừa canh tác. Người dân Bản Bu phải làm gì để đủ sống trên một tích đất canh tác nhỏ hẹp như vậy trong khi từ xưa đến nay tộc người Đan Lai chỉ quen sống bằng cách di canh, di cư, sống nhờ vào rừng, vào đất của núi rừng? Chiến sĩ biên phòng Đồn 553 cùng với các ngành, các cấp đã vận động bà con khu tái định cư theo chủ trương của Nhà nước...


Dù vậy, cuộc sống bà con nơi đây vẫn lắm khó khăn. Bà con nơi đây chỉ sống nhờ vào rừng là chính. Ông bí thư chi bộ của Bản Bu nói với chúng tôi, vừa như đùa lại thể hiện một sự thật: "Con người luôn được bồi bổ thức ăn mà cái chết vẫn đến, huống hồ rừng nứa trúc cây già thì bị chặt, măng mới mọc thì bị bẻ vì phục vụ cho mưu sinh của con người rồi nó cũng sẽ hết. Làm sao có thể cung cấp cho con người được mãi?. Chúng tôi mong Đảng và Chính phủ giúp đỡ, chỉ cho chúng tôi phương cách cứu sống bà con nơi đây".

Thực trạng đó là nỗi trăn trở của cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng 553. Với chức năng và nhiệm vụ của ngành, chúng tôi sẽ xây dựng ở đây một mô hình điểm về thư viện, tủ sách để cùng các chiến sĩ biên phòng phát triển văn hoá đọc, hình thành được thói quen đọc sách, nâng cao sự hiểu biết cho bà con nơi đây.

Theo kế hoạch, năm nay Thư viện Nghệ An quyết tâm phủ kín tủ sách ở các đồn biên phòng trên toàn tỉnh và phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng tỉnh trong việc luân chuyển sách về các tủ sách đã được xây dựng. Mong muốn, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh thống nhất chủ trương, tăng cường chỉ đạo các đồn biên phòng dành kinh phí để tu bổ, nâng cấp phòng đọc, mua sắm trang thiết bị để có được một phòng đọc sách khang trang phục vụ tốt nhu cầu đọc sách báo của chiến sĩ, đồng thời mở rộng phục vụ nhân dân trên địa bàn, thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu sách thu hút nhiều đối tượng đến với phòng đọc sách để đồn biên phòng trở thành điểm sáng văn hoá...


Nhớ mãi chuyến đi đầu Xuân Tân Mão, vất vả nhưng đầy niềm vui. Tôi nói với đồng nghiệp của mình: Những người làm công tác thư viện như chúng ta chưa phải là nghèo, so với những người dân vùng biên cương Tổ quốc. Chúng ta thực sự may mắn. Bởi vậy, bằng mọi cách hãy chia sẻ với các chiến sĩ biên phòng và bà con vùng sâu vùng xa vốn trí thức mình đang có!


Nguyễn Thị Tú Anh