(Baonghean.vn) - Sau sự việc người dân huyện Nghi Lộc tìm thấy hiện vật nghi là ấn tín thuộc triều đại Mãn Thanh (Trung Quốc) gây xôn xao mấy ngày qua, tối 30/11, Bảo tàng Nghệ An đã tiến hành niêm phong và quyết định thành lập hội đồng thẩm định.
Dựa vào lớp ten, lớp màu của hiện vật, một số chuyên gia đồ cổ thuộc Hội cổ vật Sông Lam (Nghệ An) cho rằng, đây là đồ giả có xuất xứ từ Trung Quốc được sản xuất làm đồ lưu niệm cho khách du lịch hoặc chỉ mang ý nghĩa phong thủy.
Anh Nguyễn Lê Huy (TP.Vinh), là chuyên gia trong lĩnh vực đồ cổ, anh cũng người sưu tầm cổ vật lâu năm, hiện là thành viên Hội cổ vật Sông Lam, anh khẳng định: “Đây là đồ giả thấp cấp được làm dựa trên mẫu ấn tín "Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo", chỉ cần nhìn màu ten và chút am hiểu lịch sử là có thể phát hiện ra”.
Anh Huy cho biết, đồ đồng rất dễ bị oxi hóa, dưới tác động của hơi nước, trải qua thời gian thì sẽ ôxy hóa với gỉ màu xanh tạo nên khoáng đồng. Với quá trình hàng trăm năm, khoáng đồng bám trên bề mặt rất vững chắc, có màu đen hoặc màu xanh sẫm.
Để giống như đồ thật, sau khi đúc ấn đúng hoa văn và họa tiết, người ta tiến hành làm mòn bề mặt, dùng muối khoáng đồng và chất keo kết dính phủ màu xanh lên bề mặt. Tiếp đó, để làm mất đi độ mới của chiếc ấn, người ta bôi dầu lên và tiến hành đốt ở nhiệt độ cao tạo ra một màu đen, nhìn giống hệt với đồ cổ thật. Tuy nhiên, đối với những đồ giả cấp thấp như này, các chuyên gia chỉ cần nhìn qua là có thể phát hiện ra.
Đối với những đồ cổ giả cấp cao, người ta tiến hành nghiền nát đồ đồng cổ đã bị vỡ, hỏng hoặc những mảnh đồng vụn, những đồng xu cổ... thành bột, rồi dùng một loại keo kết dính lại và bỏ vào khuôn đúc. Những loại đồ giả cổ này, máy không thể xác định được, bởi vì nó hoàn toàn có giá trị về mặt tuổi tác. Tuy nhiên, do được làm bằng chất keo kết dính nên nó không thể chịu được nhiệt, khi đốt sẽ cháy.
Về giá trị lịch sử, ấn tín là quốc bảo, tượng trưng cho quyền lực của vua chúa, đặc biệt là biểu tượng rồng năm móng, vì vậy nó chỉ có thể làm bằng vàng hoặc ngọc (đá), không thể chất liệu đồng. Và cũng không có sự kiện lịch sử nào chứng minh ấn tín vua ở Trung Quốc có thể lưu lạc sang Việt Nam.
Một điều đáng nói, theo thông tin ghi chép của Trung Quốc, hiện 24 ấn, triện được vua Càn Long thống nhất sử dụng từ năm Càn Long thứ 11, trong đó có ấn "Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo" đang được bảo quản cẩn thận trong điện Thái Hòa của Tử Cấm Thành. Vậy nên không thể có chuyện xuất hiện ấn "Đại Thanh Tự Thiên Tử Bảo" ở Việt Nam được.
Theo anh Huy, loại ấn mà chị Nguyễn Thị Khương ở xóm 5, xã Nghi Lâm, (huyện Nghi Lộc) tìm được là ấn rồng Cửu Long, được làm để bán lưu niệm cho khách du lịch, làm đồ phong thủy cầu bình an, thăng tiến trong sự nghiệp.
Nó được bán nhiều ở các cửa hàng phong thủy hoặc các khu chợ đồ thờ ở miền Nam, hay trên các trang mạng nhưdodong.com với giá từ 300 - 400 ngàn đồng. Chỉ cần lên Google gõ từ khóa ấn rồng Cửu Long, sẽ ra 6,3 triệu kết quả, hình ảnh hoàn toàn giống với chiếc ấn tìm được ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc).
Anh Huy cũng chia sẻ thêm, đây cũng có thể là chiêu trò của dân cổ vật anh vẫn thường thấy. Bằng cách chôn dưới lòng đất để huyền bí hóa cổ vật, để người dân vô tình phát hiện được và mặc nhiên coi đây là cổ vật có giá trị cao. Đã có khá nhiều trường hợp bi hài trong việc phát hiện cổ vật khi đào đất, làm nhà...
Trước đó, ngày 26/11, chị Nguyễn Thị Khương, trú xóm 5, xã Nghi Lâm cùng người hàng xóm vào vườn của gia đình hái rau thì phát hiện một vật thể lạ. Khi đem rửa sạch, thì thấy có hình thù giống với bảo vật cổ nên đem cất giữ.
Chị Khương cũng cho biết, tại nơi tìm được hiện vật là gần mép ao cá trong vườn nhà chị. Hơn 1 năm trước, gia đình có thuê máy về múc đất làm ao cá trong vườn nhà. Có thể hiện vật ở dưới lòng đất cũng được đào lên và bị lấp lại mà không phát hiện ra. Ngay khi nghe tin, chị Khương phát hiện vật lạ, hàng trăm người hiếu kỳ đã kéo đến xem./.
Thư Thư