(Baonghean.vn) - Trong cái lạnh của những buổi đầu đông, anh Nguyễn Văn Hà vẫn lặng lẽ vai khoác túi, tay cầm cờ - lê bám theo từng mét đường ray quen thuộc để làm công việc tuần đường của mình. Công việc âm thầm ấy đã được anh duy trì trong suốt 6 năm qua với quãng đường đã đi qua hơn 30.000 km.
Anh Nguyễn Văn Hà (SN 1975) là công nhân đường sắt có thâm niên 20 năm nay. Trong đó liên tục 6 năm anh nhận nhiệm vụ tại tại tổ tuần gác cung đường Vinh - thuộc Công ty cổ phần đường sắt Nghệ Tĩnh. Làm công việc tuần đường sắt, anh Hà cũng là người đạt mốc đi bộ với quãng đường dài hơn 30.000 km. Hàng ngày anh phải kiểm tra từng cái bu-lông, từng đoạn ray, thanh tà-vẹt, phát hiện và kịp thời sửa chữa những hư hỏng nhỏ, nhanh chóng cấp báo những hư hỏng lớn trên hệ thống đường sắt, nhằm bảo đảm an toàn cho những đoàn tàu ra Bắc, vào Nam. Ray, tà vẹt, lập lách... trong khi điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên rất dễ hư hỏng. Người tuần đường phải quan sát kỹ, phát hiện kịp thời để sửa chữa, bởi chỉ cần một con ốc lỏng cũng có thể gây nguy hiểm cho cả đoàn tàu. Gắn bó trong nghề đã lâu, chỉ cần nghe tiếng cờ lê gõ vào từng đinh vít là anh Hà đã có thể đoán định được những "căn bệnh" đang gặp phải để kịp thời sửa chữa, tìm phương án khắc phục. Và công việc đòi hỏi sự chuyên tâm, kiên trì, nhẫn nại. Sau những giờ đi thực địa, anh lại trở về văn phòng ghi nhật ký hành trình để đảm bảo công việc luôn ở trạng thái tốt nhất. Anh cho biết, đoạn đường qua cầu vượt Nghi Kim và cầu vượt Quán Bánh là nơi thường xảy ra hỏng hóc, đường ray thường xuyên gặp các vật cản. Khu vực cầu vượt Nghi Kim cũng là điểm đen về ATGT đường sắt trong thời gian qua. Tại các cung đường, mỗi tổ tuần đường phải ghi chép biểu phân công, biểu hành trình tuần đường, biểu theo dõi các điểm xung yếu, các vị trí có vấn đề cần lưu ý. Đặc biệt là những điểm có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố . Vật dụng không thể thiếu trong chính là chiếc đèn tuần tra dành riêng cho đường sắt. Đèn được cấu tạo gồm một mặt đỏ, một mặt xanh, vừa để soi đường cho người đi tuần trong đêm, vừa làm tín hiệu cho các đoàn tàu. Làm công việc tuần đường đồng nghĩa với phải làm quen với những cung giờ thất thường, hiếm khi có thời gian để ăn một bữa cơm bên những người yêu thương. Mỗi ngày, bình quân có từ 16 đến 18 lượt tàu vận chuyển hành khách và hàng hóa đi qua. Những ngày cao điểm như lễ, Tết, số lượng này có thể lên tới hơn 20 chuyến. Sự cống hiến và lao động không mệt mỏi của những người tuần đường như anh Nguyễn Văn Hà đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu ra Bắc vào Nam. Thanh Quỳnh