(Baonghean) - Là vùng quê có bề dày truyền thống, mảnh đất Nghi Kiều (Nghi Lộc) từng lưu giữ không ít những dấu tích văn hóa, thể hiện đậm nét bản sắc vùng miền. Nơi đây từng được biết đến với nhiều nếp nhà cổ niên đại hàng trăm năm, nhưng giờ chỉ còn sót lại một vài căn để gợi nhớ và hoài niệm về những năm tháng đã xa.
Bên ấm chè xanh giữa ngày lạnh giá, trong ngôi nhà 5 gian nép mình giữa những khóm cây, ông Nguyễn Văn Xinh (SN 1951), xóm Xuân Hòa (Nghi Kiều - Nghi Lộc) không giấu được niềm tự hào khi kể về ngôi nhà cổ của gia đình.
Theo lời ông Xinh, ngôi nhà này của gia đình ông đã gần trăm năm tuổi, do thân phụ của ông là cụ Nguyễn Văn Báu (SN 1898, thường gọi cố Đông) dựng từ khi mới lập gia đình. Ngôi nhà được dựng bởi 12 cột chính, 4 cột bồng và 2 cột nửa, được thiết kế theo mẫu tam oai kẻ chuyền và lợp bằng 13.000 viên ngói âm dương. Cột nhà và các loại cấu kiện khác như vì, kèo, rui, mè đều được làm bằng các loại gỗ quý, chủ yếu là lim, dổi và sến được lấy ở vùng rừng núi huyện Thanh Chương, vận chuyển về bởi những chú trâu to khỏe.
Ngôi nhà có chiều dài gần 11m, rộng gần 6m, độ cao tính từ sàn lên đốc là 4m, mái nghiêng 45 độ. Những chiếc táng bằng đá dùng để kê cột được lấy về từ vùng đất La Nham, nay thuộc xã Nghi Yên, cách nhà hơn 30km. Thời điểm ấy, ngôi nhà trị giá 1.500 quan tiền hoặc 1.000 phương lúa nên phải là gia đình khấm khá, thường gọi là có “máu mặt” trong vùng mới làm được. Cả làng Xuân Hòa lúc ấy có 40 hộ thì có tới 26 gia đình dựng được nhà gỗ và lợp ngói âm dương, chứng tỏ làng này từng một thời giàu có và thịnh vượng.
Tính đến nay, ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Xinh đã trải qua 4 thế hệ sinh sống. Bố mẹ qua đời, các anh chị đều lập nghiệp phương xa, vợ chồng ông Xinh được quyền thừa kế ngôi nhà cổ và có nghĩa vụ chăm sóc hương khói. Các con đều đã thành đạt, các cháu nội ngoại đề huề, không ít người khuyên vợ chồng ông Xinh bán ngôi nhà cổ để xây nhà mới khang trang, to đẹp, sắm các tiện nghi hiện đại để hưởng thụ cuộc sống.
Nhưng ông chưa bao giờ có ý định bán đi, cho dù thi thoảng có người tìm đến hỏi mua, bởi với các thành viên trong gia đình, ngôi nhà không còn đơn thuần là nơi che mưa, tránh nắng mà đã trở thành một phần máu thịt. Nơi ấy chứa đựng bao kỷ niệm thân thương, đã gói trọn hơi ấm và niềm hạnh phúc từ bao đời. So với những ngôi nhà thời nay, ngôi nhà cổ ấy có thể khiêm tốn về diện tích, chiều cao và cả sự tiện dụng, nhưng ở trong ngôi nhà ấy mùa đông luôn ấm áp và mùa hè đón nhận những luồng gió mát từ cánh đồng phía trước.
Theo trí nhớ của gia chủ, trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Văn Báu là điểm dừng chân của các đơn vị bộ đội trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam. Các đơn vị bộ đội địa phương mỗi khi đến vùng đất Nghi Kiều huấn luyện và chiến đấu cũng thường chọn nơi đây làm chỗ nghỉ ngơi và học tập chính trị.
Giữa năm 1968, trong cảnh bom đạn của kẻ thù dội xuống liên miên, Trường Cấp 2 Nghi Kiều đã mượn nhà cụ Báu làm điểm thi trong 3 ngày, và đợt thi đã diễn ra an toàn, tốt đẹp. Thời điểm chiến tranh ác liệt, không quân Mỹ ngày đêm rải bom xuống đất Nghi Kiều, không ít lần dội trúng làng mạc, nhiều nhà cửa bị bom vùi, nhưng ngôi nhà cụ Báu đã gặp may. Có tới 5 lần bom dội chung quanh nhưng cách tường khoảng 200m nên ngôi nhà vẫn đứng vững, tiếp tục chở che cho các thành viên của gia đình.
Điều đáng nói là trải qua gần 100 năm với bao thăng trầm, biến đổi của thời cuộc, dưới cảnh bom đạn chiến tranh và sự khắc nghiệt của khí hậu, nhưng ngôi nhà cổ của cụ Báu, bây giờ thuộc sở hữu của ông Xinh chỉ mới tu sửa đúng một lần. Việc tu sửa được ông Xinh tiến hành bằng cách đảo lại ngói, một số ít ngói bị hỏng nên phải thay hai hàng ngói mới. Cùng với đó là xây lại tường bao và thay gạch lát nền, còn các hạng mục khác vẫn còn nguyên bản. Việc tu sửa này không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu và hình dáng của ngôi nhà, bởi cái quan trọng nhất là bộ khung của nó vẫn còn được giữ nguyên, tất cả vẫn toát lên nét gần gũi và cổ kính, đơn sơ và bình yên.
Một thoáng, ấm chè xanh đã cạn, nhưng câu chuyện về ngôi nhà cổ vẫn chưa vơi. Ông Nguyễn Văn Xinh cho hay, ngoài ngôi nhà của mình, ở xóm Xuân Hòa còn có một ngôi nhà cổ khác cũng đã qua 5 thế hệ cư trú. Nói rồi, ông dẫn chúng tôi sang ngôi nhà ấy, giờ con cháu làm nơi thờ tự ông bà, tổ tiên. Chủ nhân ngôi nhà cổ này, tức là người đang có quyền sở hữu là ông Hà Huy Hồng (SN 1960), hiện là một “tay” thợ mộc có tiếng trong vùng.
Ông Hồng cho hay, ngôi nhà cổ này do cụ Hà Huy Phiên (dân làng thường gọi Tuần Phiên - một chức việc nhỏ trong xã hội cũ) dựng từ đầu thế kỷ trước. Nhà được thiết kế 3 gian, dài 7m, rộng 5m, tường cao 2m, có 8 cột, làm theo lối tam oai kẻ chuyền, lợp ngói âm dương, được làm từ hai loại gỗ lim và dổi. Từ khi dựng đến nay, ngôi nhà của cụ Tuần Phiên mới lát lại nền và thay ván lát phía trước, còn hệ thống cấu kiện và các bộ phận khác đều nguyên bản.
Ấn tượng đậm nét khi bước chân vào ngôi nhà này chính là đường nét hoa văn được chạm khắc khá tinh tế trên các vì kèo và cột bồng. Ở giữa là bức hoành phi, câu đối đã ngả màu cùng hệ thống long ngai, bài vị càng tôn thêm nét cổ kính. Cùng với đó là bức tường rêu phong in đậm màu thời gian, phía trên là những dòng chữ nho nét mờ, nét tỏ. Điều này chứng tỏ ngôi nhà được dựng bởi những người thợ có đôi bàn tay khéo léo và tài hoa. Và ngoài giá trị sử dụng, khi thiết kế và xây dựng ngôi nhà, chủ nhân còn hướng tới giá trị thẩm mỹ.
Là kẻ hậu thế, ông Hà Huy Hồng không nắm rõ gốc tích và lịch sử của ngôi nhà, thuở nhỏ chỉ nghe ông nội kể đôi lần về việc kéo gỗ, chở ngói làm nhà. Ông nội trước lúc qua đời đã căn dặn con cháu dù có rơi vào cảnh nghèo khó cũng không được bán ngôi nhà, vì nó là mái ấm hạnh phúc được đời xưa truyền lại. Trải qua bao năm tháng gió mưa, bão bùng và cảnh bom rơi, đạn nổ ngôi nhà vẫn vững chãi nên thế hệ sau luôn phải giữ gìn, không thể vì bất cứ lý do gì mà dỡ bỏ hoặc bán đi.
Vì thế, khoảng hơn 10 năm trước, có nhiều người chuyên “săn” nhà cổ tìm đến xóm Xuân Hòa để hỏi mua, nhưng ông Hồng nhất mực không bán. Giờ đây, ngôi nhà cổ này không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình, ông Hồng xây ngôi nhà mới, ngôi nhà cổ được dùng làm nơi thờ tự. Nếp nhà xưa vẫn còn nguyên vẹn, ngày giỗ, Tết con cháu lại tìm về khói hương, hình bóng người xưa vẫn còn hiện hữu, nhắc nhở đời sau giữ lấy đạo lý ngàn đời, sống lương thiện và không quên gia phong, truyền thống.
Các bậc cao niên ở nơi đây khẳng định Nghi Kiều là một vùng đất cổ, vì hầu hết mộ tổ của các dòng họ đều có niên đại hàng trăm năm, từ 9 đời trở lên. Ngày xưa nơi đây có nhiều nhà cổ, nhưng một phần đã bị tàn phá bởi chiến tranh, một phần do con cháu đời sau không gìn giữ được. Chỉ còn sót lại ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Báu và cụ Hà Huy Phiên là chứng tích của một thời đã xa, ai cũng khen ngợi con cháu của hai gia đình này đã và đang giữ được nếp nhà xưa, để thế hệ mai sau tìm về gốc tích...
Công Kiên