(Baonghean) - Có mấy ai biết, chỉ cách ngã tư thị trấn Đô Lương, nơi tấp nập buôn bán xứ Lường chừng vài trăm mét, vẫn còn chiếc giếng làng 360 năm tuổi. Hơn 300 năm, người dân làng Nghiêm Thắng (Đông sơn) đã giữ gìn, tôn tạo giếng Thang với một niềm tự hào khôn xiết, như thể nó là trái tim, là mạch máu, và hơn cả thế, nó là một giá trị tinh thần vĩnh cửu của quê hương…
Giếng Thang được ghép từ 8 phiến đá xanh dày 30 phân, có mộng âm dương (không dùng hồ trát mạch) tạo thành hình vuông, mỗi chiều 2 mét, cao chừng 40 phân. Qua thời gian, năm tháng, đời người, nước giếng Thang vẫn trong vắt, vẫn vị ngọt được chắt từ mạch đất, mạch sông, thành giếng đá hằn in vết dây gầu mà chạm vào nó, như chạm vào cả một trời những ký ức, nhớ thương…
Biết bao nhiêu đứa trẻ làng Đông Trung, làng Nghiêm Thắng, làng Phương Liên, làng Cẩm Ngọc... uống nguồn nước trong lành ấy mà lớn lên. Biết bao nhiêu người con trai, con gái đã hẹn thề nơi ấy mà thành đôi, thành lứa. Biết bao nhiêu người thành đạt đi xa để một ngày “bạc tóc nhớ làng” quay về, soi màu lau trắng dưới mặt nước phẳng lặng ấy mà nước mắt rưng rưng… Trong số những người soi bóng tóc mình để nhắc nhớ tuổi thơ, có Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Nguyên Khôi, Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Toàn, Thiếu tướng Hoàng Kiện… Còn biết bao người quê khác, suốt tuổi thơ mình uống nước giếng Thang, cho đến khi nhắm mắt, xuôi tay, bát cơm cúng đơm cũng nấu bằng nước giếng ấy. Họ thanh thản đi về với đất, như hạt cát bụi vô danh, nhưng tâm hồn họ ký thác nơi tiếng gàu khua mỗi đêm trăng, nơi vết dây gàu hằn trên bậc đá xanh. Ấy là họ để lại một vệt dấu của mình nơi giếng làng…
Theo gia phả của họ Trần Kim và một số tài liệu ở đền Thang thì giếng Thang được bậc Thánh tổ Trần Vĩnh tạo ra. Ông sinh khoảng 1620 - 1625, tại làng Nồi (sau là làng Đông Trung) ở Vệ Kim, Đông Sơn. Mẹ Thánh tổ được gọi là “mụ Lúa’, đã cùng con trai mình chiêu dân, khai khẩn nên nhiều cánh đồng: Chọ Tràng, Đồng Hồ, Lối Sim… Vì làng Nồi khi ấy ở triền núi xa, xa với thị tứ nên ông đưa dân ra lập làng mới gần sông Lam. Để có nước sinh hoạt cho bà con, ông mời thầy địa lý đến tìm long mạch đào giếng, suốt 3 ngày 3 đêm. Ban đầu, giếng được xây bằng đá cuội. Do thấy ông tài cao đức rộng, luôn tìm kế mưu sinh cho dân nên dòng họ Thái Ngô danh vọng nhất vùng đã gả con gái Thái Thị Chi (Thái Thị Ngọc Thế) cho ông.
Thời kỳ đầu, giếng thuộc làng Đông Trung, sau do dân tình phát triển thêm làng Nghiêm Thắng nên dần dần giếng thuộc làng Nghiêm Thắng. Làng được lấy tên đội quân Nghiêm Thắng của Uy minh vương Lý Nhật Quang đóng tại đây vào năm 1044 để chống giặc Lao Qua, Lâm Ấp. Thánh tổ Trần Vĩnh không chỉ lập làng, khai hoang phá đất mở đường, đào giếng cho dân mà còn cùng với vợ mình hiến tặng cho làng 15 mẫu ruộng vào ngày 20/1/1667. Đến ngày 10/2/1668, Thánh tổ mất, dân làng thương tiếc đã lập đền thờ ngài và tôn ngài làm Thành hoàng của làng. Do công lớn, Thánh tổ được nhiều vua phong sắc, lớn nhất là “Thượng đẳng thần”. Hàng năm, ngày giỗ Thánh tổ được người dân trong các họ làm lễ thục cúng tại đền Thang.
Lúc đầu, giếng được gọi là giếng Thiên (giếng Trời), nhiều người vì cái tên mà ngại ra múc nước ban đêm nên sau được đổi là giếng Thang cho gần gũi. Theo truyền tụng của dân làng, khi giếng khoảng 200 năm thì bà Tú Lường cùng chồng Nguyễn Cảnh Tú ra Bắc thuê thợ về đục đá, ghép giếng. Những phiến đá xanh, cách ghép miệng giếng như hiện nay, chính là có từ ngày ấy. Một thời gian sau, vợ chồng bà Tú Lường lên Tân Kỳ khai hoang, lập ấp, cung cấp lương thực cho quân đội Cần Vương của quan Lan Hường (Tiến sỹ Nguyễn Nguyên Thành) hoạt động ở vùng Yên Mỹ, Đô Lương.
Điều kỳ lạ là mực nước giếng Thang luôn cao hơn mặt ruộng 2m, mực nước sông Đào, sông Lam cũng thấp hơn nước giếng nên người dân làng Trung Đông xưa ấy không hiểu được mạch nước huyền diệu ấy chảy từ đâu? Chỉ biết, cái miền quê gió Lào thổi rạc bờ tre này, có nhiều khi nắng dội lửa hút cằn khô nhiều giếng nước, thì giếng Thang vẫn dồi dào mạch nước. Bao nhiêu dây gầu kéo lên, bao nhiêu dây gầu thả xuống, bao nhiêu mát lành giếng Thang dâng tặng, bao nhiêu câu chuyện dội vào những phiến đá xanh im lìm. Giọng quê vỡ ra từ mặt nước trong. Niềm vui, nỗi buồn bên bờ giếng ấy mà lan tỏa, mà gắn kết tình quê… Giếng Thang như minh chứng cho mạch đất lành, con cháu nhiều dòng họ khác nhau đã về đây quần tụ, này họ Đào Danh, này họ Hoàng Văn, họ Nguyễn Cảnh… để ngày lễ hội, ngày Rằm, họ, các họ đều dùng nước giếng Thang mà rửa đồ tế khí, hoa quả dâng lên ban thờ tiền nhân, tiên tổ, thánh thần.
Cả một vùng lớn rộng, nhà nào cũng dành chum, vò đựng nước giếng Thang mà nấu nước chè xanh. Chè Gay, chè Thống Nhất (Đông Sơn) nấu với nước giếng Thang đã trở thành “đặc sản”.Nhiều bà, nhiều chị với “tay” nấu nước chè đã làm thành niềm thương nhớ cho nhiều người quê và khách vùng xa, đã được truyền tụng trong nhân gian về cái nết khéo, nết tài, nết đảm. Chính món nước chè giản dị có sự góp công của nước giếng Thang mà nhiều người nhắc nhớ đất này. Những quán nước của bà Lạc Hồng, bà Hòa Bình làng Phương Liên, chỉ là nước chè xanh với dăm thanh kẹo lạc, gần xa ai cũng muốn ghé chân. Ngồi thanh thản, duỗi dài chân sau một buổi lao động, hay sau một quãng đường xa, bà chủ quán xởi lởi giọng quê bưng ra bát nước óng vàng sóng sánh còn bốc khói, mùa Đông thì nghe thêm tiếng xuýt xoa, mùa Hè có thêm ngọn gió mát từ chiếc quạt nan trên tay bà hàng nước, thấy cả bóng tre xanh, bóng mây trắng trên đầu nghiêng xuống bát nước. Uống nước, hay uống cả hình bóng, cả hồn quê?
Bí thư Huyện ủy Đô Lương, ông Trương Hồng Phúc kể rằng, quán nước của mẹ ông (chính là quán bà Hòa Bình) đã nuôi 11 người con trưởng thành, trong đó 10 người tốt nghiệp đại học. Những năm 1973 - 1976, mỗi ngày sau buổi học, ông cũng đều gánh 5 gánh nước giếng Thang về cho mẹ nấu nước chè. Nguyên Phó Giám đốc Ty Y tế Nghệ An, ông Hoàng Ngọc Túy (sinh năm 1927) làng Đông Trung cũng cho hay, từ khi 5 tuổi đã thường lẽo đẽo theo sau chân mẹ đi lấy nước. Từ năm 12 tuổi, ngày nào ông cũng gánh vò lấy nước giếng Thang cho đến khi đi làm cách mạng.
Nhiều người dân trong vùng dùng nước giếng Thang mà ủ giá, nấu rượu, tưới rau màu đều nói rằng nước giếng thật lành. Ông Nguyễn Cảnh Vinh làng Nghiêm Thắng dùng nước giếng Thang ủ giá gần 20 năm, ông Nguyễn Danh Hòe làng Nghiêm Thắng cũng lấy nước này mà làm nghề ủ giá suốt 32 năm qua. Người dân trong vùng kể rằng, bên cây nhãn ông Hòe cạnh giếng Thang, cố Đội Vân (cha của Thiếu tướng Hoàng Kiện) thường ngồi kể cho trẻ chăn trâu nghe chuyện ông Kiện tập võ, đi kháng chiến, rồi chuyện cộng sản cắm cờ búa liềm, rải truyền đơn quanh vùng những năm 1930-1945. Có những giấc mơ, có lòng yêu quê đã lớn lên bên cạnh giếng này như vậy…
Giếng Thang, cùng với giếng Thống (được đào từ đầu thế kỷ XVIII) và giữa là đền Thang tạo thành một quần thể di tích cho vùng đất Đông Sơn. Người dân trong vùng, đôi lúc hoài cổ, tiếc nhớ cây đa, đình làng xưa, nhưng vẫn cảm thấy may mắn khi còn lại giếng làng như một chứng tích của thời gian, của lịch sử. Qua thăng trầm thời gian, qua lửa đạn chiến tranh khốc liệt, một phần giếng đã từng bị bồi lấp, để rồi một ngày kia, trong nỗi hân hoan và xúc động, người con quê hương lại thấy giếng làng vẫn nguyên vẹn như câu truyền tụng người xưa: “Giếng Thang lưu thủy ngàn năm dâng nước ngọt/ Thiên thông, địa kiệt anh hào xuất xứ từ đây”.
Ngày 16/5 vừa qua, lễ động thổ tôn tạo, nâng cấp giếng đã diễn ra ở làng Nghiêm Thắng với mong mỏi “Giếng Thang sẽ trở thành di sản văn hóa, đáp ứng tâm linh của dân làng đối với Thành hoàng Trần Vĩnh”. Giếng Thang, hay chính là cầu nối quá khứ, hiện tại với tương lai, tiếp dâng mạch nước muôn đời? Để bao người con lưu lạc viễn xứ, vẫn mơ ngày trở lại, chạm tay nơi đá giếng, vục gương mặt mình dưới trong trẻo nước giếng quê, uống từ gầu nước này biết mấy mát lành.
Xin được kết thúc bài viết này, với nỗi nhớ, niềm tự hào của một người quê về “Giếng làng”:
“Con lại về giếng làng trong biếc/ Thấy thuở hoang sơ nguồn nước Người tìm/ Đâu biết máy xuyên tầng địa chất/ Thương dân làng mạch nước chảy từ tim…/ Khi gió Lào ram vàng mặt đất/ Dịu mát lòng người, giếng nước trăng lên/ Cha gánh củi nghiêng nghiêng bóng núi/ Nước chè xanh óng ánh mẹ chờ/ Nơi cá gỗ tắm giếng làng chợt sáng/ Chiêng trống phập phồng đón tiến sỹ vinh quy/ Từ giếng này bao người lính ra đi/ Lời hò hẹn gửi trăng vàng sóng sánh/ Chẳng thể nào quên tuổi thơ theo mẹ/ Chiếc gàu mo dội nước mát mênh mang/ Giờ tóc bạc con nghiêng chiều bên giếng/ Thấy đâu đây bóng mẹ giữa làn xanh” (Trần Huyền Nghiêm).
Thùy Vinh - Huyền Nghiêm