(Baonghean) - 1.Hồi cất đất cho anh trai làm nhà, hơn một nửa khu vườn đã bị thu hẹp lại. Rồi khi kế hoạch làm nhà mới, thay thế cho ngôi nhà cũ thì khu vườn có nguy cơ biến mất. Tôi không ở nhà thường xuyên để có thể trồng rồi hưởng thụ những sản vật của vườn nhưng nếu không có một khu vườn trong nhà sẽ là thiếu sót rất lớn. Bởi vậy, dù đất không nhiều, tôi vẫn bàn với cha mẹ dành lại một khoảng nhỏ trước nhà để làm vườn. Và biết đâu, khoảng đất nhỏ đó sẽ giúp mẹ đỡ buồn tay buồn chân hơn trong những ngày tháng không thể làm được những công việc ngoài đồng.
Những tháng cuối năm, mẹ bắt đầu vun luống rồi trồng đậu, trồng rau… Tết đến, trong những bữa cơm cúng gia tiên, tất nhiên không thể thiếu một vài món rau được hái từ vườn. Tháng hai, mẹ bắt đầu trồng những cây cà con bé tí. Đất tơi xốp, lại thêm những ngày mưa xuân lất phất bay như thúc đẩy cây cà bén rễ và lớn lên từng ngày. Sắp tới, khi cây cà lớn lên rồi ra trái, trong nhà sẽ có những món ăn được chế biến từ cà, trong đó không thể thiếu món cà muối. Mới nghĩ đến đó thôi mà trong lòng không khỏi chộn rộn.
2. Có lẽ, không ở đâu có cà ngon bằng cà xứ Nghệ, đặc biệt là cà muối.
Để làm cà muối, mẹ tôi thường chọn những quả cà nhỏ trắng đem phơi cho héo. Qua một hai ngày, khi quả cà đã rút bớt nước thì mang vào nhà để lột tai cà. Khâu lột tai cà tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng, đòi hỏi bàn tay khéo léo của người lột, sao cho lưỡi dao không bị lẹm vào thịt cà. Có như vậy cà mới không bị hỏng, có thể để được lâu qua nhiều tháng.
Cà sau khi đã được phơi nắng, lột tai thì rửa sạch, để ráo nước, rắc thêm một ít muối hột rồi xóc lên cho thật đều. Xong hết các công đoạn đó mới trút tất cả vào vại sành, cho nước sôi hơi ẩm gần ngập, giã thêm ít tỏi rắc vào. Điều khiến cà muối xứ Nghệ ngon hơn các nơi khác, có lẽ vì được lèn chặt bởi một vỉ nan úp phía trên. Để cà không nổi trên mặt nước, người ta còn lấy một hòn đá nặng đè lên tấm vỉ nan đó. Chính điều đó mà khiến cà muối trắng và giòn hơn.
Để nguyên vại cà như vậy trong một tuần là đã có thể lấy dần ra ăn. Cà muối để càng lâu càng ngon. Để giữ cà được lâu mà không bị hỏng, lúc muối cà mẹ tôi thường cho thật nhiều muối vào vại. Cà Nghệ “càng mặn lại càng giòn” giống như câu thơ của nhà thơ Huy Cận, được chắt chiu bằng những trải nghiệm và yêu thương. Vào những ngày mùa bận rộn, không thể đi chợ mua thức ăn thì cà muối là món ăn tiện lợi, vừa có thể làm rau lại vừa làm món mặn. Bữa cơm chỉ giản dị thế thôi mà đầm ấm!
Cà muối có thể ăn cùng cơm vào tất cả các mùa trong năm. Nhưng vào mùa hè, ngoài đĩa cà pháo trắng muốt bên cạnh chén mắm tôm đã được trộn đều với chanh và ớt; nếu bữa cơm có thêm tô canh lá lằng hay nước rau muống luộc thì bữa cơm hôm đó đã trở thành một bữa ăn đầy tuyệt thú.
Cây lá lằng, cùng họ với cây chân chim, thường sống ở các khu rừng của miền Tây xứ Nghệ. Lá lằng hái trên rừng về rồi thái nhỏ, phơi khô, có thể để hàng năm trời. Tôi vẫn gọi canh lá lằng là canh nhà nghèo. Có lẽ vì nó được nấu đơn giản, đơn giản đến mức không có thứ canh nào có thể đơn giản hơn. Chỉ cần đun sôi nước, sau đó bắc nồi xuống rồi thêm muối, bột ngọt và cho lá lằng vào. Khi cho lá lằng vào nồi tuyệt đối không được khuấy, vì như vậy sẽ khiến cho nồi canh trở nên đắng ngắt, rất khó ăn.
Hôm nào “sang” hơn thì lấy lá lằng nấu cùng với mớ tép đã được phơi khô. Nồi canh hôm đó vừa có vị đắng của lá lằng, vừa có vị ngọt của tép khô. Và chắc chắn, bữa cơm nào mà có cả canh lá lằng với đĩa cà muối thì y như rằng, mọi người đều rất hứng khởi, ăn một cách ngon lành. Và một miếng cơm, gắp một quả cà muối chấm mắm tôm rồi cho vào miệng, đợi khi hai hàm răng cắn nhẹ vào quả cà, tiếng "đốp" nhẹ nhàng vang lên, len lỏi qua những kẽ răng để lọt vào tai, tạo nên những thanh âm đầy thú vị và hấp dẫn.
3. Thỉnh thoảng trong những mẻ cà mẹ muối, cũng có đôi lần cà bị úng, hoặc do ít muối lại để lâu khiến cà thâm đen lại. Nhưng dù như vậy thì số cà đó vẫn không thể vứt đi. Vào những bữa ăn sau đó, mẹ tôi lại vớt cà lên, rửa qua nước lạnh để cà vừa sạch vừa không bị mặn rồi mới cắt đôi quả cà trước khi cho vào xào với tóp mỡ.
Những quả cà óng mỡ, ăn với cơm nóng trong những ngày lành lạnh thì thật không có gì để chê. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể nào quên những buổi sáng sớm dậy đến lớp, bao giờ cũng được lót dạ bằng bát cơm rang cùng cà úng mà mẹ đã chuẩn bị từ trước đó. Những bữa cơm như vậy nuôi tôi lớn lên, để rồi giờ đây đi xa lại quay quắt nhớ về.
Hồ Huy Sơn