Sáng 23/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia chủ trì hội nghị. Cùng tham dự còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Dư nợ tăng hơn 40% với nhiều chương trình thiết thực
Báo cáo tại hội nghị, Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng cho biết đến 31/8/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 40,2% so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7% với gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung chủ yếu vào 9 chương trình tín dụng lớn, chiếm gần 98% tổng dư nợ.
Ngoài ra, Ngân hàng CSXH đang thực hiện một số chương trình, dự án do các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác thực hiện như chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn Ngân hàng tái thiết Đức (KFW); cho vay dự án phát triển ngành lâm nghiệp từ ngân hàng thế giới (WB)…
Nguồn vốn tín dụng chính sách được tập trung ưu tiên cho vay đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo. Đến 31/8/2019, dư nợ của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm gần 56% tổng dư nợ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 52,6% tổng dư nợ toàn quốc.
Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.Trong giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%; giai đoạn 2016-2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,23% (bình quân 1,0%/năm).
Tại Nghệ An, từ năm 2015 - 2019, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp cho 93.119 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; 1.729 lao động được vay vốn đi XKLĐ; 38.146 hộ gia đình kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; 8.466 hộ nghèo được vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa lại nhà ở, làm chòi tránh lũ, giúp người nghèo có nhà ở kiên cố, ổn định, xóa bỏ tình trạng nhà tạm bợ, dột nát; gần 11.000 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không còn tình trạng sinh viên nghèo phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí; hơn 7.500 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, bám bản tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...
Phát huy vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách
Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, các địa phương và các cán bộ tín dụng chính sách tập trung thảo luận và đánh giá việc thực hiện tín dụng chính sách trong thời gian qua và đặt ra các giải pháp thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới, trong đó có tính tới việc áp dụng chính sách đối với từng vùng, khu vực nhằm góp phần thay đổi tư duy về sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập của người nghèo và rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo của đất nước.
Để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị thời gian tới cần tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, hoạt động giao dịch xã...