1. Đèn kéo quân
Đèn kéo quân là món đồ chơi truyền thống, yêu thích của trẻ em Việt xưa mỗi khi Trung thu về. Khi nhắc đến đèn kéo quân, chúng ta thường liên tưởng đến chiếc đèn hình trụ, được làm bằng giấy bao quanh chiếc khung tre, loại đèn tưởng chừng như vô tri nhưng lại rất sống động khi biết “kể chuyện”.
Đèn kéo quân độc đáo ở chỗ chiếc lồng kéo “biết” xoay tròn, kéo theo bao nhiêu hình, tên dân gian gọi là các “quân”. Những chiếc đèn này giúp trẻ thơ được hiểu biết thêm về lịch sử của đất nước mình. Chính vì vậy, những hình ảnh dán trong đèn thường là các đoàn quân hay những con vật như: con trâu, con gà, con chim, tứ linh nhảy múa, nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu…
2. Đèn cù (đèn ông sư)
Đèn cù còn có tên gọi khác là đèn ông sư - đây cũng là một món đồ chơi truyền thống của biết bao thế hệ ông, cha đi trước. Vào đêm Trung thu, trẻ em xung quanh xóm cùng nhau kéo những chiếc đèn cù sáng lấp lánh ra sân đình để vui chơi.
Để làm được một chiếc đèn cù, những người thợ mất rất nhiều thời gian và công đoạn từ chẻ nứa, vót nan đến làm bánh xe, dán giấy màu...cái tên của chiếc đèn ông sư hay đèn cù cũng xuất phát từ hình dáng của nó, chiếc chao đèn có hình giống mũ hòa thượng và khi kéo đi đèn sẽ quay như cái cù.
3. Trống ếch
Trống ếch giống như chiếc trống da trâu, trống sư tử nhưng nhỏ hơn cũng là một trong những món đồ chơi Trung thu truyền thống yêu thích của trẻ em xưa. Khi đánh, trống phát ra tiếng kêu "cắc, tùng" đặc trưng trong dịp Trung thu, tạo thêm sự rộn ràng, phấn chấn, tưng bừng và làm nên hương vị của ngày Tết thiếu nhi.
4. Mặt nạ giấy bồi
Có thời gian, mặt nạ giấy bồi - món đồ chơi trung thu truyền thống tưởng chừng bị lấn át bởi các loại đồ chơi hiện đại, bắt mắt hơn từ Trung Quốc. Nhưng những năm gần đây, những chiếc mặt nạ giấy bồi đã dần xuất hiện trở lại với hình ảnh các nhân vật dân gian Việt Nam quen thuộc như: ông Địa, chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở... Ngoài ra còn có mặt nạ của các nhân vật trong truyện cổ tích để các em nhỏ hóa trang thành các nhân vật mình yêu thích trong đêm trăng rằm.
5. Tiến sĩ giấy
Ngày xưa, mỗi dịp Tết Trung thu, ông bà, cha mẹ thường mua ông tiến sĩ giấy được làm bằng những giấy màu sặc sỡ, đặt ở nơi cao đẹp nhất, xung quanh là bánh trái hoa quả và đèn trang trí.
Hình ảnh ông tiến sĩ giấy không chỉ đơn thuần là trò chơi dân gian mà qua đó, cha mẹ muốn gửi gắm vào con cái một niềm hy vọng con mình sẽ chăm chỉ học hành, lớn lên đỗ đạt. Điều này thể hiện rõ tinh thần hiếu học, khuyến học khuyến tài và của dân tộc ta. Sau khi phá cỗ, các em thường đặt ông tiến sĩ giấy ở một góc trang trọng trên bàn học, để mỗi khi học bài, các em thường tự nhủ mình cần phải cố gắng hơn.
6. Ông đánh gậy trông trăng
Nếu ông tiến sĩ giấy thể hiện ước mơ về học thức thì ông đánh gậy là món đồ chơi trung thu ý nghĩa, tượng trưng cho lời chúc và mong muốn của cha ông về một thế hệ khỏe mạnh về thể chất, có thể góp sức giúp nước, giúp dân.
7. Tò he
Giữa muôn vàn món đồ chơi trung thu truyền thống “đánh thức” sự hiếu động, hoạt bát của trẻ thì tò he là thứ đồ chơi hướng trẻ em tới nghệ thuật, sự khéo léo và tỉ mỉ. Tò he là giấc mơ muôn màu sắc, là thế giới trẻ thơ đầy ngộ nghĩnh được thể hiện qua các nhân vật cổ tích, con thú đáng yêu.
Từ những nguyên liệu thân thuộc trong cuộc sống như bột gạo nếp, phẩm màu tự nhiên, que tre với sự sáng tạo, kỹ thuật điệu nghệ, người thợ nặn ra những con tò he đủ mọi hình dáng, thể hiện được các cung bậc cảm xúc trên khuôn mặt.
Tò he một trong số ít những món đồ chơi trung thu dân gian còn tồn tại đến nay.