Chưa có giải pháp giải quyết tranh chấp địa giới
Tại cuộc làm việc, vấn đề được nhiều thành viên giám sát quan tâm nhất, đó là giải quyết vấn đề tranh chấp địa giới hành chính ở một số địa phương, mặc dù đã được cử tri kiến nghị nhiều lần qua nhiều kỳ tiếp xúc cử tri nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Nổi lên là tình trạng tranh chấp đất giữa người dân xã Châu Lý (Quỳ Hợp) và xã Tân Hợp (Tân Kỳ); giữa Thanh Lương (Thanh Chương) và Nam Hưng (Nam Đàn); giữa Nam Thanh (Nam Đàn) và Nghi Công Bắc, Nghi Công Nam (Nghi Lộc).
Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý, cho rằng, Sở đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức nhiều lần hiệp thương, tuy nhiên giữa các địa phương chưa có sự thống nhất chung phương án giải quyết.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái An Chung, do hiện nay chưa có quy trình giải quyết tranh chấp địa giới hành chính cụ thể mà chỉ là quy trình được ban hành từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Vì vậy, để giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri trong vấn đề này thì Sở Nội vụ cần chủ động tham mưu cho Bộ Nội vụ có hướng dẫn cụ thể về quy trình giải quyết.
68% sinh viên cử tuyển chưa có việc làm
Các thành viên đoàn giám sát cũng nêu vấn đề về tình trạng sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp chưa có việc làm; việc đào tạo, bố trí người dân tộc thiểu số và trong các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp.
Theo đại diện Sở Nội vụ, trong vòng 14 năm, toàn tỉnh có 884 sinh viên theo học theo chế độ cử tuyển; trong đó có 859 người tốt nghiệp và đang theo học 25 người.
Điều đáng quan tâm là hiện nay có 68% người chưa có việc làm; gây lãng phí lớn nguồn ngân sách do chế độ chi trả cho sinh viên cử tuyển thông qua hỗ trợ học bổng và trợ cấp hàng tháng cho đối tượng và lãng phí nguồn lực.
Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài yếu tố khách quan do việc xây dựng, đề xuất chỉ tiêu cử tuyển ban đầu từ các địa phương không sát thực tiễn thì chủ quan người học có những người không đảm bảo đúng niên độ học tập và tốt nghiệp, bậc đại học 4 – 5 năm, nhưng có những học sinh học 6 – 7, thậm chí có người học 9 năm mới tốt nghiệp.
Cho nên, có những vị trí công việc dự kiến dành cho sinh viên cử tuyển đã được bố trí cho người khác trong thời gian người cử tuyển tham gia học tập.
Liên quan đến đào tạo, bố trí người dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan Nhà nước, đại diện Sở Nội vụ thông tin: Chính phủ đã ban hành Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14/03/2016 về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ chưa có hướng dẫn tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số trong bộ máy chính quyền các cấp để có cơ sở thực hiện.
Thường trực HĐND tỉnh cũng kiến nghị Sở Nội vụ quan tâm giải quyết kiến nghị của cử tri về giải quyết giáo viên dôi dư; bố trí giáo viên mầm non thiếu ở các địa phương; giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, xóm sau sắp xếp, sáp nhập.
Kết luận tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị Sở Nội vụ quan tâm rà soát lại các ý kiến, kiến nghị của cử tri do HĐND, UBND chuyển thuộc thẩm quyền để phân công bộ phận, cá nhân cụ thể để tập trung giải quyết, trả lời cụ thể cho cử tri.
Trong đó cần quan tâm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp địa giới hành chính tại địa phương; rà soát và phối hợp cùng với Sở Tư pháp xây dựng đề án giảm họp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở xem xét để điều chỉnh thời gian giao biên chế giáo dục cho các địa phương vào đầu mỗi năm học, tạo điều kiện thuận lợi; nghiên cứu đề xuất tỷ lệ người dân tộc trong các cơ quan nhà nước phù hợp.