1. Lý Công Uẩn (Giáp Tuất - 974)

17177243_822018.jpg
Lý Công Uẩn quê Bắc Ninh, vị vua đầu tiên nhà Lý (hiệu là Thái Tổ). Nghị lực, thông minh, văn võ song toàn, ông được tiến cử vào quan trường, thăng đến chức Điện tiền Chỉ huy sứ, phụ trách quân cấm vệ.

Nhà Tiền Lê suy yếu, năm 1009 Lê Ngọc Triều mất. Được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân và hậu thuẫn của quần thần, ông được suy tôn lên ngôi năm 1010, khai sinh Vương triều nhà Lý và cho dời Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (Hà Nội), đổi tên là thành Thăng Long. Ông còn thực thi cải cách mạnh mẽ công quyền, kinh tế, văn hóa…

2. Trần Quốc Tuấn  (Bính Tuất - 1226)

Trần Quốc Tuấn  quê Nam Định, là danh tướng đời Trần, là Anh hùng dân tộc, làm quan đến chức Tiết chế, thống lĩnh toàn bộ quân đội. Là thiên tài quân sự, ông từng lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại 3 cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông, đế quốc mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, bảo vệ vững chắc giang sơn Tổ quốc.

Ông để lại nhiều bài học về sự đức độ, cách xử thế, cách dùng người và những tác phẩm chính luận, quân sự nổi tiếng như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư…

3. Nguyễn Chích (Nhâm Tuất -1382)

Bồ câu chính là đội quân đưa tin thần tốc của Nguyễn Chích, một mưu sỹ đại tài dưới trướng Bình Định Vương Lê Lợi.
Nguyễn Chích quê ở xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa là Danh tướng, khai quốc công thần thời Hậu Lê. Xuất thân từ cảnh nghèo khổ nhưng vốn mạnh mẽ, linh hoạt, nồng nàn yêu nước, ông chiêu tập hàng ngàn người trong vùng, xây đồn đắp lũy làm căn cứ kháng chiến chống giặc Minh. Sau đó, đem quân phò giúp Lê Lợi cho đến khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng năm 1427.

Tận tụy phục vụ 3 đời vua Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông), ông xứng danh đại thần với chức Tổng quản, lừng lẫy với những chiến công đánh quân Minh phía Bắc, giặc Chiêm Thành phương Nam và dẹp yên nhiều cuộc phản loạn nội bộ.

4. Lê Tư Thành (Nhâm Tuất - 1442)

Lê Tư Thành  quê Thanh Hóa, là vị vua xuất sắc nhất thời Hậu Lê, niên hiệu Lê Thánh Tông. Ông là người cực kỳ thông minh, phong nhã, tài đức vẹn toàn, lên ngôi vua năm 18 tuổi.

Với những cải cách toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giai đoạn ông cầm quyền (1460-1497) được coi là thời hoàng kim nhất của chế độ phong kiến Việt Nam. Ông còn là nhà thơ lớn, lập ra và là chủ soái Hội (thơ) Tao Đàn danh tiếng và để lại nhiều tác phẩm có giá trị: Hồng Đức quốc âm thi tập, Văn minh cổ súy, Xuân vân thi tập…

5. Dương Trí Trạch (Bính Tuất - 1586)

Nhà thờ và mộ Dương Trí Trạch ở huyện Can Lộc - Hà Tĩnh.
Ông Dương Trí Trạch là  người làng Yên Huy, xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc (nay là xã Yên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) là Danh thần đời Lê Kính Tông.

Năm 1619 đỗ tiến sĩ, làm quan trải nhiều chức vụ, thăng đến Tham tụng (Tể tướng). Suốt hơn 40 năm đảm trách việc triều chính, ông luôn được kính nể bởi bản tính cương trực, trọng pháp, nghiêm khắc và công bằng.

6. Nguyễn Công Trứ (Mậu Tuất - 1778)

Nguyễn Công Trứ quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là Danh sĩ thời Nguyễn, quê Hà Tĩnh.

Ông đỗ giải nguyên năm 1819, làm quan trong các ngành giáo dục, tư pháp, nông nghiệp, quân sự, ngoại giao ở nhiều nơi.

Trải qua nhiều cương vị, bị thăng giáng nhiều lần: có lúc được cử làm Tổng đốc Hải An, có lúc lại bị đày đi lính ở Quảng Ngãi. Lập công lớn trong việc khai hoang lấn biển Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa, phản loạn. Tính khí khảng khái, quyết liệt, lại phong tình mà hài hước, cùng cuộc sống đa dạng của ông đã để lại những giai thoại thú vị.