Thời tiết ngày càng biến đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để cho bệnh đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại trên lúa. Tại xã Nghĩa Hội, vụ xuân 2018 toàn xã gieo trồng 286 ha, đến thời điểm này số diện tích bị nhiễm bệnh chiếm trên 60%.
Trạm Trồng trọt và BVTV huyện đã cử cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra, hướng dẫn người dân áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật: ngừng bón các loại phân, nhất là phân đạm, thuốc kích thích sinh trưởng lá và sử dụng một số thuốc hóa học nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra.
Còn tại xã Nghĩa Lộc có 370 ha thì trên 80ha bị nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn. Nhờ phát hiện diện tích nhiễm bệnh, bà con triển khai phòng trừ bệnh sớm nên những phần lá lúa trổ sau không bị nhiễm bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Hàn ở xóm Trại, Nghĩa Lộc, nhà ông trồng 3 sào lúa, ngay sau khi lúa bị nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn cán bộ kỹ thuật của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện đã hướng dẫn cách phun thuốc kịp thời nên diện tích lúa của gia đình không bị ảnh hưởng nhiều. Hiện người dân vẫn tiếp tục theo dõi để phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Theo kết quả thống kê của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Nghĩa Đàn, hiện toàn huyện có khoảng 500 ha lúa bị nhiễm bệnh, trên một số giống lúa lai như Thái Xuyên 111; Nhị ưu 838; Nghi hương… đang xuất hiện bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại nặng. Tỷ lệ bệnh hại trung bình từ 10 -15%, cao cục bộ từ 25 - 30%. Vì vậy, Trạm trồng trọt và BVTV huyện đã có công văn yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các HTX và bà con nông dân thực hiện một số biện pháp phòng trừ bệnh đốm sọc vi khuẩn.