Điều này được tiến sỹ dân tộc học Vi Văn An trình bày trong cuốn sách "Người Thái ở miền tây Nghệ An". Công trình 340 trang in trên khổ giấy 16x24 do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành và được đánh giá là khá đầy đủ về người Thái ở Nghệ An. Trong đó ông dành phần nói về sinh đẻ và nuôi dạy con cái của cộng đồng khoảng 324.000 người ở miền tây Nghệ An.
Người Thái ở Nghệ An quan niệm rằng, một đứa con có nên người hay không phụ thuộc rất lớn và việc dạy bảo của cha mẹ. Cha mẹ phải là người làm gương cho con cái. Dẫu vậy thì đứa con có nên người hay không còn phụ thuộc tâm hồn và “con tim” của đứa trẻ. Câu ngạn ngữ “cha mẹ dạy không bằng con tim tự nhận biết” nói lên điều này. Theo tiến sỹ An gọi “con tim” chính là sức sống nội lực của chính đứa trẻ.
Và một đứa trẻ có nên người hay không được thể hiện ở khả năng lao động, lòng hiếu thảo với mẹ cha, sự trung thực, thuận hòa với cộng đồng. Đó là mục đích hướng đến trong việc dạy con. Muốn đạt được mục đích này, một đứa trẻ phải được dạy 5 kỹ năng gọi là những điều nên “biết”.
Điều phải biết thứ nhất là “ở”. Người Thái có câu "ăn so đũa, ở so lòng". Vì thế biết "ở" không chỉ là chỉ là tự lo lấy được cuộc sống mà còn phải biết cư xử làm sao cho có trên dưới, trước sau. Một đứa trẻ "biết ở" sẽ được cộng đồng tôn trọng, anh em họ hàng đùm bọc, gắn bó. "Biết ở" còn là sự hiếu thảo, thương yêu cha mẹ, vợ con, biết kính trên nhường dưới, xưng hô đúng thứ bậc. Phải biết vị trí của mình mà ứng xử.
Biết “ăn” cũng là một kỹ năng quan trọng cho một đứa trẻ được dạy. Đây không là kỹ năng cầm đũa bát, xử lý với từng loại thức ăn như thế nào hay ăn làm sao cho đảm bảo dinh dưỡng mà là kỹ năng "ăn nên đọi nói nên lời". Các bậc cha mẹ thường răn dạy con phải biết cách ngồi ăn như thế nào cho phải phép. Ngoài ra một đứa trẻ còn phải biết nhường nhịn miếng ngon cho em, người già yếu và sau này là vợ, hoặc chồng con mình. Hơn hết thảy là sau này là biết lo cái ăn cho gia đình.
Đi đứng cũng là một điều mà các bậc cha mẹ người Thái dạy con cái. Một người đứng đắn là phải biết đi lại nhẹ nhàng, Ngoài ra phải biết nhường cho người già lên cầu thang, ngồi vào mâm cơm trước. Khi cần cũng phải biết đi trước để gánh vác những việc mà gia đình, cộng đồng khi cần đến mình.
Nói phải lựa lời, nói năng nhường nhịn cũng là một kỹ năng cần thiết cho một đứa trẻ. Ăn nói phải nhẹ nhàng, lễ độ, không nói tục, nói lời làm mất lòng người khách. Người Thái có câu tục ngữ “nói như người mà cũng không nói như người” để răn dạy trẻ nhỏ.
Biết “làm” có lẽ là điều quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ người Thái răn dạy con cái. Làm đơn giản là làm lụng, lao động để nuôi sống bản thân, gia đình, góp phần dựng xây làng bản. Một người biết yêu lao động sẽ tránh được các tật xấu khác như lười nhác, nhất là trộm cắp, một tính xấu mà người Thái rất xem thường.
Tiến sỹ Vi Văn An là người Thái quê gốc huyện Con Cuông (Nghệ An), hiện công tác tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ông được biết đến là một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về dân tộc học hiện nay./.