1. Xem xét tổng thể xe

25980972_912019.png
Đưa xe định mua ra chỗ thoáng, rộng và ánh sáng đầy đủ để dễ quan sát. Sau đó lần lượt nhìn tổng thể xem hình dáng xe có như nguyên bản hay không?

Kiểm tra cánh cửa: Đây là phần hay sử dụng nhất của xe nên cần kiểm tra kỹ; hãy đóng vào mở ra nhiều lần xem cánh cửa có khó đóng hay không? Khi đóng có vào sát không? Có bị hở hay vênh không? Nếu xe đã bị va chạm và làm lại cánh cửa sẽ không khít như nguyên bản... Dùng lực vừa phải đẩy cửa xe vào, nếu đóng vào ngay là nguyên bản, nếu phải đóng mạnh mới vào nên xem lại xe cẩn thận.

Kiểm tra đường keo chỉ hàn cánh cửa, nếu keo chỉ còn nguyên, không đứt khúc, độ dày đều, bấm móng tay vào thấy mềm nhẹ và đàn hồi như cũ là cửa xe nguyên bản, chưa phải gò hàn lại.

2. Kiểm tra nội thất

Tiếp đến là kiểm tra phần nội thất của chiếc xe; xem kỹ phần bảng taplo, xem kỹ các dấu hiệu cạy mở, taplo nguyên bản là có màu sắc đồng đều, không được sần sùi, nứt vỡ.

Xoa nhẹ vô lăng xem có mòn nhiều không, thông thường xe mới và ít sử dụng thì khi xoa nhẹ vô lăng có cảm giác gợn tay như có một lớp gai. Cảm nhận gai mòn nhiều hay ít mà đánh giá chủ cũ đã sử dụng xe như thế nào.

Kiểm tra cần số cũng tương tự như vậy, quan sát độ mòn của phần tay nắm cần số, với xe ôtô số sàn thì đẩy vào các số xem độ dơ của cửa số để phán đoán về tình trạng xe đã sử dụng nhiều hay ít.

3. Kiểm tra phần khung gầm

Phần khung gầm là phần quan trọng nên cần kiểm tra kỹ lưỡng, đặc biệt là cầu của xe - đây là phần chỉ có thể thay thế chứ ít khi sửa chữa được. Phần này rất quan trọng ảnh hưởng tới khả năng vận hành của xe ô tô cũ khi mua về.
Cúi xuống hoặc cho xe lên cầu xe để xem xét cẩn thận phần sắt si có dấu hiệu uốn nắn lại và sơn lại không? Nếu có dấu hiệu uốn nắn lại thì không nên mua vì xe đã bị tai nạn nghiêm trọng, khả năng vận hành của xe bị ảnh hưởng rất nhiều.

4. Kiểm tra phần máy  

Kiểm tra lốc máy: Mở nắp capo lên và xem mặt dưới lốc máy có bị rò rỉ nhớt không? Nếu rò rỉ  khả năng máy bị mòn gioăng, gây hở. Tháo que thăm nhớt ra xem nhớt có hao hụt không? Xem hệ thống dây điện có nguyên bản không, có đấu nối nhiều không… nếu có bất cứ dấu hiệu nào thì cần xem xét cẩn thận, tránh mua xe đã sửa chữa nhiều.

Kiểm tra kỹ phần chân đế máy, thông thường có 4 chân máy bằng cao su và có bu lông bắt vào khung gầm. Nếu chân máy bị gãy sẽ gây hiện tượng giật khi đề pa, chi phí thay thế rất đắt. Xem xét 4 ốc bu lông có dấu hiệu đã bị tháo ra chưa, nếu có dấu hiệu tháo ra thì máy đã bị làm lại hoặc phải thay thế chân máy.

Xem xét cẩn thận dấu hiệu của các ốc chính như, ốc nắp capo, ốc của phần lốc máy...; xem cách cạnh của con ốc có dấu hiệu đã bị tháo ra chưa. Nếu đã tháo ra xe chắc chắn đã phải làm lại vì lý do nào đấy, cần cân nhắc cẩn thận trước khi mua.

5. Lái thử và cảm nhận

Khi đi mua xe cũ nhất thiết phải đi thử. Trước tiên đề nổ xem máy có rung giật khi đề nổ không, nếu rung giật thì chắc chắn cao su chân đế máy có vấn đề...

Kiểm tra các thiết bị trong xe như đèn, còi, xi nhan xem có hoạt động bình thường không? Kiểm tra máy lạnh xem có lạnh sâu không? Nếu không lạnh hoặc lạnh ít khả năng dàn lạnh có vấn đề, hoặc bị tắc hay rò rỉ...

Sau đó nên lái thử, quãng đường lái thử càng xa càng tốt để cảm nhận được chiếc xe. Tránh lái thử ở những cung đường bằng phẳng mà càng gồ ghề càng cảm nhận được hệ thống khung gầm, giảm sóc của xe có hoạt động tốt không.