(Baonghean) - Bản Cà Moong trước đây thuộc xã Kim Đa, từ khi có Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, người dân Cà Moong tái định cư tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Qua 4 năm nơi đất mới, bản Cà Moong vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng xấu đến đời sống của 140 hộ dân Khơ Mú nơi đây...
Con thuyền gỗ của ông Moong Văn Thắng, xuất phát từ bến đò thượng lưu hồ Thủy điện Bản Vẽ, chở chúng tôi đến với bản Cà Moong, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương vào một buổi sáng cuối tháng 7. Trên chuyến thuyền còn có 6 phụ nữ là người dân xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương vào quê cũ hái bo bo.
Trước khi đến Cà Moong, chúng tôi được một số người dân bản Cà Moong làm nghề lái thuyền “bật mí”: “Nhà báo vào đó mà coi, đất đá sạt lở, vùi lấp nhiều nhà dân rồi”. Sau 50 phút con thuyền máy ngược lòng hồ, chúng tôi đặt chân xuống bến Cà Moong. Phải thuê một con “ngựa sắt”, vượt chừng 3 km đường dốc dựng đứng, lổn nhổn đất đá, bên này là vách núi, bên kia vực sâu thăm thẳm. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp những chiếc xe máy nằm trơ khung hai bên lề đường. Theo người dân cho biết, đó là những chiếc xe máy của người dân Cà Moong, vứt đã lâu ngày. Vào đến bản khoảng 10 giờ sáng, lúc này bản Cà Moong đã vắng người, bởi bà con bận đi làm cỏ lúa rẫy, hoặc vào rừng hái quả bo bo. Anh Moong Văn Vinh (phó bản), vừa đi đánh bắt cá ở lòng hồ về, vồn vã mời chúng tôi lên nhà uống nước, rồi bộc bạch những điều dân bản đang bức xúc, bấy lâu nay chưa được giải quyết. Đó là tình trạng “4 không”: không điện, không đường, không nước sinh hoạt, không đất sản xuất và đặc biệt “nóng” nhất là nhiều nhà dân bị đất đá trôi vào nhà, không ở được!
Nói rồi, anh Vinh dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản. Thời điểm này nhà nào cũng có khói lên, bởi sử dụng lò củi để sấy bo bo. Vấn đề trước tiên mà phó bản đề cập với phóng viên là công trình nước tự chảy. Mặc dù năm 2011, bản đã được Dự án Thủy điện Bản Vẽ đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt cho bà con, gồm có 15 bể nước. Chỉ sau 1 tháng sử dụng, phần lớn các bể chứa không có nước. Nguyên nhân, do đường ống dẫn nước hư hỏng. Đã có lần có cán bộ kỹ thuật về kiểm tra, nhưng chỉ xử lý đầu nguồn. Từ lâu nay, còn 2 bể đầu nguồn có nước, số 13 bể còn lại không có một giọt nước nào. Quan sát, thấy những bể nước ở đây bùn đất phủ đầy nền, thậm chí có những bể trâu, bò, lợn vào phóng uế, gây mất vệ sinh. Không có nước sinh hoạt, bà con Cà Moong hàng ngày phải sử dụng can nhựa vào khe lấy nước, gùi về sinh hoạt.
Đi trên những con đường nội bản, anh Vinh bức xúc, nói không có đường cũng đúng, vì tái định cư mà đường nội bản như thế này là không chấp nhận được. Đáng lẽ, phải làm đường bê tông cho bà con hưởng, đằng này họ chỉ làm một đoạn khoảng 200 m, nối từ bến Cà Moong vào bản, phần còn lại là đường đất, đá, vào mùa mưa, người dân chỉ còn cách đi bộ. Nhiều gia đình gom góp tiền, mua sắm được chiếc xe máy, đường đi quá khó khăn, chẳng mấy chốc xe hỏng. Giao thông cách trở, hàng ngày bà con muốn đi chợ, hay ra Thị trấn Hòa Bình đều phải đi thuyền trên lòng hồ Bản Vẽ, vừa lâu, vừa tốn tiền. Anh Vinh nói: “Ngay như cán bộ xóm như chúng tôi, mỗi lần về xã họp, phải có ít nhất 400 nghìn đồng mới dám đi. Trong đó, tiền đi xe ôm từ bản ra bến Cà Moong mất 50.000 đồng, tiền ngồi thuyền từ bến bản đến bến xã 30.000 đồng, thuê xe ôm từ bến vào trung tâm xã 70.000 đồng. Nhân đôi lên cho cả 2 chiều là 300.000 đồng, chưa kể tiền ăn uống.
Đặt chân lên bãi đá lổn nhổn gần cuối bản, nhìn về phía đỉnh đồi, nơi đơn vị thi công đang mở con đường nối từ bản Côi đến bản Cà Moong, anh Vinh cho biết: Đó chính là con đường liên xã, sau khi hoàn thành, người dân Cà Moong muốn về xã không cần thuyền nữa. Thế nhưng, từ khi thi công con đường này (đã 2 năm nay), đất đá từ công trình, theo dòng nước lũ, trôi từ trên cao xuống bản, vùi lấp nhiều nhà cửa, khiến một số gia đình phải xếp nhà, vào dựng lán tại nương rẫy cũ. Quan sát, chúng tôi thấy, trên bãi đất, đá rộng chừng 500 m2 này, còn sót lại những chiếc cầu thang bằng gỗ của bà con để lại, giống như dấu tích của cơn lũ ống, lũ quét vừa đi qua. Anh Vinh nói thêm: Khu đất này trước đây có 5 gia đình sinh sống, gồm Moong Văn Tiến, Moong Văn Oanh, Moong Duy Nghĩa, Ốc Tình Nghiệp, Cụt May Kỳ và Cụt Văn Đồng. Qua mấy mùa mưa lụt, đất đá trôi xuống, đầy cả gầm nhà, chuồng trại chăn nuôi lợn, gà bị vùi lấp hoàn toàn. Quá bức xúc, đã nhiều lần, dân bản có ý kiến lên xã, huyện, nhưng chưa có cấp nào quan tâm giải quyết, khắc phục. Nếu tình trạng này còn kéo dài, sợ rằng vào mùa mưa lũ tới, nhiều gia đình nữa sẽ bị đất đá tràn vào nhà. Ông Cụt Văn Liên, nhà ở sát khu vực đất đá trôi xuống, lo lắng: Mỗi khi có mưa to, dòng nước từ trên đỉnh núi kéo theo đất đá trôi xuống ầm ầm. Những lúc như thế, cả nhà lo sợ, không thể ngủ được. Bây giờ, nhà ông Liên nhặt từng hòn đá, xếp thành cái bờ chắn ngang, phòng có mưa to.
Về nơi ở mới đã 4 năm, nhưng đến nay người dân Cà Moong vẫn chưa có đất sản xuất. Không còn cách nào khác, họ phải đến khu vực nương rẫy ở bản cũ, cách bản mới hơn 4 km để trồng lúa, ngô. Đất đai xung quanh bản nhiều lắm, nhưng đang thuộc rừng phòng hộ quản lý, dân bản muốn có nương rẫy gần nhà cho tiện sản xuất, nhưng vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Nương rẫy ở bản cũ cách sông, cách đò, nên bà con phải sử dụng thuyền nhỏ bơi ngược hồ Thủy điện Bản Vẽ để đi làm, những lúc mưa to, gió lớn, nguy hiểm đến tính mạng. Thiếu đất sản xuất, cuộc sống người dân càng thêm khó khăn, trong bản hiện có 131/140 hộ nghèo.
Ngay cả điện lưới quốc gia, người dân Cà Moong cũng chưa được hưởng lợi. Những hộ dân có điều kiện, lắp đặt máy phát điện mini, cung cấp điện thắp sáng, xem màn hình nhỏ. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, nước khe cuốn trôi máy phát điện, hàng năm thường phải mua sắm lại. Số đông gia đình kinh tế khó khăn, đêm về chịu cảnh tối tăm, người dân ít được tiếp cận với các nguồn thông tin, vì thế, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước không đến được với người dân.
Anh Nguyễn Văn Thắng - Phó Trưởng phòng Công thương huyện Tương Dương, cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã đi khảo sát hiện trường đất đá trôi xuống bản Cà Moong. Việc người dân đề cập là đúng. Chúng tôi xác định, đất đá trôi xuống dân bản là do lượng đất đá thanh thải của công trình làm đường giao thông nối từ bản Côi đến bản Cà Moong. Thực tế cho thấy, dân bản Cà Moong rất khó ổn định cuộc sống nơi ở hiện tại, vì còn quá nhiều bất cập. Sau khi khảo sát, chúng tôi đã báo cáo UBND huyện để có hướng xử lý...”.
Những bức xúc của người dân Cà Moong không phải bây giờ chính quyền địa phương mới biết. Đã nhiều năm, người dân kiến nghị, đề xuất đến cấp trên. Thế nhưng, không hiểu vì sao cho đến nay vẫn chưa có cấp, ngành nào quan tâm, giải quyết. Khi Dự án Thủy điện Bản Vẽ thiếu quan tâm với người dân tái định cư Cà Moong thì chính quyền địa phương cần sớm có phương án phù hợp, giúp người dân ổn định cuộc sống!
X.Hoàng - H.Phương