(Baonghean) - Lên Kỳ Sơn lần này, chúng tôi gặp lại nghệ nhân Moong Văn Quang- người được xem là đang nắm giữ bí quyết sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc Khơ mú. Với tuổi 53, người đàn ông này đã trải qua không ít những thăng trầm trong cuộc đời, nhưng dù ở hoàn cảnh nào cũng không rời bỏ cây khèn, cây pí!
 
images1026222_3mn.jpgNghệ nhân Moong Văn Quang và Moong Thị Lợi biểu diễn.
 
“Tôi sinh ra và lớn lên ở bản Cha Ca, xã Bảo Thắng - một vùng quê heo hút chân mây, cuộc sống đói nghèo, Mọi người tuy vậy vẫn luôn lạc quan, tiếng nhạc và điệu tơm luôn vang khắp bản làng” - nghệ nhân Moong Văn Quang mở đầu câu chuyện. Người đàn ông Khơ mú này sinh năm 1961, theo lời ông thì từ rất nhỏ đã gắn bó với các loại nhạc cụ của dân tộc mình như pí tơm, tót tông, khèn bè, đao đao, khèn lá, khèn môi. Bởi lúc đó, mặc dù đời sống kinh tế- xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình vẫn thiếu cái ăn, cái mặc nhưng ai cũng yêu ca hát. Vào ngày tết, ngày hội, dịp mừng nhà mới, mừng cơm mới, tiếng cồng, chiêng và tiếng khèn, pí đồng loạt vang lên. Hầu như tất cả các thành viên của cộng đồng làng bản đều có tố chất nghệ sỹ. Đàn ông thổi khèn bè, pí tơm, tót tông hay gõ đao đao; phụ nữ đánh cồng chiêng, múa điệu lăm tơi hoặc cất lên làn điệu tơm tha thiết, nhịp nhàng. Hồi còn là một cậu bé, Moong Văn Quang đã mê mẩn tiếng khèn, tiếng pí, hễ trong bản có cuộc vui là cậu lập tức có mặt để lân la học cách sử dụng các loại nhạc cụ. Trong số những thanh niên thổi khèn, pí thuộc hàng hay nhất bản Cha Ca có Moong Văn Dung - anh trai của Moong Văn Quang. Nhờ thế, Quang học được khá nhiều từ người anh của mình, từ cách chỉnh âm đến cách đưa nhịp của từng loại nhạc cụ. Chẳng bao lâu sau, tài nghệ của Moong Văn Quang đã vượt xa người anh trai và đứng đầu bản về khả năng sử dụng nhạc cụ dân tộc Khơ mú. Đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ rõ kỷ niệm ngày xưa, khi ông và anh trai thi nhau thổi pí tơm. Ngày đó, chưa có đồng hồ để tính thời gian nên anh em Dung- Quang phải phân định thắng thua bằng cách chờ hông xôi trên bếp được hông chín. Nghĩa là thời gian bắt đầu cuộc thi được tính từ khi vò nếp, trải qua quá trình nhóm lửa, bắc hông lên bếp, thường xuyên đun lửa chờ lúc xôi được hông chín. Đến lúc từ hông xôi tỏa ra mùi thơm nức, rồi được hạ hông xuống đất, rải xôi ra và quạt cho xôi nguội, cuộc thi sẽ kết thúc khi xôi được đưa vào ép. Moong Văn Dung thổi được đến lúc đưa hông xôi ra khỏi bếp. Còn Moong Văn Quang đến lúc xôi được đưa vào ép vẫn còn đủ sức để tiếp tục thổi. Cũng từ đó, người dân bản Cha Ca càng thêm nể phục Quang và thường gọi là “vua pí tơm”. 
 
Các loại khèn, pí đã theo bước chân Moong Văn Quang đến trường, theo chiếc gùi lên rẫy. Những đêm thanh vắng, bản Cha Ca lại được nghe những giai điệu mượt mà, tha thiết vang lên ở phía cuối bản, nơi anh em Quang thi nhau thổi pí. Tiếng pí rộn ràng, náo nức, như thúc giục, như gọi mời ấy đã khiến không ít cô gái phải “say”, muốn bước xuống cầu thang và chạy đến cuối bản để cất lên điệu tơm, hòa cùng điệu pí. Trong các đám cưới, con gái Cha Ca và các bản khác thường vây quanh Moong Văn Quang, muốn được chàng trai này đệm pí cho mình hát tơm. Cô gái nào được Quang đồng ý đệm pí đều rất vui và lấy làm niềm hãnh diện. Lớn thêm, Quang được làm cán bộ Đoàn, rồi ra Mường Xén học tiếp, sau đó làm cán bộ Huyện ủy. Dù làm việc gì, người đàn ông Khơ mú này vẫn không dứt được tiếng khèn, tiếng pí - loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mình. 
 
Như một cơ duyên, Moong Văn Quang được điều chuyển công tác từ Huyện ủy sang Trung tâm Văn hóa huyện Kỳ Sơn, làm cán bộ thông tin tuyên truyền. Công việc này đã tạo điều kiện cho ông được tiếp xúc và sử dụng nhiều loại nhạc cụ, trong đó có nhạc cụ của dân tộc Khơ mú. Mỗi lần đi cơ sở, vào các bản làng Khơ mú, ông được bà con đón tiếp nhiệt tình và yêu cầu biểu diễn liên tục. Ông kể lại: “Có những nơi, thấy Moong Quang đến, mọi người liền reo hò, nhảy múa. Sau đó, nhiều người gặp riêng để nhờ dạy cách sử dụng khèn, pí. Tôi đều hướng dẫn họ nhiệt tình”. Nhưng có một điều khiến nghệ nhân Moong Văn Quang không khỏi lo lắng, đó là không mấy ai có đủ kiên trì để theo đuổi đến cùng, ngay cả con trai của ông. Vì thế, ông rất mong các cấp, các ngành liên quan tổ chức các lớp truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ để mai đây không bị thất truyền. Ông Quang chia sẻ: “Cái lo nhất hiện nay, là lớp trẻ không muốn học cách sử dụng nhạc cụ của dân tộc mình, nguy cơ bị mai một, thất truyền thật khó tránh khỏi. Theo tôi, ngoài việc tổ chức các lớp truyền dạy, phải bổ sung vào tiêu chí công nhận danh hiệu Làng Văn hóa. Chẳng hạn, đối với làng văn hóa của dân tộc Khơ mú, phải quy định tiêu chí về số lượng người biết sử dụng nhạc cụ truyền thống và số lượng người biết hát tơm...”.
 
Ở bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) có nghệ nhân Moong Thị Lợi được xem là “cặp đôi hoàn hảo” với nghệ nhân Moong Văn Quang. Bởi lẽ, trong thời điểm hiện tại, bà Lợi được đánh giá là người hát tơm hay nhất Kỳ Sơn. Vì thế, trong các kỳ liên hoa văn hóa - văn nghệ cấp tỉnh, Đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Kỳ Sơn thường có tiết mục hát tơm do nghệ nhân Moong Thị Lợi biểu diễn và Moong Văn Quang đệm pí tơm. Tiết mục của họ thực sự đã chinh phục được khán giả xa gần bằng sự mộc mạc, giản dị nhưng thấm đẫm bản sắc. Năm nay, đã qua tuổi 70, bà Lợi vẫn thường hát tơm. Có lẽ, với bà điệu tơm đã thấm vào máu thịt. Từ khi mới cất tiếng khóc chào đời, bà đã được nghe điệu tơm qua lời ru của mẹ và bà nội. Giờ đây, hàng ngày bà Lợi vẫn ru cháu bằng làn điệu tơm. Theo lời nghệ nhân Moong Thị Lợi, hồi còn trẻ bà hát tơm rất hay. Mỗi lần trong bản có việc vui, bà thường có mặt và góp vui bằng những bài hát tơm thiết tha, quyến rũ. Mê giọng hát của cô gái bản, các chàng trai thường thi nhau thổi pí, khèn lá đệm cho Moong Thị Lợi tơm. Cuộc vui như kéo dài hơn, người đến đông hơn. 
 
Như bao nghệ nhân khác, bà Lợi cũng đang lo lắng mai đây sẽ không còn ai thích hát tơm, điệu tơm sẽ vắng dần trong các bản làng Khơ mú. Các phương tiện như đài cát-sét, ti vi, rồi điện thoại di động tìm đến tận bản và mang theo đủ loại bài hát. Lớp trẻ thường chuộng cái mới, chạy theo những bài hát nỉ non, thét gào, nhiều người đã quên dần điệu tơm dịu dàng, sâu lắng. Nhiều lúc, tại đám cưới hay hội mừng nhà mới, tiếng sáo, pí và giọng tơm của bà Lợi gần như trở nên lạc lõng giữa tiếng nhạc xập xình phát ra từ những chiếc đài cát- sét hay bộ loa cỡ lớn. Theo bà, nếu không giữ được điệu tơm, người Khơ mú sẽ mất đi một phần cuộc sống tâm hồn, bởi điệu tơm là “điệu hồn”, là một phần máu thịt. Vì thế, bà đang ra sức truyền dạy cho các con, các cháu của mình. Nhưng tong số con cháu của bà cũng có người thích, người không. Đến nay, chỉ con gái đầu là Cụt Thị Nhung hy vọng có thể kế thừa được giọng hát của mẹ, và thay bà truyền dạy điệu tơm cho các cháu. Cách đây 5 năm, ngành Văn hóa huyện Kỳ Sơn tổ chức lớp truyền dạy hát tơm, nghệ nhân Moong Thị Lợi được mời tham gia. Bà Lợi rất vui và truyền dạy hết sức nhiệt tình, dồn hết sự đam mê và tâm huyết của mình cho các học viên. Nhưng lớp truyền dạy chỉ tổ chức 15 ngày, thời gian chưa điệu tơm, chưa thể hát được nhuần nhuyễn. Bà mong ngày Văn hóa sẽ mở thêm nhiều lớp khác với thời gian dài hơn...
 
Chia tay hai nghệ nhân Moong Văn Quang và Moong Thị Lợi, chúng tôi cảm nhận được nỗi lo âu bản sắc âm nhạc dân tộc mình đang đứng trước nguy cơ mai một. Liệu tiếng pí, điệu tơm có ở mãi với bản làng Khơ mú?!
 
 
Công Kiên