(Baonghean) - Hơn 10 hộ dân tại bản Lau, bản Nhẵn, bản Cây Me và bản Mác của xã Thạch Giám, huyện Tương Dương từ 2 năm nay sống trong tình trạng lo âu, bởi đất vườn bị sạt lở xuống dòng sông Lam một cách nghiêm trọng. Những ngôi nhà sàn hàng chục năm của bà con bỗng nhiên có nguy cơ bị sông “nuốt” mỗi khi mùa mưa lũ về...
 
images1026220_2mna.jpgĐất vườn của gia đình ông Vi Văn Đào bị sạt lở nghiêm trọng.
 
Trước đây, mỗi khi đi trên Quốc lộ 7, đoạn qua xã Thạch Giám, huyện Tương Dương nhìn sang bên kia bờ sông Lam, thấy những bụi tre lâu năm do bà con trồng, để chống sạt lở bờ sông. Thế nhưng, từ vài năm nay, những bụi tre đó giảm rõ rệt. Tìm hiểu mới biết, từ ngày lòng hồ Thủy điện Khe Bố tích nước, mực nước lên xuống thường xuyên, tàu thuyền đi lại, khiến đất sản xuất bị sạt lở, nhiều bụi tre vì thế rơi vào miệng hà bá.
 
Đến bản Nhẵn, chúng tôi được Trưởng bản Lô Văn Thịnh, bức xúc cho biết: Cả bản hiện có 38 hộ, trong đó 5 hộ sống cạnh mép sông Lam. Từ 2 năm nay, khi mùa mưa lũ về, đất vườn thường xuyên bị lở nghiêm trọng. Đó là những hộ: Vi Văn Đào, Vi Văn Chắn, Vi Văn Vị, Vi Văn Đức và nhà tôi. Riêng nhà ông Thịnh, đất vườn đã bị lở sâu vào 7 m, chiều dài gần 100 m, cuốn theo nhiều cây cối, hoa màu. Hiện tại, từ mép sông vào đến mép cầu thang nhà ông Thịnh, còn khoảng 15 m. Ông Thịnh cho hay: “Mỗi khi có mưa to, ngồi từ sàn nhà nhìn ra, thấy đất lở ầm ầm. Những lúc như thế, tôi bảo mọi người trong nhà sẵn sàng di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn, vì sợ đất lở vào tận nền nhà. Nếu cứ đà sạt lở như các năm trước thì mùa mưa lũ năm nay, căn nhà của tôi sẽ không còn nữa?!”. 
 
Đến nhà ông Vi Văn Đào, thấy một bụi tre già đang nằm ngập cả gốc lẫn ngọn dưới dòng nước sông. Vợ ông Đào, bà Lương Thị Phương, nói: Đất vườn của gia đình đã bị sạt lở lấn sâu vào 10 m, có chỗ 15 m. Một số bụi tre gia đình trồng từ nhiều năm trước, chống sạt lở đất, nay cũng bị lật xuống dòng sông. Nhìn vách đất cao tầm 2 m, dựng đứng, từ mực nước sông Lam lên mặt đất vườn, rất dễ sạt lở, khi có mưa to, lại thêm tác động từ mực nước dâng lên của lòng hồ. Vì sợ sạt lở đất bất cứ lúc nào, vợ chồng ông Đào chủ động di chuyển chuồng trại chăn nuôi vào nơi an toàn. 
 
Theo ông Thịnh, vì nhiều diện tích đất vườn nằm trong phạm vi lòng hồ Nhà máy Thủy điện Khe Bố, nên các cấp, ngành đã đến đo đạc đất vườn, kiểm đếm cây cối trong vườn nhà để có phương án di dời những hộ dân này khi cần thiết. Các hộ đã nhận tiền đền bù cây cối, còn đất vườn đến nay vẫn chưa được nhận tiền đền bù. Trước thực trạng đất vườn bị sạt lở như thế này, các cấp, ngành vẫn chưa có phương án nào khả thi cho người dân. Do vậy, mong muốn của người dân là Ban Quản lý dự án Thủy điện Khe Bố và chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp đối với những hộ dân này, tránh thiệt hại do thiên tai gây ra. Những lúc mưa to kéo dài, xã thường cử lực lượng đến túc trực, hỗ trợ vận chuyển tài sản cho dân, khi cần thiết.
 
Ông Vi Xuân Quyền - Chủ tịch UBND xã Thạch Giám, lo lắng: Phần đất sạt lở của hơn 10 hộ dân của bản Nhẵn, bản Lau, bản Mắc và bản Cây Me đều nằm trong phạm vi quy hoạch lòng hồ Thủy điện Khe Bố. Tuy nhiên, sự sạt lở đất đang uy hiếp đến nhà ở của bà con. Mùa mưa lũ năm trước, xã đã huy động lực lượng di chuyển tài sản, nhà cửa cho hộ ông Vi Văn Quy và ông La Văn Bảo ở bản Nhẵn đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại bản Cây Me hiện còn có hộ ông Vi Văn Tuấn đang sinh sống trong phần đất có nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời ngay. Hiện tại, phần nền nhà của dân chưa bị sạt lở, nhưng về lâu dài thì đây chính là ẩn họa cao, cần phải có phương án di dời sớm. Trước thực trạng trên, xã đã đề nghị lên các cấp, ngành, hỗ trợ cho người dân di dời đến nơi ở an toàn. Mặc dù vậy, vẫn chưa được xử lý!
 
Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó Ban PCLB huyện Tương Dương, cho biết thêm: Tình trạng sạt lở đất tại các bản nói trên của xã Thạch Giám, dài hơn 100 km. Nguyên nhân là do lòng hồ Nhà máy Thủy điện Khe Bố tích nước, khiến mực nước lên xuống và tàu thuyền đi lại nhiều, gây sóng. Trong khi đó, nền đất pha cát rất dễ sạt lở. Ngoài các hộ dân bị ảnh hưởng, khu vực nghĩa địa của địa phương cũng bị sạt lở nhiều. Để chống sạt lở đất ở vùng dân cư này, về lâu dài, cần tăng cường trồng tre, kè đá. Đối với những hộ có nguy cơ ảnh hưởng đến nhà ở, cần di dời đến nơi ở mới. Trên địa bàn huyện Tương Dương, hiện vẫn còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở đất cao, ảnh hưởng đến nhà dân: Khu vực khối Hòa Đông, phía sau khách sạn Hòa Bình, nhà nghỉ Quang Trung (Thị trấn Hòa Bình), khu TĐC Khe Ò, khe Chóng (xã Yên Na) và các khu TĐC thuộc Thủy điện Khe Bố. Ngoài ra, trên các tuyến đường giao thông chính trên địa bàn huyện đều có nguy cơ sạt lở cao...
 
X.Hoàng - H.Phương