(Baonghean)- Để giải quyết các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài (đương sự ở nước ngoài), hoạt động ủy thác tư pháp ra nước ngoài là vấn đề có tính chất quyết định trong việc đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện ủy thác còn nhiều khó khăn, vướng mắc....
Những câu chuyện buồn
Chị Đ.T.H, sinh năm 1992 ở xã V, huyện Y.T và chồng là anh N.K.T kết hôn và đã có 1 con trai chung. Năm 2012, anh T đi lao động tự do ở nước ngoài (Cộng hòa liên bang Đức).
Chồng đi được một thời gian, chị H thấy anh T có nhiều biểu hiện khác thường, không còn gọi điện liên lạc thường xuyên, không còn quan tâm đến vợ con. Trong khi đó, ở nhà giữa chị H và mẹ chồng thường xuyên phát sinh mâu thuẫn. Mẹ chồng thường xuyên mắng mỏ, chia cắt vợ chồng chị H.
Từ tháng 1/2014 đến nay, chị H không còn liên lạc được với chồng, con trai cũng bị gia đình chồng chia cắt, không cho gặp. Đỉnh điểm, trên facebook cá nhân, chồng chị còn khoe ảnh hạnh phúc bên vợ mới và con ở nước ngoài. Cực chẳng đã, chị H đành viết đơn xin ly hôn.
Thế nhưng, việc ly hôn của chị không mấy thuận lợi vì thời gian đầu theo thư gửi về chồng chị ghi địa chỉ là thành phố Berlin, nhưng hiện nay bản thân chị cũng không biết chồng mình đang sinh sống cụ thể ở nơi nào tại Đức.
Còn chị N.T.K.H ở phường B.T kết hôn với anh N.Đ.C ở phường Đ.V (thành phố Vinh) vào năm 2010. Sau khi kết hôn, anh C đi lao động ở Cộng hòa Séc. Thời gian đầu anh còn đều đặn liên lạc với vợ, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây hầu như không còn liên lạc.
Chị K.H muốn tiến hành thủ tục ly hôn để tìm cuộc sống mới, nhưng khi gửi đơn lên tòa án không được thụ lý vì không có địa chỉ cụ thể của chồng chị tại Séc. Chị K.H rơi vào tình cảnh “sống dở chết dở”, có chồng cũng như không nhưng cũng chẳng thể tìm kiếm hạnh phúc mới bởi trên giấy tờ chị và anh C vẫn là vợ chồng hợp pháp.
Nhiều vướng mắc
Theo luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng Văn phòng luật sư Trọng Hải và cộng sự: hiện nay việc thụ lý, giải quyết các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài (đương sự đang ở nước ngoài) gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thứ 1, về xác định thẩm quyền của tòa án: Theo quy định của Luật Quốc tịch thì "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài". Tuy nhiên, thời gian để xác định "lâu dài" không được quy định cụ thể trong một văn bản nào. Trường hợp người Việt Nam đi công tác, học tập hoặc du lịch nhưng khi hết thời hạn họ ở lại nước sở tại thì có được xem là người Việt Nam định cư nước ngoài hay không? Vấn đề này ảnh hưởng đến việc xác định thẩm quyền giải quyết của toà án.
Thứ 2, về thời hạn giải quyết, theo quy định tại Điều 179 Bộ luật TTDS, thời gian giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý đến khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử đối với các vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 25 và 26 của Bộ luật TTDS là 4 tháng (nếu phức tạp thì 6 tháng)...
Tuy nhiên, thực tế khi giải quyết các vụ án có đương sự ở nước ngoài toà án không thể đảm bảo đúng thời hạn này. Bởi toà án không thể tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài mà phải thông qua đường bưu điện hoặc thông qua ủy thác tư pháp. Trong đó, nếu tống đạt qua đường bưu điện thì thời gian để một văn bản tố tụng cụ thể đến tay người nhận và phản hồi cho toà án nhanh nhất cũng mất 2 tháng, chưa kể đến việc đương sự ở nước ngoài phải sắp xếp thời gian để về Việt Nam...
Đối với việc ủy thác tư pháp, nhiều trường hợp thời gian từ khi toà án gửi hồ sơ yêu cầu ủy thác tư pháp cho Bộ Tư pháp đến khi cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài nhận được hồ sơ khá dài, chưa nói đến việc tống đạt phải thực hiện theo quy định của pháp luật của nước có đương sự đang cư trú. Như trường hợp chị T.T.T và anh Kim Yuang Ky (người Hàn Quốc), đã qua hai lần ủy thác (lần 1 vào ngày 19/12/2014, lần 2 vào ngày 7/8/2015) nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.
Khó khăn thứ 3 thường rơi vào các trường hợp mập mờ về địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài. Không ít trường hợp công dân Việt Nam, thậm chí kể cả các pháp nhân Việt Nam không chịu tìm hiểu kỹ điều kiện, địa chỉ cụ thể của người nước ngoài; của pháp nhân nước ngoài; không yêu cầu người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài cung cấp địa chỉ tại nơi mà họ đang sinh sống, trụ sở pháp nhân đang hoạt động... dẫn đến tình trạng quyền và lợi ích bị xâm phạm.
Khi khởi kiện đến toà án thì không xác định được địa chỉ hoặc không có địa chỉ người nước ngoài, khiến toà án rất khó khăn trong xác định địa chỉ. Nhiều trường hợp, bị đơn trong vụ án là người đang ở nước ngoài khi biết mình bị khởi kiện tại toà án luôn tìm cách né tránh, thay đổi địa chỉ nên toà án không thể triệu tập họ tham gia tố tụng và không có chế tài xử lý.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chánh tòa dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh, trên thực tế những trường hợp không thể thụ lý giải quyết do thiếu thông tin địa chỉ chính xác của đương sự xảy ra khá nhiều, trong đó những trường hợp đương sự là người Việt Nam ở nước ngoài thường rơi vào diện lao động chui, lao động tự do, bất hợp pháp...
Cũng có trường hợp phụ nữ Việt Nam lấy người nước ngoài địa chỉ theo hồ sơ kết hôn là đúng, nhưng hồ sơ gửi ủy thác sang lại không tới, phải bổ sung, mà theo luật bổ sung không được thì phải đình chỉ. Nguyên tắc là vậy, nhiều người không hiểu cứ nghĩ tòa án gây khó khăn...
Theo thống kê từ 1/10/2014 - 30/9/2015, Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý 69 vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó, giải quyết được 44 vụ, còn 27 vụ chưa giải quyết; tính từ 1/10/2015 - 30/3/2016 thụ lý 81 vụ, giải quyết 57 vụ, còn lại 24 vụ trong đó có 12 vụ tạm đình chỉ. |
Gia Huy