Thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; các thành viên trong Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh với nhiều đề án, kế hoạch được ban hành nhằm tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019. Tổng thể có 26/27 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng trên các lĩnh vực: nông nghiệp tăng 4,81%; công nghiệp – xây dựng tăng 13,51%; dịch vụ tăng 7,51%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt hơn 43 triệu đồng.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng cũng được tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp và tạo nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều tồn tại chậm khắc phục
Tại cuộc thẩm tra, nhiều ý kiến cũng nêu lên nhiều băn khoăn, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục trăn trở có giải pháp chỉ đạo, điều hành trong năm 2020.
Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đặng Quang Hồng quan tâm đến vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích chưa thật sự rõ nét.
Bởi vậy thời gian tới, UBND tỉnh quan tâm nghiên cứu để đưa các giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng gắn với ứng dụng khoa hoc, công nghệ và quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản Nghệ An.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường chỉ ra hàng loạt vấn đề tồn tại và đề nghị UBND tỉnh tiếp tục có biện pháp quyết liệt hơn, đó là tiến độ giao đất, giao rừng chậm; nợ xây dựng cơ bản, xử lý dự án chậm tiến độ chưa đạt yêu cầu.
Tỷ lệ thực hiện các công trình, dự án được HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thu hồi đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng còn thấp.
Một số ý kiến cũng đặt ra băn khoăn về việc bố trí nguồn lực cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo; khu vực miền Tây, nhất là 27 xã biên giới chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra và thực hiện các kết luận kiểm toán và kiến nghị sau giám sát của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh hiệu quả chưa cao.
Về công tác cải cách hành chính, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh băn khoăn hiện tại hầu hết các cơ quan mới chỉ đạt dịch vụ công mức độ 2, chiếm 81%; còn mức độ 3, mức độ 4 là rất ít.
Bên cạnh đó, việc quan tâm rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa được các sở, ngành chủ động mà mới chỉ thực hiện theo thủ tục của các bộ, ngành ban hành…
Kết luận về nội dung này, bên cạnh đánh giá cao sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp thu, bổ sung ý kiến của các thành viên Thường trực HĐND tỉnh tham gia để hoàn chỉnh báo cáo, dự thảo nghị quyết; đồng thời đề ra các giải pháp, biện pháp tích cực để khắc phục.
Đáng chú ý là quan tâm giải quyết tốt hơn các vấn đề nợ thuế, nợ xây dựng cơ bản, nợ BHXH; dự án chậm tiến độ; bố trí vốn đối ứng các công trình, dự án. Song song với đó là tiếp tục tăng cường quản lý có hiệu quả về đất đai, khoáng sản, môi trường; công khai, minh bạch trong việc đấu giá quyền sử dụng đất; xây dựng NTM ở 27 xã biên giới …
Tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; đồng thời với đó là quan tâm giải quyết các vấn đề từ thực tiễn liên quan đến “hậu” sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập khối, xóm, bản…
Cũng trong chiều nay, Thường trực HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2019, nhiệm vụ năm 2020 và dự thảo nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2020.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn đồng tình với báo cáo và dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình; đồng thời nhấn mạnh một số yêu cầu trong bố trí nguồn vốn đầu tư công như: phải đảm bảo các nguyên tắc và không đầu tư dàn trải, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; quan tâm bố trí vốn đầu tư hạ tầng mang tính bức xúc như hạ tầng đô thị, môi trường…