(baonghean.vn) - Đó là chú Thái Khắc Trưng, người quản trang ở huyện Nghi Lộc. Chú tâm niệm, các liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, hoà bình cho Tổ quốc thực ra họ vẫn sống, vẫn cần có bầu bạn tâm sự. Nên dù sức khoẻ không đảm bảo, 2 vợ chồng chú vẫn tình nguyện dành trọn phần đời còn lại của mình để chăm lo chốn yên nghỉ cho các liệt sỹ.
Người thương binh hạng đặc biệt
Chúng tôi về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Nghi Lộc vào một buổi chiều mùa hè nắng nồng oi bức.
Gặp lại chú Trưng sau hơn 10, thời gian đã hằn trên gương mặt. Kể về những ngày đầu vào bộ đội, chú không khỏi bồi hồi. Rời quê hương xã Nghi Văn lên đường nhập ngũ vào năm 1977, anh thanh niên Thái Khắc Trưng - con út trong một gia đình đã có cha và anh là bộ đội, hăm hở vào chiến trường biên giới Tây Nam làm nhiệm vụ quốc tế, với ước mong được góp sức mình phục vụ Tổ quốc và cho nước bạn. Làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu trong đơn vị thường trực của Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên ngày nay) được gần 2 năm, đến 8/1979, chú cùng đơn vị chuyển ra Bắc nhận nhiệm vụ mới ở biên giới phía Bắc.
Tại đây, đầu năm 1981, trong khi đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ tại bình độ 400 (một điểm chốt quân sự của ta tại Cửa khẩu Chi Ma-Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) thì đơn vị của chú bị vướng mìn. Bản thân chú bị mìn cắt cụt mất đùi phải và chấn thương nặng vào đầu, mắt trái hỏng hoàn toàn, phải mất hơn nửa năm mới chắc chắn thoát chết. Do thương tật lớn, sức khỏe yếu nên chú tiếp tục được chuyển về an dưỡng tại Bệnh viện 105 Cục Quân y.
Tại Nghĩa trang liệt sỹ Nghi Lộc |
Trăn trở cho người đã khuất...
Chúng tôi cũng là những người được sinh ra và lớn lên tại quê hương Nghi Lộc. Khi còn nhỏ, chúng tôi hay cùng với lũ bạn vào Nghĩa trang liệt sỹ chơi, nhất là vào những ngày hè, vì ở đây mát mẻ. Tuy nhiên, Nghĩa trang lúc này hầu như chưa có gì ngoài Đài Tưởng niệm và những ngôi mộ được xây bằng xi măng chưa được quy hoạch thành hàng lối. 10 năm sau, khi trở lại, mọi thứ đã đổi khác. Toàn bộ khuôn viên của Nghĩa trang đẹp hơn, sân đã lát gạch, những ngôi mộ của các liệt sỹ không còn trát xi măng mộc nữa mà được ốp đá màu và theo hàng, lối ngay thẳng; cây cảnh xanh tươi được cắt tỉa gọn gàng, khuôn viên có tường bao, có cổng vào với cửa đóng nghiêm trang. Tất cả toát lên sự yên bình, trang nghiêm của nơi linh thiêng.
Đầu năm 2006, huyện lại tiếp tục triển khai đợt 2 việc tôn tạo, nâng cấp toàn bộ nghĩa trang. Ngày nay, nghĩa trang đẹp như một công viên và đảm bảo sự trang nghiêm, yên bình của chốn linh thiêng.
Tôi hỏi: Thế hàng ngày công việc của chú là gì? Chú không cảm thấy buồn khi cứ phải đi lại quanh quẩn ở đây à? Chú cười và chậm rãi nói: Không, đây là niềm vui vô giá trong cuộc sống của chú. Ngày nào cũng như ngày nào, công việc của chú là trông nom bảo quản các phần mộ liệt sỹ; quét dọn vệ sinh; tiếp đón, hướng dẫn cho thân nhân đến tìm và thăm viếng mộ. Ngày nào thấy khoẻ thì cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh. Ngoài ra, còn một việc quan trọng mà lúc nào cũng làm chú phải canh cánh trong lòng là: hiện tại, ở Nghĩa trang chỉ mới có hơn 40% ngôi mộ đã có thân nhân đến nhận, còn lại vẫn chưa thấy thân nhân đến, nên phải tìm mọi cách để thông tin đến với người thân. Đây là việc làm không dễ vì liệt sỹ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang có quê quán hầu như khắp trong cả nước. Vậy là, cùng với các cơ quan, đoàn thể, ngày ngày, chú vẫn tìm mọi cách để tìm thân nhân cho các phần mộ của liệt sỹ.
Hiện tại, trong 700 ngôi vẫn còn hơn 400 ngôi mộ chưa có người thân nhận. Chủ yếu là liệt sỹ có quê quán ở các tỉnh phía Bắc như: Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hoá... mặc dù họ có tên tuổi đầy đủ. Thậm chí, có cả mộ liệt sỹ quê ở ngay trong huyện mà vẫn chưa có thân nhân đến nhận. Chợt, vẻ mặt chú đượm buồn: "Nếu Nhà nước không quy tập về Nghĩa trang thì những ngôi mộ này sẽ bị lãng quên theo năm tháng !..."
Tôi hỏi mong muốn cho bản thân, chú lắc đầu, trầm ngâm: “Bản thân mình hàng ngày vẫn làm bạn với họ, trò chuyện với họ như đang sống và chiến đấu bên cạnh mình. Mình hiểu họ buồn gì và cùng buồn với họ. Mới đây, mình xin huyện xây cho Nghĩa trang một nhà khách nho nhỏ để thân nhân của liệt sỹ về thăm viếng mộ có chỗ nghỉ ngơi. Chỉ mong sao, dự án này sớm thành hiện thực. Nghĩa trang còn nhiều ngôi mộ chưa có thân nhân, cháu ghi số điện thoại của chú lên mặt báo, để biết đâu đó sẽ có thân nhân liệt sỹ đến tìm mộ” ...
Đã 21 năm trôi qua, một thương binh có tỷ lệ thương tật đến 91% vẫn cùng vợ âm thầm làm công việc mà từ trong sâu thẳm, hai người coi như là một cái nghĩa, một tấm lòng với những người đã ngã xuống. Chú Trưng tâm niệm: "Mình chỉ khác các chú, các anh đã ngã xuống là họ đang ở cõi âm, còn mình ở cõi dương, chứ với thương tật như vậy thì mình còn làm được gì? Chỉ khác họ là mình đang sống, đang ở cõi dương mà thôi!”. Có lẽ vì thế mà 2 vợ chồng chú vẫn tình nguyện dành trọn phần đời còn lại của mình để chăm lo chốn yên nghỉ cho các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Tạm biệt chú ra về mà trong tôi cứ canh cánh một nỗi niềm: Mong sao, những điều mong mỏi của chú Trưng sớm được thực hiện.