(Baonghean) - Với các bệnh nhân HIV/AIDS, chị Lê Thị Hoa - bác sỹ trực tiếp điều trị HIV cho người nhiễm ở Phòng khám Ngoại trú, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh là một người nhiệt tình, hết lòng vì người bệnh. Bằng sự quan tâm chân thành nên chị hiểu tâm tư từng người nhiễm HIV để có sự giúp đỡ kịp thời và phù hợp, được bệnh nhân tin tưởng…
Trong hình dung của tôi, bác sỹ Lê Thị Hoa phải là một người cứng tuổi, từng trải. Thế nhưng, gặp gỡ và tiếp xúc, mới biết nữ bác sỹ này còn rất trẻ, cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Chị sinh năm 1985, tốt nghiệp Đại học Y Huế năm 2009 và về công tác tại phòng khám từ năm 2010 cho đến nay. 4 năm qua, chị gắn liền với công tác khám, điều trị, theo dõi, quản lý, tư vấn, chỉ định dịch vụ, xét nghiệm cho 1.300 bệnh nhân nhiễm HIV đăng ký tại phòng khám. Thời gian đó, đã giúp chị rút ra nhiều bài học trong công tác, thể hiện rõ bản lĩnh, tấm lòng yêu thương của một lương y.
Làm việc ở Phòng khám Ngoại trú, khoa Truyền nhiễm, hàng ngày chị Hoa phải đối diện rất nhiều nguy cơ và áp lực: Các bệnh nhân vào điều trị tại đây thuộc các thành phần, dân tộc, quê quán, mức độ nhận thức khác nhau. Rất nhiều trong số họ còn hiểu sai về bệnh nên thường có thái độ bất cần, nên khi bị phật ý vì một lý do nào đó thì sẵn sàng đe dọa, đánh cả bác sỹ điều trị cho mình. Bên cạnh đó, nguy cơ lây bệnh từ bệnh nhân rất cao và thực tế đã có một số điều dưỡng từng phải điều trị phơi nhiễm do kim đâm phải tay – bác sỹ Hoa cho biết.
Trước áp lực đó, bác sỹ Hoa luôn đặt trách nhiệm cứu người lên hàng đầu và xác định tâm thế làm sao để việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất. Chị tâm sự: Mình điều trị ở đây thì không có mong muốn gì hơn là bệnh nhân có sức khỏe tốt, tinh thần ổn định. Phải nghĩ họ như người thân để chăm sóc, phục vụ, tận tình điều trị. Khi bệnh nhân bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị thì mình cũng phải phê bình nghiêm túc, thậm chí nặng lời. Song phê bình, hướng dẫn, tư vấn thế nào thì phải căn cứ vào tình trạng, tâm trạng của bệnh nhân mà cương, nhu đúng lúc.
Bác sỹ Lê Thị Hoa chia sẻ: Nếu bác sỹ “sợ” bệnh nhân thì chắc chắn không thể giúp được bệnh nhân. Để thoát khỏi những lo lắng ám ảnh, bản thân chị và các y bác sỹ ở đây luôn có sự chuẩn bị riêng cho mình. Sự chuẩn bị riêng này giúp chị tự tin, yên tâm, toàn tâm toàn ý phục vụ bệnh nhân. Qua đó, tiếp thêm niềm tin, động lực giúp bệnh nhân để người bệnh chiến thắng bệnh tật. Nếu người bệnh tuân thủ tốt phác đồ điều trị thì có thể sống, làm việc, cống hiến bình thường như bao người khác. Một thầy thuốc tốt là phải biết yêu thương, quý trọng bệnh nhân.
Tại Phòng khám Ngoại trú, chúng tôi đã nhiều lần được chứng kiến tinh thần, thái độ, tình yêu thương của người bác sỹ trẻ này đối với người nhiễm HIV. Bác sỹ Hoa luôn ân cần thăm hỏi người bệnh, tỉ mỉ khám, cấp thuốc cũng như dặn dò người bệnh chu đáo. Anh Lương Văn T, một bệnh nhân ở huyện Quế Phong kể: “Bác sỹ Hoa đã dặn rằng, bất cứ giờ nào tôi cũng có thể gọi cho chị để được tư vấn; dặn phải đích thân xuống khám, lấy thuốc đúng ngày; dặn nên mua bảo hiểm y tế vì không ốm đau thì thôi chứ ốm đau là mất rất nhiều tiền; khi ốm đau, gọi điện bác sỹ Hoa còn hướng dẫn chuyển tuyến… Cũng có nhiều phòng khám cấp thuốc ARV nhưng tôi vẫn thích xuống điều trị ở đây, dẫu có xa hơn nhưng ở đây mọi người thoải mái, không phân biệt chi cả”.
Những gì được nghe, thấy và cảm nhận ở Phòng khám Ngoại trú đã giúp chúng tôi hiểu hơn về bác sỹ trẻ Lê Thị Hoa, một người hết lòng, tận tụy với bệnh nhân, “chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật, mà còn nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu; lấy lòng nhân đạo và tình thân ái mà cảm hóa họ…”.
Bài, ảnh: Thanh Sơn