(Baonghean) - Có cảm giác như đến đây, mình được chạm vào lịch sử, và bỗng thấy môn Lịch sử không còn khô khan với những con số chán ngắt. Lịch sử luôn đồng hành với mỗi người, mỗi giây phút hôm nay...
“Ngày hôm nay thật đáng nhớ với mình. Không thể ngờ, nơi chỉ cách nhà mình một đoạn ngắn, nơi mà mình và mẹ vẫn đi qua, bữa nay mình cùng thầy cô và các bạn đến tham quan trong giờ ngoại khóa, lại là nơi lưu lại bao nhiêu dấu tích của một thời kỳ cách mạng “long trời lở đất”. Mình đã thấy những tháng năm xưa như hiện lên trước mắt.
Có ai ngờ, ngay chiếc bốt nhỏ vẫn dán lịch thi đấu của Đội bóng sông Lam, ngày xưa là những nhà lao khắc nghiệt giam cầm, tra tấn bao nhiêu chiến sỹ cách mạng. Có cảm giác như đến đây, mình được chạm vào lịch sử, và bỗng thấy môn Lịch sử không còn khô khan với những con số chán ngắt. Lịch sử luôn đồng hành với mỗi người, mỗi giây phút hôm nay…” (Trích ghi chép của Nguyễn Phạm Vân Trinh, học sinh lớp 9 trường THCS Lê Mao, ngày 22/2/2017).
Đã có rất nhiều những dòng cảm xúc như vậy sau chuyến tham quan, học ngoại khóa tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được viết ra trong sổ lưu niệm ở Bảo tàng, trong bài viết thu hoạch hay cả trong những trang nhật ký vụng về của lứa tuổi học trò.
Phần lớn, các em đều cho rằng đó là “những giờ học đáng nhớ nhất” của mình, bởi không chỉ là những bài giảng, những trang sách giáo khoa, những câu chuyện “xưa xa khó mà tưởng tượng nổi”, mà đó là những giờ khắc các em được “chạm vào lịch sử”, được sống cùng quá khứ của mảnh đất, con người quê hương.
10 năm nay, bắt đầu từ năm học 2006- 2007, khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An chủ trương đưa giáo dục lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh (XVNT) vào học trong nhà trường thì đã có tới gần 10.000 lượt học sinh tại các trường trung học trong toàn tỉnh đến tham quan học tập tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh hàng năm, trong đó có nhiều trường học duy trì như một hoạt động ngoại khóa thường xuyên, nền nếp.
Việc “bắt tay” ấy giữa 2 sở ngành cũng là nhằm tiếp tục phát huy truyền thống XVNT, đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng xứ Nghệ trong học sinh trung học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Không chỉ có hoạt động ngoại khóa, tham quan, mà Sở Giáo dục và Giáo dục và Đào tạo còn phối hợp với Bảo tàng XVNT biên soạn các bài giảng ngoại khóa về XVNT cho học sinh lớp 9 THCS và lớp 12 THPT; xây dựng phim khoa giáo "Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931". Tất cả các tài liệu và phim khoa giáo đã được in sao, cung cấp kịp thời cho các trường trung học trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện các hoạt động giao lưu, tìm hiểu, nói chuyện truyền thống, trưng bày lưu động, thi tìm hiểu, hành quân về các địa chỉ đỏ, sưu tầm hiện vật - tư liệu về XVNT… để các em hiểu, nắm rõ hơn về các nhân vật, sự kiện của phong trào cách mạng 1930-1931 và XVNT, lập danh mục các di tích XVNT được xếp hạng để các trường tự nguyện đăng ký chăm sóc.
Và quả thực, với nhiều hoạt động thiết thực, bền bỉ suốt 10 năm qua, dấu ấn của XVNT trong lòng các em học sinh là không hề nhỏ bé. “Có nhiều trường, nhiều lớp, ban đầu học về lịch sử XVNT, thậm chí đến với Bảo tàng còn mang tính hình thức, chiếu lệ, nhưng rồi sau 1 buổi ngoại khóa ngắn ngủi, các thầy cô và các em đã có sự nhìn nhận khác.
Tôi đã cảm nhận rõ nét điều ấy khi những dòng lưu niệm, cảm tưởng được ghi lại, hay trong những cuộc trò chuyện, trong lời cảm ơn chân thành mà họ nói với chúng tôi - những cán bộ bảo tàng rằng họ thực sự cảm ơn những lời thuyết minh, cảm ơn sự tận tâm của các cán bộ bảo tàng, cảm ơn cả những hiện vật tưởng như im lìm chìm lấp dưới lớp bụi thời gian nhưng đến đây họ đã bắt gặp nó cất lên tiếng nói mãnh liệt, sục sôi” - anh Nguyễn Văn Bích, Trưởng phòng Sưu tầm - Kiểm kê và bảo quản của Bảo tàng XVNT chia sẻ.
Anh Bích tốt nghiệp Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp, cũng đã trải qua nhiều công việc ở nhiều nơi trước khi về với Bảo tàng XVNT. Anh nói rằng, chặng dừng chân này khiến anh mãn nguyện, không phải chỉ vì anh được làm công việc đúng chuyên ngành trên chính quê hương, mà còn bởi anh cảm nhận ở đây, mỗi đồng nghiệp của mình đều nhiệt huyết, say mê.
Anh tự hào bởi anh biết, bất cứ một vị khách nào bước chân vào bảo tàng và hỏi bất kỳ điều gì về phong trào XVNT thì bất cứ nhân viên nào ở đây cũng có thể trả lời rành rẽ. Điều quan trọng nữa là hàng ngày, anh được truyền đi cảm hứng và tình yêu với lịch sử quê hương đến cùng nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ - cái thế hệ mà “chúng rất dễ bị cướp mất thời gian bởi game, bởi facebook và trăm ngàn thứ hấp dẫn khác”.
Anh Bích cũng là 1 trong 3 quản trị viên trang fanpage của Bảo tàng - trang viết được hàng ngàn người yêu thích và đánh giá tốt. Anh nói, anh cảm thấy mừng vui vì ngày càng nhiều người hơn, đặc biệt là các em học sinh ở các trường, sau khi tham quan bảo tàng hay sau các bài học về XVNT lại tìm đến trang này để tương tác, đặt câu hỏi.
Còn với chị Trần Thị Hồng Nhung - Phó Giám đốc Bảo tàng (chị Nhung còn rất trẻ, sinh năm 1984) thì chia sẻ: Khi chị về công tác tại Bảo tàng cũng là năm đầu tiên 2 sở thực hiện việc phối hợp giáo dục truyền thống XVNT cho học sinh trung học của tỉnh.
Chị bắt đầu công việc của một thuyết minh viên cho tới tận bây giờ khi làm quản lý thì chị vẫn còn gắn với nghề thuyết minh ban đầu ấy. Chị nói rằng đã xúc động biết bao khi được thấy những đôi mắt tròn xoe, thấy những giọt nước mắt đã lăn dài trên gương mặt còn rất ngây thơ của các em khi đến nơi này và nghe chị kể chuyện.
“Khi tôi nhắc đến từng sự kiện, khi tôi chỉ vào từng hiện vật để kể cùng các em về những bà mẹ xứ Nghệ nuôi giấu chiến sỹ cộng sản, về cách thức in ấn, cất giấu tài liệu của Đảng, về sự mưu trí dũng cảm của các chiến sỹ XVNT, về những cực hình mà những người cách mạng đã chịu đựng trong nhà lao Vinh… tôi đã gặp sự đồng cảm, thán phục, ngạc nhiên, đau xót…của các em. Rồi tôi chứng kiến những bài thu hoạch được các em viết ngay dưới tán cây trong sân bảo tàng, những bài thu hoạch đầy mới mẻ, có nhịp đập của tình yêu, niềm tự hào trong tim các em. Tôi đã dâng trào hạnh phúc và yêu hơn công việc “cầu nối” đầy thiêng liêng của mình. Cầu nối quá khứ với hiện tại, nối ngày xưa với hôm nay.”
Trao đổi về kế hoạch cho những năm tiếp theo, để phát huy hơn nữa giá trị truyền thống XVNT trong quần chúng nhân dân, nhất là các em học sinh, anh Cao Văn Xích - Giám đốc Bảo tàng cho hay: Bảo tàng XVNT sẽ chỉnh lý nội dung trưng bày phù hợp với lứa tuổi các em, đổi mới phương pháp thuyết minh hấp dẫn hơn.
Hàng năm triển khai và xây dựng trưng bày chuyên đề; chỉnh lý, nâng cấp nội thất nhà trưng bày; kết hợp với các trường học để xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình giao lưu “Hướng dẫn viên nhí”; kết hợp với “Câu lạc bộ lịch sử” của các trường để nâng cao chất lượng hoạt động giao lưu văn hóa, thi tìm hiểu lịch sử; mở rộng liên kết, giao lưu với cộng tác viên nhằm tập hợp được nhiều tài liệu nghiên cứu về XVNT.
Tuyên truyền nội dung XVNT trên các phương tiện thông tin đại chúng rộng rãi hơn. Đây cũng là hình thức nhằm tiếp tục phát huy truyền thống XVNT, đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng xứ Nghệ trong học sinh trung học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Xin được khép lại bài viết này bằng những dòng cảm xúc của các em học sinh và các thầy cô giáo: “Tới đây, chúng em hiểu rằng, chúng em có được cuộc sống tươi đẹp, hòa bình, hạnh phúc là nhờ những người anh hùng đã chiến đấu không ngại hy sinh, gian khổ” (Nguyễn Thị Tuyết, học sinh Trường THPT Ngô Trí Hòa (Diễn Châu):
“Truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương sẽ là động lực để chúng em tiếp tục công việc học tập cũng như nối tiếp sự nghiệp hào hùng của ông cha” (em Lương Quang Dũng học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh), “Về tham quan nơi đây không chỉ là một trải nghiệm thực tế đáng quý mà còn là bài học thấm thía về sự cống hiến và lòng biết ơn” (cô giáo Nguyễn Thị Xuân Hương - Giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai).
T.V