(Baonghean) - Tình yêu dân ca ví, dặm đã nảy nở trong tâm hồn ông từ thơ bé. Dù chưa từng học hành bài bản về âm nhạc, nhưng ông đã sáng tác được trên 50 tác phẩm dân ca phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh. Ông là Chu Văn Tỵ - Phó chủ nhiệm CLB dân ca xã Cát Văn (Thanh Chương).
 
images1073301__ng_chu_van_t___1_.jpgÔng Chu Văn Tỵ.
 
Trong ngôi nhà nhỏ nằm bên sườn đồi ở xóm 3, xã Cát Văn, ông Tỵ mở lòng: Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông tham gia tích cực vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của làng, của huyện. Để thỏa mãn đam mê ông đã tự mày mò, học hỏi cách thể hiện từng làn điệu dân ca, cách gieo vần của từng câu hò, điệu ví để sáng tác các tác phẩm phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng như công tác tuyên truyền của địa phương. Hơn 50 tác phẩm dân ca ra đời,  như ca khúc “Trọn tình khúc hát dân ca” ca ngợi truyền thống cách mạng của Cát Ngạn (Thanh Chương); đối ca “Biển một bên và em một bên”, hoạt ca “Giữ gìn biển đảo quê hương” phản ánh quyết tâm giữ gìn biển đảo quê hương của mỗi người dân Việt Nam,… đều xuất phát từ niềm đam mê, từ trách nhiệm của một công dân với nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với dân. Những ca khúc của ông sáng tác mang đẫm hơi thở cuộc sống, tính thời sự và gắn bó thiết thực với người dân... Do đó, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người.
 
Yêu và gắn bó với những làn điệu dân ca, ông luôn trăn trở làm sao để giữ gìn và phát huy di sản văn hóa vô giá mà cha ông để lại. Năm 2011, ông và ông Giản Tư Duật (bây giờ là Chủ nhiệm CLB Dân ca xã Cát Văn) là những người tiên phong đưa ra ý tưởng thành lập CLB Dân ca Cát Văn (Thanh Chương). Khi mới thành lập CLB chỉ có 7 thành viên nhưng nay đã thu hút được 20 hội viên tham gia tích cực. Để duy trì hoạt động của CLB, ông vận động hội viên trong CLB, bạn bè đóng góp kinh phí, mua đạo cụ tập luyện. CLB không chỉ thu hút các thành viên lớn tuổi, mà có rất nhiều cháu nhỏ, học sinh phổ thông tham gia, những nghệ nhân như ông mải miết truyền dạy các làn điệu, tình yêu dân ca cho lớp trẻ bằng tất cả niềm đam mê và tận tụy. “Tôi đã trút được nỗi lo canh cánh bấy lâu nay vì sợ không tìm được lớp kế tục để gìn giữ và phát huy giá trị dân ca của quê hương. Qua cuộc thi vừa rồi, tôi rất vui và hãnh diện về lớp trẻ. Các cháu đã thể hiện rất tốt làn điệu dân ca của ông cha. Đưa dân ca vào trường học quả thật là một chủ trương đúng đắn và kịp thời” – ông thổ lộ cảm xúc của mình. 
 
Chủ tịch UBND xã Cát Văn – Giản Tư Ngộ đánh giá cao về sự đóng góp của ông Chu Văn Tỵ vào phong trào văn hóa, văn nghệ của xã: Những tác phẩm dân ca do bác Tỵ sáng tác mang tính thời sự rất cao, dễ đi vào lòng người, nên hỗ trợ rất lớn cho công tác tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Như hoạt cảnh “Mũ bảo hiểm” tuyên truyền về an toàn giao thông; tiểu phẩm vui “Niềm vui đổi mới” phản ánh chủ trương xây dựng nông thôn mới…”.
 
Không chỉ thu hút được sự đồng tâm của các thành viên trong CLB mà ông còn may mắn vì có một người vợ luôn ủng hộ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bà Lê Thị Duyên – vợ ông, cho biết: “Gần 70 tuổi, nhưng không kể mưa nắng hay đêm hôm, chưa bao giờ ông vắng một buổi sinh hoạt của CLB. Tham gia hoạt động của làng, xã thấy ông vui khỏe nên tôi rất ủng hộ”. Được sự động viên của người bạn đời tri kỷ, bước sang tuổi 70, ông vẫn miệt mài với trách nhiệm Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca Cát Văn, vẫn say sưa sáng tác và duy trì hoạt động của CLB. Cả một đời đam mê gắn bó với dân ca xứ Nghệ, ông rất tâm đắc và vui mừng khi ví, dặm Nghệ Tĩnh được đề cử UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Ông thấm thía một điều, rằng "đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca". Yêu những làn điệu dân ca mộc mạc, sâu lắng, bằng những hành động cụ thể, ông Tỵ đã góp sức mình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương. 
 
Lê Hoa