(Baonghean) - Tỉnh Nghệ An thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ năm 1999 đến nay, Đối tượng thu hút là chuyên gia, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, thạc sỹ, tiến sỹ, các vận động viên thể thao đạt thành tích cao đạt giải quốc gia, quốc tế, bác sỹ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2; trong đó chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi đang cần việc làm… Thực tế cho thấy, những người giỏi, người tài luôn có ý tưởng, sáng kiến sáng giá. Và ý tưởng hay sẽ được phát huy cao độ nếu người quản lý biết đánh giá và trân trọng.
“Dụng nhân như dụng mộc”
Từ năm 1999 đến năm 2014, tỉnh ta đã thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao với tổng số 523 người (trong đó năm 2014 xét tuyển được 70 người). Sự kỳ vọng cống hiến ở đội ngũ này đối với tỉnh rất lớn. Thu hút nhân tài không chỉ là cuộc “săn tìm” của các địa phương mà còn là của các doanh nghiệp. Sau khi tốt nghiệp khoa Hóa thiết bị công nghệ, Trường ĐH Bách Khoa ra trường, kỹ sư trẻ Nguyễn Hoàng về công tác ở Nhà máy đường Sông Con. Qua cọ xát với thực tế, anh nhận ra những bất cập trong dây chuyền sản xuất đường của nhà máy, từ đó anh đã xây dựng đề tài sáng kiến cải tiến và giành giải Nhất giải Khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An năm 2012 (năm 2011 kỹ sư Hoàng cũng đạt giải Nhì về KHCN của tỉnh). 2 sáng kiến của Nguyễn Hoàng được ứng dụng tại Nhà máy đường Sông Con vừa giúp thu hồi được đường nhiều hơn, vừa có thể nâng công suất ép mía lên gấp 3 lần so với công suất thiết kế ban đầu, lại vừa tiết giảm tối đa chi phí, rút ngắn thời gian ép có lợi cho người nông dân quay vòng sản xuất. Nhưng giá trị là sáng kiến của Hoàng được “chắp cánh” khi được Ban Giám đốc nhà máy sử dụng toàn bộ và đầu tư kinh phí để đổi mới dây chuyền trị giá hàng trăm triệu đồng, làm lợi cho nhà máy 320 triệu đồng mỗi năm.
Tìm hiểu biết thêm, một số người trong diện thu hút của tỉnh Nghệ An (thời kỳ đầu) nay cũng đã phát huy vai trò vị trí của mình nơi công tác như Bùi Văn Hưng – Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH, Hoàng Thị Thu Trang (sinh năm 1981), nguyên là Chánh Văn phòng Sở Tư pháp, nay là Cục phó Cục Thi hành án của tỉnh. Lê Văn Hưng (thu hút năm 2001), tốt nghiệp loại giỏi, Khoa Môi trường, Trường KHTN Đại học Quốc gia Hà Nội, về Sở Tài nguyên & Môi trường, nay là Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường của sở… Những người này hầu hết đều được lãnh đạo nơi công tác quan tâm, trân trọng và tạo điều kiện làm việc.
Anh Lê Văn Hưng nhớ lại “Thời điểm được về làm việc tại quê nhà, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lúc đó là anh Đinh Viết Hồng (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) rất ủng hộ những sáng kiến mới, giải pháp của chúng tôi, từ đó chúng tôi tin tưởng và phấn khởi công tác. Những tham mưu giải pháp của tôi hầu hết anh Hồng đều nhất trí. Ví như khi xảy ra sự cố ở bãi rác Nghi Yên, tôi tham mưu phương án xử lý nước thải bằng công nghệ hóa lý, lắng lọc và chất xúc tác để kịp thời xử lý nước rác tràn ra ngoài môi trường liền được anh Hồng đồng ý triển khai. Hay khi xảy ra sự cố vỡ đập của Nhà máy sắn Thanh Chương, tôi tham mưu giải pháp khắc phục gia cố điểm rò rỉ, giảm công suất sản xuất nhà máy, đẩy mạnh thi công công trình xử lý nước thải cũng được anh chấp nhận.
Từ khi sang làm Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, tôi đã nâng tầm trung tâm về năng lực phân tích phù hợp tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO 17025 : 2005, phân tích được nhiều chất phức tạp”. Được biết, kỹ sư Lê Văn Hưng còn tham gia thực hiện một số đề tài khoa học cấp tỉnh liên quan đến môi trường. Còn Hoàng Thị Thu Trang, Cục phó Cục Thi hành án dân sự cho biết: “Mới về nhận công tác tôi đã được Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Hữu Thuận phân công làm việc ở phòng Xây dựng, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Đây là phòng chuyên môn “xương sống” của sở. Ở đây, tôi luôn được cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý điều hành địa phương; công việc đòi hỏi phải có tư duy phản biện. Người làm công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được tiếp cận với các lĩnh vực công tác khác: kinh tế, nội vụ, tài chính, đất đai… Công việc đầu tiên này chính là hành trang quan trọng giúp tôi tiếp cận tốt chuyên môn ở những mảng công tác khác”. Khi được tích lũy kinh nghiệm, chuyên sâu về pháp luật, Hoàng Thị Thu Trang được giao nhiệm vụ Chánh Văn phòng sở – một công việc bao quát, tổng hợp toàn bộ công việc của cơ quan, của ngành. Và hiện nay, khi đảm nhận cương vị mới, chị được giao phụ trách công tác kiểm tra, giải quyết đơn thư trong lĩnh vực thi hành án dân sự càng giúp chị hiểu, chia sẻ những khó khăn vất vả của cộng sự. Ngoài việc được bố trí “trúng” người, đúng việc, thì sự tin tưởng vào thế hệ trẻ của các đồng chí lãnh đạo Bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự, lãnh đạo tỉnh, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự là động lực để chị nỗ lực, cố gắng hoàn thiện mình hơn. Môi trường làm việc rất trọng để người trẻ phát huy tài năng và trách nhiệm của mình…
Như thế, “dụng nhân như dụng mộc”, người giỏi thực sự sẽ được phát huy tài năng nếu được để đúng chỗ, đúng vị trí, được quan tâm, để ý. Những người giỏi “không đợi tuổi” khi thành đạt. Họ vừa trẻ vừa có tài năng, hoài bão, chinh phục khát vọng đổi mới, lấy khó khăn làm thách thức, luôn sáng tạo, nỗ lực và lan tỏa sẽ là những mấu chốt thành công của đơn vị, doanh nghiệp. Họ là những người truyền xúc cảm cho cỗ máy, đặc biệt khi họ có được vị trí xứng đáng thì năng lực của họ càng được phát huy.
Điều chỉnh chính sách
Hiện nay, Nghệ An chưa thu hút được đội ngũ chuyên gia đầu ngành gồm giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa I, II vì môi trường công tác không thuận lợi, cơ sở vật chất phục vụ công tác nghiên cứu khoa học không đáp ứng. Theo ông Đinh Xuân Lâm – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An, đội ngũ thu hút đang chủ yếu là sinh viên. Đa số họ phát huy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo đánh giá của các cơ quan, đơn vị tuyển dụng, từ đó tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Lượng sinh viên là con em Nghệ An tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm là rất lớn, khoảng 16.000 - 17.000 người.
Chính sách thu hút của tỉnh đang được điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Trước đây, ngân sách tỉnh hỗ trợ ban đầu cho đối tượng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, nhưng việc tuyển dụng là qua thi tuyển công chức. Năm 2014, tỉnh thực hiện tuyển thẳng “nhân tài”. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 57/2013/QĐ-UBND quy định đối tượng: “Những người tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên tại các trường đại học công lập, hệ chính quy ở trong nước (trừ hệ liên thông) có điểm thi vào đại học như sau: 23 điểm trở lên đối với các khối thi: A, A1, B, K, T, V; 22 điểm trở lên đối với các khối thi: D1, D2, D3, D4, D5, D6, M; 20 điểm trở lên đối với các khối thi: C, N, H, R, S”. Trước khi thi tuyển công chức, các đơn vị cần tuyển dụng sẽ áp dụng hình thức ưu tiên xét tuyển thẳng với những người có điểm thi đầu vào đại học cao và tốt nghiệp đại học loại giỏi đáp ứng yêu cầu bằng cấp chuyên ngành và các yêu cầu khác đề ra mà các đơn vị trong tỉnh đang cần tuyển dụng.
Sau đó mới thi tuyển đối với các đối tượng còn lại. “Sau khi Sở Nội vụ thông báo 150 chỉ tiêu được tuyển dụng trong năm 2014, Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh chấp nhận 412 hồ sơ của 196 người (có người nộp 2-3 hồ sơ). Sở Nội vụ xét tuyển được 70 vị trí. Trong đó chủ yếu thu hút được ngành Tài chính, Luật, Kinh tế. Bất cập hiện nay là các vị trí thuộc khối kỹ thuật, y tế, nông, lâm chưa thu hút được, còn các khối khác thì thu hút không hết, cung vượt quá cầu . Qua lần thu hút này, Sở Nội vụ sẽ kiến nghị UBND tỉnh xem xét hạ điểm đầu vào đại học của khối nông, lâm (học sinh giỏi ít thi vào khối này). Việc quản lý đội ngũ công chức thu hút hiện đang được giao các ngành, các huyện tuyển dụng, Sở Nội vụ yêu cầu các cơ quan, đơn vị bố trí công việc phù hợp, đúng vị trí”- ông Đinh Xuân Lâm cho biết thêm.
Đã đến lúc cũng cần phải minh bạch trong công tác cán bộ như minh bạch tài chính trên sàn chứng khoán để có thể hội nhập thật sự. Ở Bộ Giao thông - Vận tải thời gian gần đây đã thực hiện khẩu hiệu “Đổi mới hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, chất lượng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, tăng tốc hơn nữa, phát triển hơn nữa” và đã tổ chức thi tuyển nhiều vị trí quan trọng như Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ …. Mới đây ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế với 87,92 điểm đã trúng tuyển Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông. Lần thi tuyển thứ nhất, dư luận có thể không tin về kết quả, cho rằng có thể còn hình thức, còn chiếu lệ... Nhưng lần 2, lần 3, lần 4… cộng với đó là siết chặt luật, nghiêm khắc ở nhiều lĩnh vực, kỷ luật nhiều cán bộ đương chức vì phạm pháp luật... đã thực sự tạo sức lan tỏa, tạo dựng niềm tin trong nhân dân. Tin rằng đang có đổi mới, đang có công bằng và sự đột phá trong chính sách của tỉnh thời gian tới, cơ hội ngày càng đến với nhiều người hơn, đặc biệt là người giỏi, người trẻ.
Đề cao tính cống hiến
Tiến sỹ Vũ Minh Khương (ĐHQG Singapore) mới đây đã có bài trả lời phỏng vấn trên “Tuanvietnam” về chủ đề chọn nhân tài nhận được nhiều bình luận tích cực. Theo Tiến sỹ Khương, để chọn được nhân tài có thể dựa vào 3 chữ P: Passion – khát khao được ở lại (để cống hiến), Productivity (phải có năng suất, đóng góp thực sự) và Preparation (ưu tiên những người trẻ bởi họ có khả năng đóng góp cho tương lai).
Quả thực nếu xét theo tiêu chuẩn 3 chữ P của Tiến sỹ Khương, thấy rằng người trẻ bây giờ có nhiều cơ hội được bộc lộ tài năng, được thể hiện bản thân, đem những hiểu biết, trí tuệ của mình được đào tạo để có những đóng góp đột phá cho tập thể, cho đơn vị nơi mình công tác mà rộng hơn là đóng góp cho quê hương, đất nước. Vị trí của người trẻ trong một đất nước không chỉ được đo bằng việc họ đứng ở đâu, cơ quan nào mà nên đo bằng những gì họ làm được cho đất nước bằng tuổi trẻ của mình. Hay nhìn thực tế: ô nhiễm môi trường trầm trọng, tai nạn giao thông tăng chóng mặt, người chết hàng năm còn nhiều hơn cả dịch bệnh, rồi ùn tắc giao thông, vệ sinh thực phẩm thiếu an toàn đe dọa đến tính mạng con người… Nếu một người trẻ có trí tuệ thực sự, tài năng thực sự… hẳn không ai từ chối đón nhận những đề án, giải pháp, dự án khả thi của họ, nếu thực sự giải pháp đó, đề án đó được nhào nặn từ sự chín muồi từ thực tiễn, có cơ sở, khả thi và giải pháp đưa ra thuyết phục người quản lý.
Tính “cống hiến” cũng được hầu hết các nhà quản trị đánh giá cao, bởi người tài làm việc bằng trái tim, làm việc quên mình, thăng hoa trong cảm xúc để đạt được mục tiêu của đơn vị. Người tài hữu dụng trước hết phải có khát khao cống hiến, liên tục làm việc và làm việc hiệu quả hơn nhiều người khác, nghĩ ra được những điều người khác không nghĩ ra được, tham mưu chiến lược, sách lược để đơn vị phát triển lâu dài; phải đi nhiều, biết rộng, có tầm nhìn so sánh đối tác. Tầm nhìn rộng chừng nào thì càng có nhiều sách lược, tham mưu ứng phó để tồn tại, cạnh tranh. Hơn thế nữa, người tài phải là người thấu hiểu được cảm xúc của người quản trị, hiểu mình cần phải ghé vai vào khi nào, rộng hơn là biết đất nước cần gì để biết mình phải làm gì. Họ luôn chủ động để ngay cả khi thất bại cũng tìm thấy những điều lạc quan để bước tiếp, và khi khó khăn thì họ chính là người luôn tìm cách vượt qua.
Chính sách thu hút người tài về địa phương công tác là cần thiết nhưng vị trí quá ít; việc thanh lọc bộ máy còn nhiều bất cập; sự quản lý, phát huy đội ngũ này để họ thực sự là người tài thực tế vẫn còn nhiều việc để bàn.…
Mặt khác, người giỏi không thiếu và người giỏi chưa hẳn là người tài. Để người giỏi thành tài cần vai trò, năng lực của người đứng đầu, của công tác quản trị. Khát vọng thay đổi, có được bộ máy mạnh mẽ đầy sức chiến đấu và chiến thắng sẽ là động lực để người quản trị luôn tìm kiếm người giỏi và đào tạo họ thành người tài. Người quản trị giỏi sẽ sử dụng nhân lực đúng vị trí, đúng sở trường để người giỏi tranh thủ được hết các nguồn lực, từ đó phát huy được sức mạnh, lan tỏa đối với nhiều người xung quanh. Tóm lại, phải làm sao khơi dậy tinh thần, nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp chung của người tài mới chính là “cốt lõi” của thực hiện chính sách thu hút người tài.
Châu Lan