Đó là câu chuyện về 2 cựu TNXP, thương binh 4/4 Trần Văn Thân và Vũ Thị Liên (phường Trung Đô, TP.Vinh). Năm 1965, chàng thanh niên quê Hưng Khánh, Hưng Nguyên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường gia nhập lực lượng TNXP. Lúc đó, ông là Đại đội phó Đại đội 3, có nhiệm vụ mở đường 20 Quyết thắng (Quảng Bình). Mưa bom, bão đạn với những lần tưởng chừng như thân mình hóa vào đất, vào đường.
Nhưng có hề gì, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông không nề hà bất cứ nhiệm vụ nào, luôn xung phong vào nơi hiểm nguy nhất. “Những năm tháng đó gian khổ lắm. Ban đêm, chạy đua với bom đạn san lấp hố bom, phá đá mở đường cho xe qua. Xong việc, về lăn ra ngủ, rồi tắm giặt, rồi ăn uống, rồi lại ra trận. Chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện yêu đương...”, ông kể.
Nhưng đúng là duyên số, trong những ngày hoa lửa ấy, chính nơi giặc Mỹ đánh phá ác liệt, tàn khốc ấy, ông đã gặp được một nửa yêu thương – cô TNXP, Tổng đài Thông tin Đội 25 Vũ Thị Liên, quê ở Ninh Bình và nên duyên vợ chồng.
“17 tuổi, tôi gia nhập Đội 33, TNXP Ninh Bình lên đường vào chiến trường. Sau thời gian tham gia mở đường giao thông, Vũ Thị Liên được phân công trực tổng đài của Đội 25.
Một ngày cuối năm 1968, trong một trận máy bay Mỹ oanh tạc, đang trên đường đi nối dây liên lạc bị đứt thì tôi trúng bom và ngất đi. Tỉnh dậy mới biết mình nằm trong trạm xá binh 1 đêm rồi, quay sang thấy một anh cao, gầy đang nhìn mình lo lắng. Anh kể cho tôi nghe sự việc bằng giọng khu 4 nằng nặng. Hóa ra, trên đường ra trọng điểm chỉ huy anh em san lấp, nối đường thì gặp trận bom tọa độ quân Mỹ rải xuống. May mắn anh không bị thương. Đi một đoạn, anh gặp một người con gái ngất xỉu nên vội vã đưa vào Trạm xá Binh trạm cấp cứu...
Sau khi bình phục, cô TNXP Vũ Thị Liên trở lại công tác. Đội 23 của Trần Văn Thân nhập với Đội 25 của Vũ Thị Liên, hai người có cơ hội gần nhau hơn. Và tình cảm dần nảy nở... “Lúc đó, dẫu cùng một đơn vị, cùng làm nhiệm vụ trên một cung đường nhưng thời gian bên nhau không nhiều. Chỉ là gặp nhau lúc đi lấy nước, lúc giặt đồ hay những khi cả đội sinh hoạt văn nghệ. Tình cảm chôn chặt trong lòng, có chăng cũng chỉ là sự gửi trao qua ánh mắt nhìn. Nhưng đó chính là động lực để chúng tôi thi đua lao động, chiến đấu với niềm tin son sắt chiến tranh sẽ kết thúc, quân và dân ta sẽ chiến thắng, hòa bình lập lại và chúng tôi sẽ về chung một nhà”, bà Liên nhớ lại.
Đến năm 1971, một đám cưới đầm ấm, giản dị diễn ra tại khu vực đóng quân Km 54, đường 20 Quyết Thắng với những bông hoa rừng cắm vào thân cây chuối cùng ấm chè vối và ít bánh kẹo đãi khách.
Hoàn thành nhiệm vụ, họ về Vinh sinh sống. Lần lượt những đứa con ra đời, khó khăn, vất vả và thiếu thốn nhưng cả 2 người bằng tình vợ chồng, tình đồng đội, họ động viên nhau vượt qua tất cả, nuôi các con ăn học nên người. “Những lúc khó khăn nhất, hai vợ chồng lại nhớ về những ngày còn ở chiến trường, khi sự sống và cái chết kề trong gang tấc mà còn vượt qua được, huống chi thời bình. Cùng nhau trải qua những gian khổ trong chiến tranh nên khi về với cuộc sống đời thường, chúng tôi đã kề vai sát cánh cùng nhau vượt qua mọi thiếu thốn, vun đắp, xây dựng tổ ấm.
Giờ đây, khi tuổi đã cao, các con đã yên bề gia thất, hai vợ chồng ông bà có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, kết nối nghĩa tình đồng đội.