(Baonghean.vn) - Mỹ Thành (Yên Thành) là xã miền núicó nhiều loạisản phẩm nông nghiệp, trong đó, mật ong Tràng Kè đang được hoàn thiện hồ sơ thủ tục để cấp chứng nhận thương hiệu.

Với hơn 10 năm chuyên nuôi và cung cấp ong giống lấy mật, anh Hồ Sỹ Diện ở xóm 12 xã Mỹ Thành đã nắm rõ kỹ thuật nuôi ong.

Anh cho biết: Nuôi ong hiệu quả cao do không tốn diện tích đất, chi phí đầu tư ban đầu thấp và đặc biệt ít công chăm sóc. Hiện tại, gia đình anh có 20 tổ ong, mỗi năm thu lãi về từ 70 - 80 triệu đồng/năm.

Để đảm bảo mật ong có chất lượng, gia đình anh chỉ thu hoạch từ rằm tháng giêng đến rằm tháng 6 âm lịch, mỗi tháng 1 lần theo một quy trình nghiêm ngặt.

images2076412_mo1.jpgGia đình anh Hồ Sỹ Diện ở xóm 12 xã Mỹ Thành nuôi 20 tổ ong, mỗi năm thu lãi từ 70 - 80 triệu đồng. Ảnh: Anh Tuấn

Đối với ông Nguyễn Vĩnh Điều ở xóm 15, đến với nghề nuôi ong, ông cũng đã trải qua biết bao thăng trầm. Khởi nghiệp từ vài ba chục đàn ong mua ban đầu, nhưng do chưa có kinh nghiệm, đầu ra không ổn định nên ong hao hụt, thua lỗ.

Sau đó, được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ong theo hướng hàng hóa do Hội nông dân xã tổ chức, rồi kinh nghiệm từ thực tế, ông Điều quy hoạch lại 1 ha vườn vừa trồng cây ăn quả tạo bóng mát và áp dụng KHKT nuôi ong hiệu quả.

Đến nay, ông Điều đã có hơn 30 tổ ong, sản phẩm thu hoạch đến đâu được Hội Nông dân và HTX nông nghiệp phối hợp thu mua, bao tiêu sản phẩm nên doanh thu đạt từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Với kinh nghiệm trên 15 năm vừa nuôi ong lấy mật, vừa nhân giống ong, gia đình ông Nguyễn Vĩnh Điều ở xóm 15 xã Mỹ Thành luôn nuôi từ 30 - 50 tổ ong, nên khi địa phương xây dựng thương hiệu, có nơi thu mua, ông rất phấn khởi. Ảnh: Anh Tuấn

Tận dụng địa hình đồi núi, có độ che phủ rừng lớn, các loại hoa rừng phong phú nên 3 năm nay, trên 160 hộ nông dân xã Mỹ Thành đã mạnh dạn vay vốn đầu tư làm chuồng trại, mua ong giống và học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc để phát triển nghề.

Theo tính toán của các hộ, trung bình 1 tổ ong cho thu hoạch khoảng 10 chai mật, mỗi năm có thể lấy được từ 4-5 lần mật, với giá bán trung bình từ 120 - 150 ngàn đồng/chai, mỗi hộ có thể thu từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Từ vài, ba trăm tổ ong ban đầu, đến nay xã Mỹ Thành đã có trên 1.000 tổ ong mật, sản lượng mật đạt trên 4,5 tấn/năm, đem lại một nguồn lợi rất lớn cho người dân nơi đây.

Khi ong đóng trên vỉ kín, đều màu mật thì cho thu hoạch, mỗi tổ ong có từ 7 - 10 cầu ong, cho thu hoạch khoảng 10 chai. Mỗi năm một tổ ong có thể thu hoạch mật từ 4 - 5 đợt. Ảnh: Anh Tuấn

Hiện tại, Hội Nông dân, HTX Nông nghiệp cùng với chính quyền địa phương phối hợp với Sở KHCN Nghệ An tổ chức hội thảo xây dựng thương hiệu, giới thiệu mẫu mã bao bì, lô gô, tên miền.

Đồng thời gửi mẫu phẩm kiểm nghiệm để hoàn tất hồ sơ thủ tục đăng ký bản quyền và cấp chứng nhận thương hiệu sản phẩm.

Hội Nông dân và HTX NN Mỹ Thành đang hoàn tất hồ sơ thủ tục đăng ký bản quyền và cấp chứng nhận thương hiệu mật ong Tràng Kè. Ảnh: Anh Tuấn

Ông Nguyễn Văn Năm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành, Yên Thành cho biết: "Trong thời gian chờ đợi Cục Sở hữu trí tuệ công nhận sản phẩm thương hiệu mật ong Tràng Kè sẽ tiếp tục phối hợp với HTX Nông nghiệp thu gom, tiêu thụ sản phẩm mật ong cho bà con nông dân. Sản phẩm đã có lô gô, nhãn mác; và chúng tôi đang phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm, thủy sản để gắn tem truy xuất nguồn gốc".

Hiện mật ong Tràng Kè đang được chọn tham gia Hội chợ Công thương vùng Bắc Trung bộ để giới thiệu sản phẩm xanh khu vực hợp tác xã, làng nghề Nghệ An 2017. Qua đó, giới thiệu, quảng bá sản phẩm mật ong Tràng Kè đến người tiêu dùng.

Việc xây dựng thương hiệu mật ong Tràng Kè sẽ từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hình thành nên chuỗi sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn VSTP và các sản phẩm nông sản đặc trưng riêng biệt của Yên Thành, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.

                                  Anh Tuấn

TIN LIÊN QUAN