(Baonghean) - Vụ xuân 2017, huyện Yên Thành được đánh giá thắng lợi toàn diện về cả diện tích và năng suất. Huyện đồng thời chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho vụ hè thu. Đồng chí Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về vấn đề này.

1497871561992.jpgNông dân Yên Thành thu hoạch lúa xuân. Ảnh: Văn Trường

P.V: Với Yên Thành, sản xuất lúa là một thế mạnh và đóng vai trò quan trọng, vậy đồng chí có thể cho biết về công tác triển khai sản xuất vụ hè thu trên địa bàn? 

Đồng chí Phan Văn Tuyên: Vụ hè thu năm nay toàn huyện Yên Thành gieo cấy 12.500 ha, huyện chỉ đạo các địa phương thu hoạch đến đâu làm đất tới đó; tranh thủ gieo cấy vụ hè thu càng sớm càng tốt; bố trí cơ cấu giống, thực hiện phương châm trên một cánh đồng chỉ sử dụng 1 hoặc 2 giống có thời gian sinh trưởng tương đương nhau và mỗi xã, thị trấn không cơ cấu quá 2 - 3 giống lúa để đảm bảo quản lý dịch bệnh. Cụ thể đối với lúa lai sử dụng các giống: Thái xuyên 111, Kinh sử ưu 1588, Thụy hương 308, VT404, TH3-5, LC270. Lúa thuần sử dụng các giống: Khang dân đột biến, HN6, TBR225, Thiên ưu 8, Bắc thơm số 7, Vật tư NA2.

Đối với vùng hè thu chạy lụt: Định hướng sử dụng các giống ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày như lúa lai giống  LC270, TH3-5. Đối với vùng thấp úng (chạy lụt) toàn huyện có  khoảng 3.000 ha, phấn đấu gieo trồng để thu hoạch lúa hè thu trước ngày30/8/2017, cấy mạ non 15 ngày tuổi. Vùng vàn, vùng cao (ít bị ngập lụt hoặc không bị ngập lụt) dự kiến thu hoạch xong trước ngày 10/9/2017. 

Huyện chỉ đạo các địa phương bám sát chỉ tiêu, kế hoạch, cơ cấu và nhu cầu sử dụng phân bón, giống của các xã, thị trấn để cung ứng kịp thời, bố trí các điểm cung ứng tạo thuận lợi cho người sản xuất. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, dùng vôi xử lý đất trước khi gieo cấy; tăng cường sử dụng phân bón tổng hợp NPK như: 16-16-8 để bón lót và NPK giàu Kali 15:5:20 để bón thúc để giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh hại. Tổ chức bón thúc sớm, bón đủ lượng phân và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn để cây trồng sinh trưởng, phát triển ngay từ đầu. Sử dụng đúng loại phân theo từng thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng.

Huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho bà con nông dân về cơ cấu giống sản xuất và các loại phân bón; đồng thời khuyến cáo bà con không sử dụng các loại giống lúa chưa rõ nguồn gốc trên thị trường mà huyện không đưa vào cơ cấu. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện tăng cường phối hợp với các đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh tiến hành  kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm; giao các hợp tác xã cung ứng vật tư phân bón, giống đảm bảo chất lượng cho bà con xã viên. Ngoài ra, tổ chức liên kết với một số doanh nghiệp tổ chức liên kết sản xuất cánh đồng lớn bằng các giống lúa năng suất, chất lượng cao tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. 

P.V: Để nâng cao giá trị của sản phẩm và đạt kế hoạch đặt ra cho sản xuất vụ hè thu, huyện có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Văn Tuyên: Huyện tập trung thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo chính xác tình hình phát sinh của dịch hại trên từng loại cây trồng ngay từ đầu vụ để khuyến cáo, hướng dẫn tập trung chỉ đạo phòng trừ hiệu quả, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp tục thực hiện và mở rộng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác bảo vệ thực vật như chương trình hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI), chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM, ICM), sản xuất theo mô hình VietGAP và các mô hình phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tăng hiệu quả sản xuất.

Huyện còn thực hiện tốt cơ chế chính sách của tỉnh hỗ trợ giống cây trồng, trích ngân sách hỗ trợ xây dựng một số mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hiệu quả cao. Các xã, thị trấn tiếp tục hỗ trợ các mô hình từ nguồn kinh phí hỗ trợ đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP để lựa chọn các mô hình, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp triển khai thực hiện. Trích ngân sách để xây dựng các mô hình ứng dụng KHKT và hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích bị hạn.

Tăng cường công tác chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo sản xuất được triển khai một cách đồng bộ, bài bản và linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng vùng, trong từng thời điểm. Cụ thể là thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất vụ hè thu năm 2017 do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách nông nghiệp làm trưởng ban, đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp và  PTNT làm phó ban trực, ban viên là đại diện trưởng các ban, ngành cấp huyện và các phòng liên quan. Ban chỉ đạo căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao để tổ chức thực hiện, phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp các địa phương để chỉ đạo thực hiện theo Quyết định của UBND huyện; đồng thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo báo cáo về Thường vụ Huyện ủy phụ trách cụm, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện phụ trách điểm... 

Gieo cấy lúa hè thu ở xã Hoa Thành (Yên Thành). Ảnh: Văn Trường

P.V: Xin đồng chí cho biết, vụ hè thu thường khó khăn về nguồn nước tưới, vậy huyện có những hành động ra sao để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất?

Đồng chí Phan Văn Tuyên: Để đảm bảo nước tưới cho sản xuất hè thu, ngay từ đầu vụ, huyện chỉ đạo các xã rà soát, cân đối lại nguồn nước để bố trí diện tích gieo cấy và lập phương án sử dụng nước cụ thể cho từng vùng; đảm bảo đủ nước gieo cấy, chăm sóc cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt; không gieo cấy lúa ở những vùng không đảm bảo đủ nước tưới để sản xuất. Cùng đó, tiến hành tu sửa hồ đập, kênh mương, bờ vùng, bờ thửa, nạo vét thông thoáng kênh mương, đắp chặn các trục tiêu nội đồng để tận dụng lượng nước, sử dụng nước tiết kiệm và chú ý nước mưa tiểu mãn bổ sung cho các hồ đập.

Vùng hồ đập, huyện chỉ đạo các xã tập trung triển khai ngay các giải pháp quản lý công trình, điều hành tưới một cách tiết kiệm nhất. Chủ yếu tưới theo phương châm “xa cao tưới trước, gần thấp tưới sau”. Tưới theo chu kỳ sinh trưởng của cây lúa, chủ yếu để dành nước tưới lúa vào giai đoạn làm đòng, trổ bông.  

Huyện phối hợp với Xí nghiệp Thuỷ lợi lên kế hoạch phân phối nước hợp lý, đảm bảo tiết kiệm. Các địa phương chủ động xây dựng phương án chống hạn cụ thể ngay từ đầu vụ sản xuất. Những vùng xét thấy không đủ nước tưới suốt vụ (vùng cao cưỡng, vùng cuối kênh, khu tưới các hồ đập nhỏ) thì chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao. Kiểm tra, rà soát lại các trạm bơm điện, bơm dầu, có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm để đảm bảo bơm phục vụ tưới và chống hạn kịp thời khi nắng nóng kéo dài. 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Văn Trường 

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN