(Baonghean.vn) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh ủy trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành sáng 28/6 về các nội dung phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

images1938353_bt3.jpgToàn cảnh cuộc làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Nguyên Sơn

Sáng 28/6, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng các ban ngành về một số nội dung quan trọng. Dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy: Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Quang Huy, Nguyễn Văn Thông cùng các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, các Phó chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các Ban và Văn phòng Trung ương Đảng cùng các sở, ngành.  

Trong phiên họp, UBND tỉnh báo cáo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2017; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm trên địa bàn Nghệ An ước đạt 6,9%, cao hơn cùng kỳ những năm gần đây (cùng kỳ năm 2014 là 6,37%; năm 2015 đạt 6,51%; năm 2016 đạt 6,61%).

Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Các lĩnh vực nông lâm, thủy sản, công nghiệp, dịch vụ - thương mại đều có tăng trưởng khá.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 5.634 tỷ đồng, đạt 48,6% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2016. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, du lịch, quốc phòng an ninh đạt nhiều kết quả quan trọng.

Đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017. Ảnh: Nguyên Sơn

Công tác an sinh xã hội được quan tâm, công cuộc xóa đói, giảm nghèo được chú trọng; xây dựng nông thôn mới ở các địa phương được đẩy mạnh với sự hỗ trợ của Nhà nước và vào cuộc tích của nhân dân; hiện có 152 xã trên địa bàn tỉnh đạt 19/19 tiêu chí, có 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Một số ý kiến đặt vấn đề liệu trong năm 2017, Nghệ An có đạt mục tiêu tăng trưởng 8-9%? Theo phân tích của các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của người dân, kỳ vọng năm nay sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, điều đó phụ thuộc rất lớn vào những chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm như: VSIP Nghệ An, Hemaraj, dự án xi măng, thủy điện, cảng Nghi Thiết, cảng xăng dầu CKD… nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cùng đó, phát huy hết công suất của các nhà máy đang hoạt động, như: Nhà máy sữa, bia, dệt may, gỗ MDF…

Sản xuất công nghiệp có những chuyển biến tích cực. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất ván nhân tạo từ gỗ rừng trồng của nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu

Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, bởi 2 năm trước tỉnh Nghệ An chưa đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GRDP hàng năm theo kế hoạch. Và nếu năm nay tiếp tục không đạt tốc độ tăng trưởng 8-9% sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đặt ra.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho các cấp ngành phải tập trung xây dựng, cũng cố hệ thống chính trị tại cấp xã; Đẩy mạnh việc học tập và làm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12; Tăng cường công tác cải cách hành chính ở mọi cấp.

"Nếu chậm cải cách hành chính sẽ cản trở sự phát triển. Vì vậy, tỉnh sẽ chỉ rõ những đơn vị, địa phương chậm trễ trong lĩnh vực này và gắn với trách nhiệm với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương" - Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh giao nhiệm vụ cho các cấp ngành tích cực cải cách hành chính, tập trung cao cho mục tiêu phát triển. Ảnh: Nguyên Sơn

Bên cạnh đó, các cấp ngành cần tăng cường đôn đốc đẩy mạnh phát triển các dự án công nghiệp và chú trọng phát triển nông nghiệp, phải ổn định đầu ra cho nông dân, gắn chế biến nâng cao giá trị nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Ban thường vụ tỉnh ủy cũng đánh giá 10 năm thực hiện nghị quyết TW 4(khóa X) về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn Nghệ An. Lĩnh vực này, tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU đề ra mục tiêu cụ thể về Chiến lược biển của tỉnh Nghệ An đến  năm 2020 là: Phấn đấu vùng biển và ven biển tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 15%; GDP gấp 1,5 lần của cả tỉnh; tỷ lệ phát triển dân số 0,96%; giải quyết việc làm hàng năm 15.000 người; hình thành một số sản phẩm mũi nhọn có giá trị xuất khẩu cao và ổn định; năm 2020 chế biến 15.000 tấn hải sản xuất khẩu.

Qua thực hiện nghị quyết, GDP bình quân vùng biển giai đoạn 2006-2016 tăng 8,29%  cao hơn mức bình quân toàn  tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của nhân dân các vùng biển Nghệ An bằng 1,28 lần bình quân chung toàn tỉnh.

Vùng ven biển Nghệ An đang phát triển đánh bắt, nuôi trồng. Vấn đề quan trọng cần gắn kết với chế biến nâng cao giá trị. Trong ảnh: Ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) sửa sang ngư lưới cụ cho chuyến vươn khơi tiếp theo. Ảnh: Đức Anh

Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu các cấp ngành tiếp tục triển khai các giải pháp để thúc đẩy kinh tế biển Nghệ An phát triển, trên cơ sở đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ dân sinh, tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ biển đảo, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh, tạo sự ổn định cho vùng ven biển…

Trong sáng 28/6, Ban thường vụ Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về các đề án phát triển Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghe và cho ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn Nghệ An đến năm 2020./.

Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN