Trên diện tích 1 ha vùng đồi ở xóm Nhân Tiến, xã miền núi Tiến Thành, trước đây gia đình ông Trần Đình Thuội thường trồng dứa và cây lâm nghiệp nguyên liệu giấy, nhưng hiệu quả không cao. Nhận thấy thị trường cây ăn quả có nhiều tiềm năng, mấy năm nay, gia đình ông đã quyết định cải tạo, quy hoạch lại vườn đồi, chặt bỏ những cây trồng kém hiệu quả, thay thế vào đó bằng 500 gốc cam sành.
Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quy trình chăm bón, vườn cam của gia đình ông phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại. Vào mùa thu hoạch cây sai quả, chín vàng mọng, đảm bảo các yếu tố về chất lượng sản phẩm, được thương lái từ nhiều nơi tìm về thu mua ngay tại vườn với giá ổn định.
Ông cho biết, mặc dù đã trồng nhiều loại cây ăn quả, nhưng chưa có loài cây nào đưa lại giá trị kinh tế bằng cây cam sành. Vườn cam của gia đình đã trồng được 5 năm và bắt đầu cho quả ổn định, năm 2018 vừa qua, mỗi gốc cam đã cho thu nhập trên 700 ngàn đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Đại - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành, để phát huy tiềm năng lợi thế của xã vùng bán sơn địa, thời gian qua chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích người dân phát triển mô hình này, trong đó lĩnh vực chuyển giao tiến bộ KHKT đóng vai trò quan trọng. Vừa mở rộng diện tích nhưng phải quan tâm đến thị trường đầu ra sản phẩm, tạo tâm lý yên tâm cho người dân, từng bước xây dựng thương hiệu cam sành địa phương.
Đặc biệt sản phẩm cam Đồng Thành đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý”. Đây là điều kiện thuận lợi giúp sản phẩm cây ăn quả có múi của huyện Yên Thành có thêm thương hiệu, nhằm quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, toàn huyện Yên Thành có khoảng gần 500 ha cam, quýt, bưởi da xanh, trong đó cam Yên Thành được cấp chứng nhận VietGAP. Để quản lý, khai thác tốt thương hiệu này, huyện đã tập trung tuyên truyền vận động người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi nông sản sạch theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đem lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Theo đó trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, trước hết làm tốt công tác quy hoạch trồng cây ăn quả có múi theo vùng, phù hợp đất đai, khí hậu; thực hiện các giải pháp về khoa học công nghệ, phát triển các giống có chất lượng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối thị trường để sản phẩm cây ăn quả có múi có đầu ra ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, rút kinh nghiệm ở một số địa phương trong tỉnh về thực trạng đưa cây có múi vào sản xuất đại trà, dẫn đến được mùa, rớt giá, sản phẩm đầu ra thường bấp bênh.
Vì thế, sau khi tổ chức công bố quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, một số xã vùng đồi sẽ được huyện bố trí trồng phù hợp. Song song với đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KH-KT, áp dụng sản xuất bằng công nghệ cao, huyện sẽ tổ chức các đợt tham quan các mô hình trồng cam có hiệu quả, để từ đó giúp người dân có thêm kiến thức và kinh nghiệm để xây dựng mô hình phù hợp, đồng thời áp dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ trong việc phát triển mô hình cũng như đẩy mạnh xúc tiến các dự án trồng cây có múi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Việc khuyến khích người dân làm giàu từ cây có múi trên các vùng đồi bãi, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp là mục tiêu của các cấp chính quyền huyện Yên Thành đang hướng tới.
Hy vọng, với những thành công bước đầu đạt được, cùng với chính sách hỗ trợ của huyện, sự nỗ lực làm giàu của các hộ nông dân, huyện Yên Thành sẽ đạt được bước tiến mới trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân.