(Baonghean) - Thời tiết nắng nóng cùng với việc kiểm soát chất lượng thực phẩm còn hạn chế nên ở huyện Yên Thành xảy ra khá nhiều ca ngộ độc. Một số trường hợp bị ngộ độc thực phẩm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Ngày 1/6, sau khi ăn dưa hấu mua ngoài quán được khoảng gần 1 giờ đồng hồ, chị Hoàng Thị Lương (46 tuổi) ở xóm Đồng Xuân, xã Đồng Thành (Yên Thành) và mẹ có dấu hiệu đau đầu, nôn mửa, được người nhà đưa ngay vào Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành cấp cứu và điều trị. Mặc dù sức khỏe chưa thực sự hồi phục nhưng tính mạng 2 mẹ chon chị Lương đã qua nguy kịch. Đây chỉ là 1 trong số hơn 20 ca nhập viện trong thời gian gần đây vì ngộ độc thực phẩm.
 
image_272149.jpgĐoàn kiểm tra liên ngành huyện Yên Thành kiểm tra VSATTP tại khu vực chợ Thị trấn Yên Thành.
 
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Yên Thành, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện gần 300 ca ngộ độc thực phẩm, trong đó chủ yếu tập trung vào các tháng 3: 70 ca, tháng 4: 74 ca, và tháng 5 gần 80 ca ngộc độc do ăn thuỷ, hải sản, thức ăn ôi thiu và hoa quả không rõ nguồn gốc. Để  nâng cao hiểu biết của người dân, trong thời gian qua các trạm y tế cơ sở cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân cẩn thận trong ăn uống. Ông Tạ Đình Uý, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thọ Thành cho biết: “Trạm đã tổ chức tuyên truyền với hình thức, trong đó có tư vấn trực tiếp với những bệnh nhân đến khám tại trạm, và các kênh thông tin trên các phương tiện lồng ghép ở tổ cộng đồng, cộng tác viên y tế xóm, giúp nhân dân thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Vừa rồi có 8 ca bị ngộ độc thực phẩm nhưng trạm đã chữa trị kịp thời, không phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”.
 
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mùa hè thường xảy ra ngộ độc thực phẩm vì thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Trong mùa hè, nguy cơ ngộ độc cao từ thức ăn có nguồn gốc động vật nếu không được chế biến, nấu kỹ hoặc bảo quản không cẩn thận. Bác sỹ chuyên khoa I, Trần Đức Linh, Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Yên Thành khuyến cáo: “Ngộ độc có thể từng cá nhân một hoặc nhiều người. Mức độ nhẹ, bệnh nhân chỉ đau đầu chóng mặt, nặng là biểu hiện đau bụng nôn mửa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần kèm theo  biến chứng hạ thân nhiệt, truỵ tim mạch do mất nước, mất điện giải. Thời gian ủ bệnh có thể bị ngay hoặc một vài ngày sau khi ăn. Vấn đề cốt lõi để phòng ngộ độc là chúng ta nên sử dụng thực phẩm sạch, ăn chín, uống sôi. Nếu bị ngộ độc nhẹ nên uống nhiều nước, nhất là nước đun sôi để nguội, hoặc gạo rang, orezon; còn nặng cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời”.
 
Quỳnh Trang 
(Đài Yên Thành)