(Baonghean) - Nằm ở vùng trung tâm huyện, xã Phúc Sơn (Anh Sơn) từng là chiếc nôi của phong trào đấu tranh cách mạng, đặc biệt là trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 70 năm về trước. Ngày nay, vùng quê này đã có những bước tiến dài trong công cuộc đổi mới, đời sống nhân dân đang đổi thay từng ngày.

Ngôi nhà nhỏ của thầy Nguyễn Trọng Hùng (gần 80 tuổi) ở Khối 4- Thị trấn Anh Sơn mấy hôm nay đông khách hơn ngày thường. Dịp này, người dân Phúc Sơn thường đưa con cháu đến để được nghe thầy Hùng kể về truyền thống quê hương, về những ngày đấu tranh gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang và anh dũng. Những ngày cách mạng Tháng Tám nổ ra, Nguyễn Trọng Hùng còn là một cậu bé, ký ức không lưu giữ được gì nhiều. Khi trở thành thầy giáo trường huyện (giáo viên bộ môn Văn, Trường THPT Anh Sơn 1), thầy Hùng bắt đầu có ý thức sưu tầm, ghi chép các tư liệu về lịch sử quê hương. Ngoài giờ lên lớp, thầy thường dành thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với các vị lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa để có được những tư liệu giá trị và bổ ích. Vì cuộc đời con người luôn có giới hạn, không kịp thời ghi lại chắc hẳn sẽ có một “khoảng trống” cho mai sau. Cứ thế, năm này qua năm khác, nhà giáo Nguyễn Trọng Hùng lặng lẽ tìm hiểu, ghi chép và lưu giữ cho đến tận hôm nay. Và giờ đây, nguồn tư liệu ấy trở thành vốn quý để góp phần giáo dục về truyền thống quê hương.
images1375708_dsc_2554.jpgLàng quê Phúc Sơn (Anh Sơn) đã có nhiều đổi thay, khởi sắc.
Theo tư liệu của nhà giáo Nguyễn Trọng Hùng, vào ngày 15/8/1945, nhận được tin Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, Việt Minh liên tỉnh phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền về các huyện. Tiếp được mệnh lệnh, ngày hôm sau Phủ ủy Việt Minh tổ chức bàn định kế hoạch thực hiện, thành lập Ủy ban khởi nghĩa gồm 7 người do đồng chí Phan Hoàng Tiêm và Nguyễn Trung Lục phụ trách. Ngày 18/8, Việt Minh Anh Sơn tổ chức cuộc biểu tình nhằm mục đích tập hợp quần chúng và thăm dò thái độ của Nhật. Rạng sáng hôm ấy, trên khắp các ngả đường, nhân dân Yên Phúc (nay là xã Phúc Sơn) và các tổng tràn về sân vận động trung tâm (Thị trấn Đô Lương ngày nay) để tham gia cuộc mít tinh. Trên lễ đài, đồng chí Phạm Như Cương đứng lên diễn thuyết, hàng vạn quần chúng hướng lên nghe từng lời kêu gọi nhất tề đứng lên bẻ gãy xiềng xích, giành lấy tự do của đại diện Việt Minh. Rồi tất cả cùng hô vang “Độc lập muôn năm!”. Một tốp lính Nhật kéo đến xin gặp người chỉ huy để thương lượng, đồng chí Phạm Như Cương trả lời dứt khoát: “Nhân dân chúng tôi đứng lên đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến Nam triều, Nhật đã đầu hàng đồng minh nên các ông đừng can thiệp”. Thấy đội ngũ quần chúng điệp trùng và đầy dũng khí, lính Nhật không dám manh động, một lúc sau lục tục kéo đi. Quần chúng hồ hởi trở về trong niềm vui thắng lợi và tiếp tục chuẩn bị khẩn trương cho ngày tổng khởi nghĩa. 
 
Lúc bấy giờ, vùng Đặng Thượng, nơi có đồn Kim Nhan là điểm tập trung đông lính Nhật. Vì vậy, Phủ uỷ Việt Minh Anh Sơn quyết định trực tiếp chỉ đạo việc đánh chiếm để vô hiệu hoá lực lượng này và làm lung lay tinh thần của bọn hào lý quanh vùng. Theo kế hoạch, đêm 22/8/1945, trong tiếng trống, mõ và thanh la, các đội Tự vệ của Yên Phúc và các làng trong tổng chia thành 4 hướng tiến vào đồn địch. Trước khí thế chiến đấu của lực lượng tự vệ cách mạng, cai và lính đồn Kim Nhan phải hạ vũ khí đầu hàng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên cổng đồn báo hiệu căn cứ quân sự lớn nhất của địch ở Anh Sơn đã nằm trong tay cách mạng. Cùng lúc đó, hàng vạn quần chúng từ Quan Lãng xuống, từ Tri Lễ, Đại Điền lên, từ Lãng Điền, Hội Tiên qua tràn vào chứng kiến cảnh địch đầu hàng vô điều kiện, sau đó trở về các địa phương tiếp tục đấu tranh đánh đổ bọn hào lý, giành chính quyền. Toàn bộ hệ thống chính quyền địch từ tổng đến làng trong vùng Đặng Thượng về tay Việt Minh, Uỷ ban Cách mạng lâm thời được thành lập do đồng chí Nguyễn Bá Huỳnh làm chủ tịch. Tiếp sau đó, các đồn trong phủ Anh Sơn lần lượt được giao nộp vũ khí cho cách mạng. Riêng ở Yên Phúc, sau khi chiếm được đồn Kim Nhan, quần chúng nhân dân trở về làng mình để tiếp tục đấu tranh giành chính quyền. Hào lý ở Yên Phúc nhanh chóng đầu hàng và giao nộp toàn bộ ấn tín, sổ sách cho lực lượng cách mạng. Trên cơ sở đó, Ủy ban cách mạng lâm thời làng Yên Phúc được thành lập, gồm 5 đồng chí: Đặng Quang Giao (Chủ tịch), Nguyễn Văn Phớt, Đặng Đình Đàn, Đặng Quang Giận và Nguyễn Như Hòe. Sáng 23/8, người dân Yên Phúc hòa cùng hàng vạn quần chúng khắp trong vùng kéo về phủ đường Anh Sơn chứng kiến giờ phút huy hoàng trong lịch sử đấu tranh cách mạng. Tại đây, chính quyền cách mạng lâm thời chính thức ra mắt nhân dân, đánh dấu việc xoá bỏ vĩnh viễn của chế độ thực dân - phong kiến. Niềm vui chiến thắng vỡ oà, tất cả hoà chung niềm phấn khởi bởi đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập. Như vậy, có thể nhận thấy làng Yên Phúc nói riêng, tổng Đặng Thượng nói chung là nơi khởi nghĩa và giành được chính quyền sớm nhất ở phủ Anh Sơn. Điều đó khẳng định tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm và khí thế của quần chúng cách mạng, góp phần xây đắp niềm tự hào và truyền thống vẻ vang của mảnh đất quê hương.
 
Chúng tôi về vùng đất Yên Phúc xưa khi những cánh đồng lúa bắt đầu ngả sang màu vàng. Vụ hè- thu năm nay đang hứa hẹn thắng lợi, niềm vui hiện hữu trên từng ánh mắt, nụ cười của bà con nông dân Phúc Sơn. Bãi ngô chạy dọc theo triền sông Lam xanh ngát một màu, hàng năm mang về một nguồn thu lớn, giúp ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Từ đồng bãi bước về làng, những con đường đều đã được trải nhựa hoặc đổ bê tông phẳng lỳ, bao em nhỏ đang tung tăng đến lớp. Làng quê Yên Phúc đã chứng kiến bao sự đổi thay, những ngôi nhà khang trang liên tiếp được “mọc” lên, điểm tô cho sự bình yên và trù phú của một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt từ 11 - 12%, bình quân thu nhập đạt hơn 28 triệu đồng/người/năm, Phúc Sơn đang vươn lên trên đà phát triển ổn định và bền vững. Và thêm một điều đáng tự hào, năm 2004 xã Phúc Sơn được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là sự ghi nhận xứng đáng công lao, trí tuệ và cả sự hy sinh của bao thế hệ người dân làng Yên Phúc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. 
 
Hiện tại, cán bộ và nhân dân Phúc Sơn đang nỗ lực trên hành trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đến nay cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) đều có trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm thường xuyên, Phúc Sơn đã được công nhận đạt bộ tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế. Do địa bàn rộng, tiếp giáp với nước bạn Lào và các huyện Con Cuông, Thanh Chương và các xã Long Sơn, Vĩnh Sơn, Hội Sơn  và Thị trấn nên việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gặp không ít khó khăn. Nhưng tính đến thời điểm hiện nay, Phúc Sơn đã đi được nửa chặng đường xây dựng nông thôn mới. 
 
Ở miệt trung du Anh Sơn,  Phúc Sơn còn gợi nhắc về một vùng quê hiếu học và học giỏi. Mảnh đất đất này thời nào cũng có người học hành và đỗ đạt thành tài, góp phần làm rạng danh quê hương. Có một thời, khi kinh tế còn khó khăn, cái đói, cái nghèo luôn đe dọa, không mấy gia đình dám cho con cái theo đuổi sự học đến cùng. Vậy mà, con em Yên Phúc vẫn được học lên cao, ra trường làm thầy cô giáo, đem cái chữ đến “thắp sáng” những vùng quê nghèo. Bao đời nay, các thế hệ người dân Phúc Sơn luôn nhắc nhở cháu con dù có thể thiếu ăn, thiếu mặc nhưng nhất quyết không để thiếu cái chữ. Vì đói nghèo không ai chê, nhưng thiếu cái chữ sẽ bị thiên hạ chê cười. Hiện nay, hàng năm Phúc Sơn có trên 50 em trúng tuyển vào các trường đại học trên toàn quốc, phần lớn là các trường đứng ở tốp đầu. 
 
Về mảnh đất Yên Phúc xưa, chúng tôi ghé núi Kim Nhan- nơi từng được biết đến bởi sự đàn áp dã man của lính Pháp và Nhật trong những năm tháng rên xiết dưới gông cùm nô lệ. Dưới chân núi là những trang trại thu nhập cao, những ao cá, vườn đồi, vườn cam chín mọng đang mời gọi. Khách phương xa và những người lớp sau không thể hình dung nơi đây một thời tua tủa từng dãy thép gai “đâm nát trời chiều”, với những họng súng đen ngòm chĩa ra tứ phía, và bao nhiêu người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh một mất, một còn.
 
 Theo con đường nhựa dẫn vào Cao Vều, chúng tôi vào dải đất biên cương, nơi từng là “căn cứ địa” của phong trào cách mạng ở Yên Phúc. Xưa, núi đồi hiểm trở, rừng thiêng nước độc nên cán bộ cách mạng và quần chúng nhân dân thường chọn Cao Vều làm nơi trú ẩn mỗi khi địch truy tìm và khủng bố gắt gao. Có thời điểm gần như toàn bộ làng Yên Phúc vào đây dựng lều lán để sơ tán, tránh sự đàn áp của lính Pháp và lính khố xanh. Nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, những cánh rừng hoang vu giờ bạt ngàn cây cao su đang tích dòng nhựa trắng. Chỉ mấy năm nữa thôi, dòng nhựa trắng ấy sẽ trở thành nguồn thu nhập, đồng bào Thái ở Cao Vều sẽ có thêm việc làm, có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Cửa khẩu thông thương với nước bạn Lào đã được xây dựng, vấn đề bây giờ là thúc đẩy quá trình giao thương để khai thác tiềm năng, lợi thế. Và điều quan trọng hơn nữa là xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, đảm bảo tính lâu dài và bền vững.
 
Rời Yên Phúc khi sắc nắng mùa Thu dát vàng lên đỉnh Kim Nhan, tiếng hát, tiếng trống duyệt đội của lũ trẻ rộn ràng như nói hộ niềm vui trong lòng mỗi người dân nơi đây trước những đổi thay của quê hương cách mạng...
 
CÔNG KIÊN