(Baonghean) - Hồi mình còn bé, nhà ở dọc kênh Bắc thành phố nên chiều nào hai bà cháu cũng thơ thẩn dắt nhau đi dạo dạo bờ kênh hóng gió. Hồi ấy, vị trí “đắc địa” của nhà mình là cả một niềm ao ước đối với bọn bạn cùng lớp. Nhà mặt đường thì bụi bặm, ồn ào; nhà trong ngõ nhỏ thì đường sá chật chội, từ sau chập chiều là ai về nhà nấy khoá cửa kín bưng, buồn hiu. Duy có mình ở dọc bờ đê vừa được nhìn đường phố tấp nập, đông vui nhưng vừa có con kênh là “tấm lá chắn” khỏi những xô bồ thái quá…

Tôi nhớ mùa hè năm tôi vào lớp Một, lần đầu tiên được ra thăm Thủ đô Hà Nội. Đến với nhiều điểm tham quan nhưng ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là Quảng trường Ba Đình và lăng Bác. Lúc đó, tôi đứng ngẩn ngơ giữa công trình trang nghiêm, vĩ đại thủ thỉ với mẹ: “Giá ở quê mình cũng có quảng trường để chúng ta được thấy Bác hàng ngày như thế này mẹ nhỉ!”. Thế rồi chẳng bao lâu sau, mơ ước của tôi thành hiện thực…
images1376302_qua_ng_tru_o__ng.jpgQuảng trường Hồ Chí Minh (Thành phố Vinh).
Năm 2000, cả tỉnh xôn xao, bàn tán không ngớt về Quảng trường Hồ Chí Minh chuẩn bị được xây dựng ngay tại vị trí trung tâm nhất của thành phố. Vui mừng có, xúc động có, nhưng hơn hết thảy là sự tự hào của những người con trên quê hương Bác Hồ. Những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, quảng trường là một công trình còn mới mẻ với người dân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, chỉ một vài thành phố lớn mới có quảng trường. Qua sách vở và những bài học lịch sử, khái niệm “quảng trường” trong tôi gắn liền với những ý nghĩa hết sức to lớn. Đó là quảng trường Đỏ với cách mạng Tháng Mười Nga chấn động địa cầu. Đó là quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ - điểm đến của sự thành công và biểu tượng cho sự tiến bộ, phát triển không ngừng của thế giới. Đó là quảng trường Cộng Hoà ở Paris, Pháp - chứng nhân của nhiều thăng trầm, biến cố trong lịch sử đất nước lục giác, cũng là nơi ghi dấu lại những bước phát triển của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc đáng kinh ngạc…Và hơn cả, tôi không thể nào quên cảm giác xúc động, tự hào nhưng cũng rất đỗi thân thương khi đứng trước lăng Bác ở Quảng trường Ba Đình. Sau này, được cô giáo giảng giải rằng đó là nơi mà Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập, sự tôn kính và tình cảm gắn bó trong tôi lại càng tăng lên bội phần. Rồi đây, thành phố nơi tôi sống cũng có quảng trường, lại được mang tên của Bác, còn gì tự hào hơn đối với mảnh đất quê hương Người nữa?
 
Sau ba năm thi công, quảng trường rộng 11ha với hơn 30 hạng mục đã hoàn thành, trở thành quần thể kiến trúc nổi bật nhất - điểm sáng giữa trung tâm thành phố. Đặt tại vị trí trang trọng nhất công trình là tượng đài Bác Hồ trong tư thế giơ tay vẫy chào hết sức gần gũi, thân thương. Trước mặt Bác là sân diễu hành với đường diễu hành và 99 ô cỏ xanh mướt, trải rộng tít tắp. Sau lưng là mô hình mô phỏng núi Chung, được đắp nên bằng đất được lấy từ chính ngọn núi Dơi quê Bác, nơi mẹ Người yên nghỉ. Ban ngày, Quảng trường Hồ Chí Minh như một không gian xanh, đem lại làn gió mới mát lành cho thành phố đang rục rịch từng bước chuyển mình. Đêm về, dưới ánh sáng của 79 ngọn đèn tượng trưng cho 79 mùa xuân của Người, người dân Thành phố Vinh quây quần về đây. Những đêm hè trăng lên, gió mát, bầy trẻ thơ thả lên trời những con diều nhỏ. Cánh diều chao liệng, núi Chung hiền hoà nằm im ắng, cây lá rì rào xôn xao - tất cả tạo nên một không gian rất đỗi thân thương, quen thuộc, gợi nhớ về tuổi thơ và làng quê. Chính tuổi thơ của Bác Hồ cũng gắn liền với những điều giản dị, mộc mạc ấy. Có lẽ vì thế mà Quảng trường Hồ Chí Minh - hơn cả sự rộng lớn, hùng vĩ, trang nghiêm toát lên từ tầm vóc công trình - mang đến cho người ta cảm giác dung dị, gần gũi ngay từ lần đầu đặt chân đến đây. 
 
Sau này đi học ở nước ngoài, có những đêm trở mình tỉnh giấc, thấy mắt ướt nhoà vì giấc mơ đưa tôi về lại thành phố quê nhà yêu thương. Trong mơ, tôi thấy mình chợt bé lại, được cùng với bạn bè, thầy cô đến dâng hương, dâng hoa trước tượng đài Bác ở Quảng trường Hồ Chí Minh, báo với Bác rằng năm học qua chúng tôi đã chăm ngoan như thế nào, đạt được nhiều thành tích ra sao. Rồi tôi lại thấy bà và mẹ nắm tay tôi đi giữa những ô cỏ xanh mướt vào những đêm mát trời, tôi hồn nhiên ngửa mặt lên trời, tâm hồn lơ lửng bay theo những cánh diều no gió. Khi tỉnh lại, thấy cô độc mình tôi ở nơi xa lạ, không một khuôn mặt thân quen, chút cảm giác tủi hờn thoáng nổi gió trong tâm hồn…
 
Đó là những ngày tháng rất dài và rất xa mà tôi đi qua. Tôi đã vượt qua như thế nào, có lẽ chính bản thân tôi cũng khó mà trả lời được. Chỉ nhớ rằng có những lần tưởng như gục ngã vì sự yếu đuối và cô đơn, tôi đến ngồi trước sân vận động của trường, nơi treo quốc kỳ của các quốc gia có học sinh theo học tại đây. Chính thầy hiệu trưởng đã tiết lộ với tôi rằng lá cờ Việt Nam được treo lên đúng vào ngày tôi nhập học, bởi trước đó trong trường không có học sinh nào là người Việt Nam cả. Đó là niềm an ủi lớn nhất, cũng là nguồn động viên, chỗ dựa tinh thần duy nhất cho tôi khi bỡ ngỡ đặt chân đến vùng đất lạ. Ngồi dưới bóng cờ đỏ sao vàng, tôi lẩm nhẩm hát Quốc ca - những lời ca là chiếc vé diệu kỳ vượt không gian và thời gian, đưa tôi về với trường xưa, lớp cũ, với những sớm mai nào cùng chúng bạn đứng hát dưới cờ. Và tôi cũng về lại với những lần được tham gia diễu hành, thực hiện Nghi thức Đội dưới chân tượng đài Bác, dưới bóng cờ Tổ quốc ở Quảng trường Hồ Chí Minh. Cứ thế, tôi tiếp tục đi trên con đường xa lạ và lẻ loi mà mình đã chọn, đôi khi thoáng sợ hãi nhưng mối dây gắn kết tôi với quê hương đã giữ cho tôi được thanh thản và bình yên. 
 
Khi tôi trở về, Quảng trường Hồ Chí Minh đã không còn là một công trình mà tầm vóc gây bỡ ngỡ, choáng ngợp cho người dân thành phố cũng như quan khách đến thăm như buổi ban đầu nữa. Phần vì xã hội phát triển không ngừng, nhiều thành phố trên cả nước giờ đã có quảng trường và nhiều công trình với quy mô ngày một lớn hơn. Nhưng cơ bản là đi qua thời gian, Quảng trường Hồ Chí Minh bây giờ đã trở thành một phần thiết yếu, tự nhiên và không thể tách rời của thành phố. Đến với quê hương Bác Hồ, đến với Thành phố Vinh, người ta không thể không tìm đến Quảng trường Hồ Chí Minh, cúi đầu trước tượng Bác và nghe lòng mình lắng lại những yêu thương, xúc động. Còn với người dân thành phố, đã từ lâu, tản bộ ở quảng trường, xem vòi phun nước, hóng gió trên núi Chung,…đã trở thành những thói quen đời thường. Quảng trường còn là nơi diễn ra những sự kiện văn hoá trọng thể như những đêm hội với chủ đề hướng về làng Sen, về Bác Hồ, về đoàn kết các dân tộc anh em. Gần đây nhất, ở Quảng trường Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Còn gì vui sướng và tự hào hơn khi sự kiện trọng thể đó được Bác Hồ kính yêu chứng kiến - bởi Bác cũng là một người con sinh ra và lớn lên từ cái nôi và lời ru của người mẹ ví, giặm. Những làn điệu quê hương từng nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của Người, nay được cả thế giới ghi nhận, tôn vinh và gìn giữ…
 
Trong những ngày thu lịch sử, Quảng trường Hồ Chí Minh đông đúc hơn, đón nhiều đoàn khách về thăm hơn. Những người con từ mọi miền đất nước lại hướng về đây như tìm về một cõi thiêng, tìm về mảnh đất cội nguồn của vị cha già dân tộc đã khai sinh ra đất nước từ trong bóng đêm lầm than. Dưới tượng đài Bác, dưới bóng cờ Tổ quốc, làm sao có thể không vỡ oà niềm vui chung với mùa thu cách mạng của dân tộc, nối dài đến mai sau bằng những mùa thu mới - ngày một giàu đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong mỏi. Không còn là đứa con xa, tôi buông nhẹ tâm hồn vào một chiều đầu thu, hoà vào dòng người về thăm quảng trường. Ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, bất giác lẩm nhẩm câu hát: “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…”. Hay chính là hồn tôi, hồn người Việt đều đã hoá thân vào lá cờ anh hùng ấy, gắn kết bằng màu máu đỏ, da vàng, bằng hai tiếng: Việt Nam. 
 
Bài, ảnh: Thục Anh