Đây là những vụ đụng độ đầu tiên kể từ khi lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian có hiệu lực cùng ngày tại thành phố này.
Những vụ đụng độ này xảy ra chỉ vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian có hiệu lực, trong khuôn khổ thỏa thuận mà các phe đối địch đã nỗ lực đạt được tại vòng hòa đàm diễn ra ở Thụy Điển từ ngày 6-14/12.
Sau khi các phe đối địch nhất trí ngừng bắn tại Hodeida, Đặc phái viên Liên hợp quốc Martin Griffiths kêu gọi thiết lập “một cơ chế giám sát mạnh mẽ và có thẩm quyền” tại Yemen.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc, ông Griffiths nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập cơ chế trên, đồng thời khẳng định việc cho phép Liên hợp quốc đóng vai trò dẫn dắt tại các cảng của Yemen là bước đi thiết yếu đầu tiên.
Ông cũng cho rằng các phe đối địch ở Yemen sẽ hoan nghênh sáng kiến này.
Cùng ngày 14/12, Saudi Arabia, nước đứng đầu liên quân Arab hậu thuẫn Chính phủ Yemen, bày tỏ đánh giá cao thỏa thuận đạt được giữa các bên đối địch ở Yemen tại vòng hòa đàm diễn ra ở Thụy Điển.
Trong một tuyên bố, Quốc vương Salman bin Abdulaziz và Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia cũng cam kết ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Yemen.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia tuyên bố "Nga sẵn sàng hợp tác giải quyết cuộc xung đột tại Yemen và thúc đẩy hòa bình, ổn định trên toàn khu vực Trung Đông."
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Nebenzia cho biết Nga sẽ tham vấn với tất cả các bên liên quan để thúc đẩy việc này.
Sau nhiều ngày đàm phán, cuộc hòa đàm Yemen do Liên hợp quốc bảo trợ đã kết thúc ngày 14/12 tại thủ đô Stockhom, Thụy Điển, với việc các bên tham chiến tại Yemen đạt được nhiều thỏa thuận.
Cụ thể, Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi đã nhất trí trao đổi tù binh, nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, mở cửa sân bay ở thủ đô Sanaa, và quan trọng nhất là các bên xung đột tại Yemen đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Hodeidah, thành phố cảng có vị trí chiến lược gần bờ biển Đỏ hiện do lực lượng Houthi kiểm soát.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vẫn còn nhiều thách thức trong việc thực thi những thỏa thuận này.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa nhóm vũ trang Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận.
Tháng 3/2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi.
Theo Liên hợp quốc, hơn 10.000 người đã thiệt mạng tại Yemen kể từ khi liên minh Arab can thiệp quân sự.
Cuộc xung đột cũng đẩy Yemen vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới với gần 14 triệu người đứng trước nguy cơ bị đói.