Ông Kortunov đặt nghi vấn: Câu hỏi đặt ra là quan điểm này ổn định như thế nào? Không rõ liệu sự ủng hộ gia nhập NATO sẽ tiếp tục ở Phần Lan trong vài tháng hay vài năm nữa. Tuy nhiên, giới lãnh đạo chính trị nước này đã quyết định không thể chờ đợi.
Cùng với Phần Lan, nước láng giềng Thụy Điển cũng có kế hoạch gia nhập NATO. "Với việc kết nạp hai quốc gia này vào Liên minh do Mỹ đứng đầu, NATO sẽ có lợi ở khu vực Tây Bắc châu Âu. Về cơ sở hạ tầng, Na Uy cũng sẽ được tăng cường, nước này tham gia khá tích cực vào các hoạt động của Liên minh", người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Bắc Cực tại Viện châu Âu của Viện Hàn lâm Khoa học Nga Valery Zhuravel nói.
Trong khi đó, chuyên gia Kortunov nhấn mạnh rằng: "Biên giới Nga-Phần Lan cũng có thể đòi hỏi một số tăng cường và hiện đại hóa. Nhìn chung, hai quốc gia này tham gia liên minh sẽ dẫn đến sự thay đổi cán cân lực lượng ở Biển Baltic".
Ngày 15/5, Chính phủ Phần Lan đã chính thức công bố quyết định gia nhập NATO. Quyết định sẽ được thảo luận tại Quốc hội nước này ngày 16/5 với cuộc bỏ phiếu có khả năng diễn ra 1 ngày sau đó. Theo Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto, đơn gia nhập NATO rất có thể sẽ được đệ trình lên trụ sở NATO ở Brussels vào ngày 17/5.
Tuyên bố về vấn đề trên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Liên minh sẽ đẩy nhanh giai đoạn chuyển tiếp trở thành thành viên đầy đủ càng sớm càng tốt nếu Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn gia nhập.
Đáp lại, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố rằng việc tiếp tục mở rộng NATO sẽ không mang lại an ninh lớn hơn cho châu Âu vì NATO đã mang tính chất "gây hấn". Người phát ngôn này cũng lưu ý rằng ông không coi khả năng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan như một mối đe dọa hiện hữu đối với Nga. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinistö cho rằng việc từ bỏ chính sách trung lập quân sự truyền thống sẽ là sai lầm./.