Kể cả ở trận đấu thứ 4 thua đội đã bị loại sớm là… U23 Timor Leste. Vì vậy, rất dễ hiểu khi trong trận đấu này, ông Park Hang-seo cất cả 3 cầu thủ trên 23 tuổi Hùng Dũng, Hoàng Đức và Tiến Linh, trao cơ hội cho tất cả dàn cầu thủ trẻ, kể cả những người 3 trận trước không thi đấu.
Trong khung gỗ, Văn Toản vẫn được tin dùng và ở hàng hậu vệ, Duy Cương lần đầu có mặt hợp cùng Việt Anh và Tiến Long. Hai hậu vệ biên là Văn Đô và Tuấn Tài. Các tiền vệ Công Đến, Hoàng Anh (đội trưởng) là những người từng thi đấu trước đó cùng với Trọng Long lần đầu được đá chính. Trên hàng công, Văn Tùng, Thanh Minh là 2 cái tên được chọn.
Trước một đối thủ vừa mới gặp nhau ở Giải vô địch U23 Đông Nam Á,U23 Việt Nam chủ động tấn công từ nhiều hướng nhưng luôn vấp phải hàng phòng ngự số đông, chơi kín kẽ nên không thể xuyên phá thành công, dù có một vài cơ hội từ cú sút bị thủ môn đẩy ra, hay cú đánh đầu vào cuối hiệp 1 cũng bị thủ môn cản phá chạm cột dọc của Văn Tùng hay cú đánh đầu của Thanh Minh.
Việc các đối thủ dù mạnh yếu khác nhau nhưng luôn co cụm phòng ngự đã khiến U23 Việt Nam gặp bế tắc trong hầu hết hiệp 1 của trận đấu, buộc ông Park Hang-seo phải đưa ra sự thay đổi cần thiết trong hiệp 2.
Quả vậy, bước sang hiệp 2, ông Park Hang-seo đưa Quang Nho vào chơi trung vệ lệch phải, Văn Xuân thay Tuấn Tài chơi vị trí hậu vệ biên trái tấn công và cỗ máy U23 Việt Nam bắt đầu hoạt động trơn tru như thường thấy.
Văn Xuân là ngòi nổ và là người kiến tạo cả 2 bàn thắng của U23 Việt Nam từ cú tạt bóng chuẩn xác và tình huống đá phạt góc để Văn Tùng ghi bàn ở phút thứ 53 và Thanh Minh cũng bật cao đánh đầu ở phút thứ 65.
Hai Long sau đó được tung vào sân cùng với các đàn anh Hùng Dũng và Tiến Linh để duy trì nhịp độ chơi bóng trước vòng bán kết. Ở hiệp 2 trận đấu này, ông Park Hang-seo sử dụng nhiều vị trí lạ lẫm đối với những cầu thủ được coi là đa năng như Quang Nho ở vị trí trung vệ lệch phải, Công Đến hay Trọng Long như một hậu vệ biên tấn công bên phải nhưng mọi việc vẫn ở trong tầm kiểm soát. U23 Việt Nam vì vậy ở hiệp 2 cũng gần như chủ yếu tấn công ở bên trái với Văn Xuân dâng cao, thường xuyên khuấy đảo hành lang này và châm ngòi cho các đợt tấn công rất khó chịu, trong đó có 2 kiến tạo thành bàn.
Thắng nhẹ nhàng trận đấu này, U23 Việt Nam vượt qua U23 Indonesia 9 điểm sau 4 trận, để vươn lên đầu bảng A với 10 điểm và chính thức tuyên chiến với bất cứ đội bóng nào ở bán kết, dù đó là đại kình địch U23 Thái Lan.
U23 Việt Nam qua 4 trận đấu bảng vẫn chưa để thủng lưới bàn nào, ghi được 6 bàn thắng, trong đó các tiền đạo Tiến Linh, Văn Tùng và Thanh Minh đều đã “nổ súng”, chưa kể đội trưởng Hùng Dũng đã ghi 2 bàn thắng.
Các bàn thắng của U23 Việt Nam ghi được đều đến từ sự phối hợp đẹp mắt ở 2 biên, ở trung lộ, từ quả tạt chính xác, từ tình huống phạt góc… Điều đó chứng minh U23 Việt Nam đang dần dần giải quyết tốt tình trạng tấn công nhiều mà ghi bàn khó khăn, biết cách giải quyết thế trận bằng một tình huống cố định, sẵn sàng không chiến trước bất cứ đối thủ nào trong khi vẫn phát huy tối đa lối chơi ban bật nhỏ, khéo léo trong phạm vi hẹp…
Nhưng trận bán kết sắp tới, dù là U23 Thái Lan hay U23 Malaysia thì mức độ khó khăn, cản trở vẫn lớn hơn rất nhiều so với các đối thủ ở vòng đấu bảng. Hơn nữa, đây lại là một trận đấu knock-out, không có chỗ cho sai lầm, thiếu sót nên bắt buộc U23 Việt Nam phải chơi với hơn 100% phong độ hiện có, phải giải quyết sớm mọi đối thủ nếu có thể mà không đợi đến hiệp 2 mới tung đòn thì có thể vẫn không thực hiện nổi hoặc càng chậm trễ càng khó khăn hơn, càng dồn áp lực lên đôi chân nặng nề hơn.