Bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Châu Thành
“Quỳ Hợp là huyện miền núi có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong nhiệm kỳ tới bản thân tôi xin đề xuất một số ý kiến như sau:
Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là vùng rừng có thắng cảnh đẹp như thác Bản Bìa, thác Tiên, thác Bản Khạng của Pù Khảng. Quy hoạch cảnh quan, không gian, bảo vệ môi trường làng, bản, đặc biệt chú trọng vào những bản, làng có cảnh quan đẹp, còn lưu giữ được nhiều nhà sàn Thái như ở bản Choọng - đền Choọng (xã Châu Lý) bản Vi (xã Bắc Sơn), vùng Thái Học (xã Châu Thái), bản Tạt - Pù Khạng (xã Yên Hợp), bản Àng, bản Cô gắn với thắng cảnh thác Tiên (xã Châu Thành)...
Tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch, giới thiệu hình ảnh điểm đến của huyện Quỳ Hợp, từ vùng cây có múi đến các danh thắng để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực du lịch. Phát huy lợi thế để phát triển kinh tế rừng, du lịch sinh thái, gắn với việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thốngvừa là động lực, vừa là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững”.
Ông Trịnh Tuấn Anh - Phó Giám đốc Lâm trường Quỳ Hợp
"Hiện nay Lâm trường Quỳ Hợp đang được Nhà nước giao quản lý 5.702,36 ha rừng, đất rừng, trong đó có 1.800 ha rừng phòng hộ xung yếu, địa bàn quản lý trên 6 xã vùng cao của huyện Quỳ Hợp. Để ổn định sản xuất, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, trong thời gian tới chúng tôi kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hỗ trợ kịp thời để điều tra, làm rõ sai phạm liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, tránh để xảy ra điểm nóng, phức tạp trên địa bàn.
Đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân chấp hành đúng pháp luật, nhằm hạn chế tối đa các hành vi vi phạm liên quan đến công tác bảo vệ, phát triển rừng. Huyện Quỳ Hợp là địa bàn có nhiều rừng núi, vì vậy, chúng tôi mong muốn cùng với việc đưa công tác bảo vệ, phát triển rừng vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ tới, cũng như nghiên cứu đề ra các giải pháp cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế đất rừng, đảm bảo hài hòa lợi ích cho nhân dân và các đơn vị được giao rừng tiếp tục quản lý, bảo vệ hiệu quả hơn”.
Bà Vi Thị Phúc - Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Sơn
"Tôi mong muốn Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa mới sẽ quan tâm hơn đối với các phong trào của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ có nhiều cơ hội tham gia công tác Đảng, chính quyền và Mặt trận. Đặc biệt, có các chính sách cho hội viên phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa như chúng tôi. Liên quan đến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân nói chung, hội viên phụ nữ nói riêng, mong đại hội lần này đưa ra được nghị quyết sát, đúng, trong đó, nên xây dựng và thực hiện đề án trồng cây dược liệu dưới tán rừng để phụ nữ có việc làm ổn định và phát triển kinh tế".
Bà Trương Thị Nhuần - người dân xóm Tây Lợi, xã Văn Lợi
“Tôi là người con của đồng bào dân tộc Thổ ở địa bàn xã Văn Lợi, vì thế tôi mong lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện quan tâm có chính sách cụ thể, sát, đúng đối với bà con dân tộc miền núi. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ con em đồng bào dân tộc Thổ tham gia các trường đại học, cao đẳng; có chính sách hỗ trợ cây, con giống phù hợp đối với người nghèo ở vùng dân tộc Thổ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa mới cũng cần vạch ra đường hướng, giải pháp cải tạo, nâng cấp, làm mới hệ thống hạ tầng cơ sở, xây dựng đường giao thông tại các khu vực đặc thù như Văn Lợi”.
Ông Nguyễn Trung Hải - Công ty CP Khách sạn và Thương mại Trung Hải
“Trước hết phải gửi lời cảm ơn Thường trực, Ban Thường vụ, BCH Đảng bộ huyện Quỳ Hợp trong nhiệm kỳ vừa qua đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động. Nhiệm kỳ tới tôi rất mong muốn lãnh đạo huyện quan tâm, ban hành các giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn, nhất là nâng cấp, hoàn thiện Khu công nghiệp Châu Lộc, Châu Quang cũng như các khu công nghiệp khác.
Được biết, huyện có chủ trương mở rộng khu công nghiệp ở Châu Hồng, đây thực sự là cơ hội phát triển cho các ngành sản xuất, khai thác khoáng sản, khai thác đá của huyện Quỳ Hợp. Nếu thực hiện thành công, đây là cơ sở để sơ tuyển nguồn đá trắng, giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Rất mong BCH Đảng bộ huyện khóa mới tiếp tục quan tâm, đồng hành với doanh nghiệp địa phương, nhất là trong giai đoạn khó khăn này”.
Ông Vi Trung Tiết - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Châu Thái
“Những năm qua, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã có những bước cải thiện đáng kể; các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội được cấp ủy Đảng quan tâm nên bà con nhân dân rất phấn khởi. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ mới phải làm thế nào để kế thừa những kết quả, thành công của khóa trước và phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ cùng phát triển của mảnh đất Quỳ Hợp, làm cho đời sống của nhân dân càng tốt hơn lên.
Người cao tuổi chúng tôi mong muốn cấp ủy dành sự quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trẻ để tạo nguồn cho Đảng. Cùng với đó là quan tâm hơn đến người cao tuổi địa phương, có các chính sách, tạo điều kiện để các cụ ông, cụ bà tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tham gia công tác xã hội và bảo vệ thành quả của công cuộc đổi mới. Phát huy tốt những kết quả của huyện văn hóa, tiếp tục hoàn thiện, củng cố các thiết chế văn hóa, hình thành các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao để cả xã hội cùng tham gia, trong đó có người cao tuổi. Đối với người cao tuổi nông thôn không có lương hưu, sống phụ thuộc vào con cháu, tôi cũng mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm hơn, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.