bna_img_37923390173_2872020.jpgĐồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy;... Ảnh: Thành Duy

CẦN ĐỊNH HÌNH HƯỚNG ĐI MỚI

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế Quỳ Hợp tăng trưởng khá, bình quân đạt 7,4%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần giá trị công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ thương mại. Thu ngân sách năm 2020 ước đạt 163 tỷ đồng, đứng thứ 4 toàn tỉnh (không tính tiền đấu giá đất). 

Công tác thu hút đầu tư, huy động nguồn lực đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7.262 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. 

Mặc dù là huyện miền núi có 14 xã khu vực đặc biệt khó khăn, song với sự nỗ lực đến tháng 6/2020, toàn huyện có 6 xã, 14 xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 10,25 tiêu chí/xã. 

Năm 2020, giá trị sản xuất bình quân đầu người ước đạt 81 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 30 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,22%.

Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Quỳ Hợp đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Góp ý cho huyện Quỳ Hợp, đồng chí Võ Duy Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá huyện có vai trò rất quan trọng ở khu vực miền Tây Nghệ An nên phải là địa bàn thực hiện và giải quyết yêu cầu mang tính chất lan tỏa, trung tâm.

Huyện cũng cần tiếp tục tăng năng suất chất lượng, mở rộng diện tích cây có múi; chú trọng bảo vệ rừng tự nhiên, gắn với cải tạo, nâng cao giá trị rừng sản xuất; chuyển giao, mở rộng các kỹ thuật chăn nuôi hiện đại; quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, khoáng sản; nâng cao chỉ tiêu nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đánh giá, trong dự thảo Báo cáo chính trị cần xác định các mũi đột phá để tháo gỡ các điểm nghẽn tại Quỳ Hợp như: Vấn đề tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng; hệ lụy của các dự án khai thác tài nguyên;…

Một số chỉ tiêu cũng cần căn cứ Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030 để xây dựng phù hợp hơn như chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm.

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy lưu ý, huyện cần chú ý đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trên địa bàn. 

Đặc biệt, liên quan đến định hướng phát triển của huyện, đồng chí đề nghị làm rõ công nghiệp khai khoáng đã phát triển hết tiềm năng chưa; nếu còn tiềm năng thì cần phát triển theo hướng nào? Ngoài khai khoáng thì phát triển theo hướng nào? có thể phát triển du lịch không?

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh đề nghị huyện Quỳ Hợp quan tâm thực hiện các quy hoạch; yếu tố kết nối vùng Tây Bắc Nghệ An, mà trước mắt là các huyện, thị lân cận.

Quỳ Hợp cũng cần quan tâm đến an toàn lao động, bảo vệ môi trường vì đây là địa bàn trọng điểm khai thác khoáng sản. Trong khai khoáng cần đẩy mạnh chế biến sâu; đồng thời phát triển doanh nghiệp tư nhân, kinh tế cá thể và hợp tác xã.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tại cuộc làm việc, các ý kiến cũng đề nghị, huyện đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực; tăng cường liên kết giữa nông dân, Nhà nước và doanh nghiệp, điều chỉnh giảm tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng mối đoàn kết trong Đảng, tạo sự đồng thuận của xã hội; làm rõ việc xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi, dân tộc thiểu số;…

THAY ĐỔI TƯ DUY PHÁT TRIỂN

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị Quỳ Hợp tiếp thu các ý kiến để xây dựng báo cáo chính trị có bố cục, kết cấu cân đối giữa các phần; sắp xếp lại khoa học, hợp lý, tránh trùng lặp, thể hiện rõ nội dung trọng tâm, đột phá; hệ thống bảng biểu logic, chặt chẽ.

Về nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị đánh giá thật kỹ về sự đoàn kết, thống nhất trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân; phân tích thêm 3 chỉ tiêu rất quan trọng là tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý phát biểu kết luận về công tác chuẩn bị văn kiện cho Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Quỳ Hợp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Thành Duy

Huyện cũng cần đánh giá sâu về mối quan hệ giữa người dân với người dân, người dân với các cơ quan, doanh nghiệp, nhất là với các lâm trường trên địa bàn; đánh giá kỹ về công tác xây dựng Đảng, quản lý, điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước; qua đó rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ tới.

Quỳ Hợp cũng cần hết sức chú ý việc xây dựng các chỉ tiêu đảm bảo tính khả thi cho nhiệm kỳ mới như: thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, xóm bản văn hóa, giảm hộ nghèo, trưởng xóm, bản là đảng viên, tỷ lệ diện tích trồng cây ăn quả… Đây là những vấn đề mà Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy cần thảo luận thêm và trình ra Đại hội thảo luận.

Đối với nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ tới, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý Quỳ Hợp 3 nội dung hết sức quan trọng. Trước hết, huyện cần thay đổi tư duy phát triển kinh tế theo hướng chuyển hẳn từ dựa vào khai thác tài nguyên, khoáng sản sang phát triển văn hóa, du lịch; nông, lâm nghiệp công nghệ cao, sạch, giá trị cao gắn với chế biến sâu. Huyện hoàn toàn có đủ cơ sở, tiềm năng, dư địa để chuyển đổi sang hướng phát triển này gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới.

“Tư tưởng đó phải nhất quán”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu quá trình chuyển đổi phải gắn với khắc phục hậu quả khai thác tài nguyên khoáng sản; quản lý chặt chẽ về môi trường, an toàn lao động, duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đối với những doanh nghiệp khai khoáng đang hoạt động.

Theo đó, để thực hiện định hướng trên, Quỳ Hợp cần tư hút nhà đầu tư, các nguồn vốn khác để gìn giữ, phát triển văn hóa, du lịch; phát triển nông, lâm nghiệp; thành lập hợp tác xã; có chính sách kêu gọi, khuyến khích doanh nghiệp chuyển từ khai khoáng sang đầu tư vào nông nghiệp…

Đồng chí Phan Đình Đạt - Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Định hướng lớn thứ hai mà Bí thư Tỉnh ủy hết sức lưu tâm với Quỳ Hợp là cần tập trung cao để xây dựng hệ thống chính trị; đảm bảo được sự thống nhất, đoàn kết thực chất, đồng lòng từ trên xuống dưới. Mặt khác, huyện cần hết sức quan tâm nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp, nhất là cấp xã. Đi đôi với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ đủ phẩm chất, năng lực thì cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương. “Trên nghiêm thì dưới nghiêm”, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ.

Người đứng đầu Tỉnh ủy cũng lưu ý Quỳ Hợp quan tâm đến công tác quy hoạch, theo đó cần chú ý đến cục diện, bối cảnh mới trong tổng thể của vùng, tỉnh để quy hoạch có tính chiến lược, có tính chất đón đầu, nhất là đón đầu về đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt, quy hoạch cũng cần tính đến yếu tố Quỳ Hợp trở thành trung tâm kết nối giữa vùng Tây Bắc và Tây Nam Nghệ An.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất thời gian diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong các ngày 16,17/8/2020.