(Baonghean) - Ngăn chặn bạo lực học đường, tràn lan đồ chơi độc hại, là những ý kiến mà tòa soạn tiếp nhận được
 
Ngăn chặn bạo lực học đường
 
Cách đây ít ngày trên một trang mạng xã hội xuất hiện và lan truyền đoạn video dài gần 3 phút ghi lại cảnh một nữ sinh đánh bạn nam trong lớp học vào giờ giải lao gây xôn xao dư luận. Hình ảnh clip cho thấy nữ sinh có các hành vi như tát liên tiếp vào mặt, lên gối thúc vào bụng bạn nam; dùng dép, chổi dồn "nạn nhân" vào tường, chỉ vài học sinh vào can ngăn; số còn lại (tất cả đều mặc đồng phục học sinh) chỉ đứng xem, ghi hình. Vài ngày sau, sự việc được xác định xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Tường Tộ (TP. Vinh). Điểm lại, vào tháng 3 năm ngoái, trên mạng xã hội cũng xuất hiện 1 clip ghi cảnh 3 nam sinh (sau đó được xác định là xảy ra tại một trường trung học phổ thông thuộc huyện Nghi Lộc) vây đánh 1 bạn gái trong giờ ra chơi... Các vụ việc gióng lên tiếng chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng.
 
Nguyên nhân để xảy ra hiện tượng này trước hết là thầy cô, nhà trường, nơi trực tiếp quản lý giáo dục các em, chưa làm tròn trách nhiệm. Bên cạnh việc giáo dục về kiến thức, đạo đức, thầy cô và nhà trường cần phải nắm được tâm tư, tình cảm, chuyện mâu thuẫn của các em để có những cách hóa giải phù hợp. Đồng thời là việc xử lý kỷ luật không nghiêm, chưa mang tính răn đe, giáo dục cao, nên bạo lực học đường  vẫn tiếp diễn.  Do đó, để hạn chế tình trạng này, trước hết cần xem xét lại cách giáo dục trong các nhà trường; trách nhiệm  của giáo viên, phụ huynh trong tìm hiểu tâm lý lứa tuổi để có hướng giải quyết kịp thời. Hạn chế cho trẻ em tiếp cận với những loại hình văn hóa có quá nhiều nội dung bạo lực.
 
Được biết, Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An đã có hình thức kỷ luật: buộc nữ sinh đánh bạn nghỉ học 1 tuần, khiển trách nữ sinh quay clip tung lên mạng. Riêng nam sinh bị đánh và 5 em khác có mặt trong clip nhận hình thức kỷ luật nhắc nhở trước toàn trường. Tập thể lớp và Trường THPT Nguyễn Trường Tộ bị hạ bậc thi đua trong năm học 2014 - 2015. Đây không chỉ là bài học riêng cho giáo viên, học sinh, phụ huynh Trường THPT Nguyễn Tường Tộ mà còn là bài học chung cho tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp đến công tác giáo dục học sinh, thiếu niên. 
 
Lê Thạch Vĩnh

 
Tràn lan đồ chơi độc hại 
 
Hiện nay thị trường đồ chơi dành cho trẻ em rất phong phú về mẫu mã và chủng loại. Tuy nhiên, điều đáng nói là các mặt hàng đồ chơi không lành mạnh, có xuất xứ từ Trung Quốc đang trở thành mối lo lắng cho các bậc phụ huynh và các ngành chức năng.
 
images1148853_images662604_m_t_n__ma_qu_.jpgẢnh: Internet
 
Một tổ chức bảo vệ môi trường hàng đầu thế giới thông báo các cuộc kiểm tra độc lập của họ đã phát hiện khoảng 70% mẫu đồ chơi trẻ em tại Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, Hồng Kông có chứa chất phthalate có khả năng gây biến đổi hoóc-môn, ảnh hưởng đến hệ sinh sản, gây dị tật ở cơ quan sinh dục trẻ em... Mặc dù đã có nhiều thông tin về chất độc gây hại đến sức khoẻ từ đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng hiện nay, trên thị trường đang bày bán tràn lan các loại đồ chơi này. Những sản phẩm đồ chơi Trung Quốc chiếm ưu thế so với đồ chơi trong nước vì giá rẻ lại phong phú về màu sắc, đa dạng về chủng loại; nhưng lại tạo phản ứng thụ động, ít mang tính giáo dục, thậm chí nhiều loại còn mang tính bạo lực như súng bắn đạn chì, đạn cao su, dao kiếm... Bất chấp những cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài các cửa hàng, siêu thị, thì một lượng không nhỏ là những người bán hàng rong vẫn từng ngày đưa các sản phẩm nguy hại có xuất xứ từ Trung Quốc đó tới các con phố, làng quê.
 
Đề nghị cơ quan chức năng có các biện pháp quản lý, chế tài xử phạt những trường hợp bày bán đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần ý thức tự bảo vệ con em mình đừng vì ham rẻ mà quên đi hậu quả khôn lường từ những đồ chơi kém chất lượng, không lành mạnh.
 
Quang Hoà
(Khối 4, Hà Huy Tập, TP. Vinh)