Ngày 5-11, hàng chục nghìn người đã đổ ra các đường phố tại thủ đô Rome để phản đối Thủ tướng Berlusconi và các chính sách cải cách của ông.

CNN cho biết nhiều người đã mang theo cờ của phe đối lập trong cuộc biểu tình ôn hòa nhằm kêu gọi ông Berlusconi rời vũ đài chính trị. Một số người nói họ muốn tổ chức bầu cử ngay lập tức, số khác mong muốn thành lập một chính quyền lâm thời dẫn dắt đất nước trong những tháng khó khăn sắp tới.

769891_small_67803.jpg
 Người dân biểu tình đòi Thủ tướng Berlusconi từ chức - Ảnh: PressTV

Phát biểu trước đám đông, lãnh đạo Đảng Dân chủ Pierluigi Bersani khẳng định, đảng của ông sẵn sàng hợp tác với các đảng phái đối lập khác để lãnh đạo một chính phủ mới. Hôm 2-11 các nhà lãnh đạo đối lập cũng đã đến gặp Tổng thống Napolitano, cam kết ủng hộ chính phủ mới do một nhân vật có uy tín dẫn dắt để đưa đất nước đến cuộc bầu cử năm 2013.

Chỉnh phủ Ý đã không đưa ra được giải pháp thuyết phục nào để giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng nguy ngập, trong khi Thủ tướng Berlusconi cũng đang vất vả giữ cho liên minh cầm quyền lỏng lẻo của ông khỏi sụp đổ.

Cách đây ít ngày, Thủ tướng Berlusconi trong cuộc gặp với các lãnh đạo nhóm G20 tại Cannes đã đồng ý cho phép Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giám sát quá trình chính phủ Ý thực hiện các biện pháp khắc khổ. Ông Berlusconi bị chỉ trích đã đồng ý với thỏa thuận “xấu hổ” nói trên dưới sức ép của các nước châu Âu và các thị trường tài chính.

Chi phí cho khối nợ công khổng lồ chiếm tới 120% GDP của Ý đã tăng đột ngột trong nhiều tháng qua làm dấy lên lo ngại về nguy cơ vỡ nợ. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu cho rằng kinh tế Ý có quy mô quá lớn để tiến hành một cuộc giải cứu như tại Hi Lạp hay Bồ Đào Nha trong trường hợp xảy ra vỡ nợ.


Theo Tuổi trẻ