(Baonghean) - Bị nhiễm chất độc da cam, mất sức 51% nhưng ông Nguyễn Thanh Tùng, ở xã Diễn Thành (Diễn Châu) đã mở xưởng may giúp gia đình vượt khó. Đặc biệt, cơ sở này còn đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xã.

Sau 10 năm binh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tùng  được phục viên về xã Diễn Thành, mang trong mình chất độc da cam (CĐDC), mất sức 51%. Rồi người con gái út Nguyễn Thị Thỏa cũng bị nhiễm CĐDC từ cha. Đã 20 tuổi nhưng Thỏa vẫn mang hình dáng của một thiếu niên. Đông con, vợ chồng ông Tùng nhận khoán 10 sào ruộng của HTX, đầu tắt mặt tối suốt ngày nhưng vẫn không khá lên được. Vất vả là vậy nhưng cả hai vợ chồng vẫn tần tảo sớm khuya nuôi các con khôn lớn, trưởng thành, 4 người con đầu đều đã học xong đại học và có việc làm ổn định, người con thứ 5 đang học đại học. 
 
Thời kỳ khó khăn nhất, vợ chồng ông Tùng được một người bạn từ chiến trường cũ hiến kế mở xưởng may các mặt hàng như thảm lau nhà, trải nền nhà, đựng ấm nước, nồi cơm điện. Theo người bạn thì đây là mô hình kinh tế rất hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, đồng thời nó cũng  giúp con gái ông được học việc và có cái nghề cầm tay. Ông mạnh dạn vay ngân hàng chính sách huyện và đồng đội trong xã hơn 50 triệu đồng, Tỉnh hội nạn nhân chất độc da cam hỗ trợ 48 triệu đồng. Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, xưởng may “da cam” của gia đình ông Tùng được xây dựng nên, tọa lạc trên diện tích 300m2 đất vườn nhà, cách Quốc lộ 1A chưa đầy 2 km.
 
images1204313_44.jpgChị Nguyễn Thị Thỏa (nạn nhân chất độc da cam) xã Diễn Thành (Diễn Châu) tại xưởng may thảm.
 Để có sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã hợp thị hiếu người tiêu dùng, ông Tùng đầu tư mua máy móc, kéo điện nước đến tận nhà xưởng, bước đầu thuê thợ bậc cao về may và truyền nghề cho vợ chồng và con gái út. Bất kể đường sá xa xôi, ông cất công ra tận Hà Nội, Hải Phòng tìm đến các cơ sở may mặc để học hỏi thêm kinh nghiệm, vừa tìm mua các loại vải chất lượng bền chắc, màu sắc hợp thị hiếu người tiêu dùng. Hơn 1 năm vợ và con gái ông đã trở thành thợ may giỏi, đảm nhận được các khâu then chốt của xưởng, từ cắt may đến tạo mốt, nhuộm vải. Không những đào tạo truyền nghề cho người thân trong gia đình, xưởng may của ông Tùng còn nhận đào tạo thợ, giúp 30 phụ nữ trong xã có việc làm, thu nhập ổn định. Hàng ngày họ nhận may gia công, đến xưởng nhận nguyên liệu về may, cuối tuần đem sản phẩm đến giao nộp và nhận tiền công. Bình quân mỗi sản phẩm 10.000 đồng, người may được nhận 4.000 đồng. Có việc làm ngay tại nhà, công việc lại nhàn nhã, buổi trưa, buổi tối đều làm được. Bởi vậy, ai cũng phấn khởi và biết ơn xưởng may nhà ông Tùng đã giúp họ thoát nghèo.
 
Tiếng lành đồn xa, mới 3 năm hoạt động, xưởng may “da cam” của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Tùng trở thành mô hình CCB sản xuất, kinh doanh giỏi, được khách hàng trong và ngoài huyện tìm đến đặt hàng. Bình quân mỗi năm, xưởng sản xuất và tiêu thụ hơn 40.000 sản phẩm. Nếu tính cả trồng trọt, chăn nuôi và nghề may thảm trải nhà, mỗi năm gia đình ông Tùng có nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Niềm vui như được nhân lên khi người con gái bị nhiễm CĐDC đã thành thạo nghề may, từng bước làm chủ cơ sở, cùng với nhiều lao động trong xã phát triển nhiều mẫu mã sản phẩm được khách hàng ưa chuộng. Vì thế, cuộc sống ngày càng ổn định hơn.
 
Lê Hoài Thung