(Baonghean) - Gần đây, dư luận phản ánh vấn đề nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình dành cho hộ nghèo, hộ khó khăn lại được giải ngân cho cán bộ UBND xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn vay; các hồ sơ vay vốn ghi sai địa chỉ vẫn được lãnh đạo UBND xã xác nhận để cán bộ được vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội. Tuy nhiên, qua kiểm tra xác minh, sự việc không hoàn toàn như vậy…
Người trong cuộc nói gì?
Theo phản ánh, 4 hộ vay vốn tại xã Hội Sơn đã khai sai địa chỉ và 3 hộ vay vốn sai đối tượng nhưng vẫn được UBND xã xác nhận để vay vốn tín dụng ưu đãi.
Để tìm hiểu thực hư vấn đề, chúng tôi tìm về nhà chị Đỗ Thanh Tú Uyên ở thôn 4 xã Hội Sơn, Anh Sơn. Tiếp chúng tôi, chị Uyên bày tỏ: Là nhân viên hợp đồng đảng uỷ xã thu nhập thấp nên năm 2013 tôi và chồng bàn bạc vay vốn phát triển kinh tế. Với vốn vay 30 triệu đồng từ ngân hàng chính sách và vốn tích cóp được, gia đình đầu tư xây dựng chuồng chăn nuôi và mở xưởng sản xuất cơ khí, sản xuất mộc dân dụng.
"Ngày đó, xã đang có chương trình cho vay phát triển kinh tế vùng khó khăn của ngân hàng chính sách nên đã làm thủ tục vay vốn. Đúng đối tượng và vay vốn đầu tư đúng mục đích nhưng vì để thuận lợi trong trả lãi hàng tháng cho ngân hàng nên tôi làm thủ tục vay ở thôn 3 (mà lẽ ra phải là thôn 4 nơi chị cư trú). Không ngờ chỉ vì sai địa chỉ thôn trong hồ sơ mà sau đó chúng tôi bị thu hồi vốn trước thời hạn, tổ trưởng tổ vay vốn bị xử lý” – Chị Uyên bày tỏ.
Năm 2013, anh Bùi Xuân Đại là bí thư chi đoàn thôn 5, anh làm hồ sơ vay vốn do đoàn thanh niên quản lý ở thôn 3 với số tiền 12 triệu đồng chương trình nước sạch để đầu tư hệ thống nước sạch và nhà vệ sinh. Anh Đại chia sẻ: Cách đây 4 năm, tôi vay 12 triệu đồng đầu tư hệ thống này nhưng vẫn không đủ để làm cái nhà vệ sinh cho tươm tất vậy mà người ta phản ứng cho rằng mình là cán bộ tranh vốn vay của hộ nghèo. Biết là có sai vì không rõ quy trình gia nhập tổ; nhưng chúng tôi vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi gốc chứ nào có nợ nần, lợi dụng gì?
Các đối tượng vay vốn nói là cán bộ nhưng thực chất chủ yếu là nhân viên hợp đồng, đời sống gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch UBND xã Hội Sơn cho biết: Trường hợp anh Bùi Xuân Đại vay 12 triệu đồng năm 2013, thời điểm đó là công an viên thường trực của xã, hưởng lương 920.000 đồng/tháng; chị Đỗ Thanh Tú Uyên vay năm 2013 để đầu tư chuồng trại chăn nuôi, xưởng cơ khí cũng chỉ là nhân viên hợp đồng văn phòng Đảng uỷ xã, lương 1,1 triệu đồng/tháng. Các đối tượng này sở dĩ vay sai địa chỉ là vì họ hoạt động đoàn, nên nghĩ là xin gia nhập và vay vốn ở Tổ tiết kiệm và vay vốn do tổ chức đoàn nhận uỷ thác ở thôn 3 để dễ chi trả lãi, gốc theo quy định chứ không có chuyện tư lợi ở đây. Thực ra, tại thời điểm mà các hộ này vay vốn, lãi suất cho vay của các chương trình này cũng đã 0,9%/tháng, tương đương 10,8%/năm- ngang ngửa lãi suất thị trường chứ không quá ưu đãi, “hời” như nhiều người nghĩ.
Cũng xin được nói rõ thêm là trong nhiều năm lại nay, các đối tượng có nhu cầu vay vốn các chương trình của ngân hành chính sách trên địa bàn xã Hội Sơn đều được đáp ứng đầy đủ nguồn vốn các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch VSMT nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, học sinh sinh viên, nên không có chuyện mờ ám trong bình xét để tranh dành nguồn vốn.
Việc vay vốn là đúng đối tượng
Qua kiểm tra tại các hộ vay vốn mà dư luận phản ánh cho thấy, các hộ vay này đều thuộc đối tượng được thụ hưởng, có nhu cầu và sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện nghĩa vụ trả lãi đầy đủ theo quy định của Nhà nước. Lý do vay vốn sai địa chỉ: Do một số Tổ trưởng các tổTiết kiệm và vốn vay hiểu chưa đúng quy định NHCSXH về quy trình thành lập tổ, nên đã linh động cho các hộ nói trên ở thôn khác gia nhập Tổ để vay vốn.
Ông Trần Khắc Thi - Giám đốc NHCSXH huyện Anh Sơn cho biết: Tháng 12 năm 2016, qua quá trình kiểm tra NHCSXH huyện Anh Sơn đã phát hiện một số hộ dân có địa chỉ không đúng với địa chỉ trong hồ sơ vay vốn tại Tổ tiết kiệm và vay vốn của các thôn với số tiền từ 8 đến 30 triệu đồng từ các chương trình vay vốn ưu đãi khác nhau và được giải ngân cho cán bộ UBND xã Hội Sơn. Toàn bộ số tiền cho vay sai địa chỉ nói trên đều đã được NHCSXH huyện Anh Sơn thu hồi, tập thể lãnh đạo UBND xã và các tổ chức hội, đoàn thể có liên quan đang trong quá trình tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn để xảy ra sai phạm đều đã bị thay thế.
Theo Quyết định 30-2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, Hội Sơn vẫn đang thuộc vùng khó khăn nên các cán bộ cũng được vay vốn sản xuất, kinh doanh nếu có hồ sơ hợp lệ, có phương án kinh doanh. Năm 2015, xã Hội Sơn ra khỏi danh sách xã khó khăn (theo quyết định 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ) nên các hộ sẽ không được vay vốn theo chương trình sản xuất, kinh doanh dành cho vùng khó khăn. Như vậy, các khách hàng như chị Đỗ Thanh Tú Uyên vay năm 2013 và anh Cao Xuân Công vay năm 2014 để sản xuất kinh doanh là đúng đối tượng, không có chuyện giành giật vốn của người nghèo.
Còn Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ thì các hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có công trình nước sạch, công trình vệ sinh hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh và hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia được UBND cấp xã xác nhận thì vẫn được vay vốn của chương trình.
Tuy nhiên, dù không có chuyện lợi dụng vốn của dân nghèo, của đối tượng chính sách nhưng để xảy ra sai sót có phần trách nhiệm của các hội đoàn thể nhận uỷ thác, cấp uỷ chính quyền địa phương và cả Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp trong khâu kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác đối với các đơn vị cơ sở theo hướng dẫn tại văn bản số 3775/NHCS-KTNB. Qua vụ việc trên cho thấy nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV là vấn đề mà Ban quản lý Tổ TK&VV và các Hội đoàn thể nhận ủy thác phải chú trọng. Ngân hàng chính sách cần tiếp tục tham mưu cho Ban đại diện HĐQT chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, Ban giảm nghèo cấp xã quan tâm, giám sát chặt chẽ hoạt động của Tổ TK&VV tại các thôn (xóm) trong việc hướng dẫn người vay gia nhập Tổ TK&VV đúng địa chỉ nơi cư trú; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay để hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
Việt Phương