Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) chiều 2/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho hay, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ngày càng lớn, trong khi Việt Nam đã hết thời gian sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (IDA) của WB từ 1/7/2017.
Trong bối cảnh trần nợ công ở mức cao, Việt Nam cần có những cách thức tiếp cận mới, phù hợp đối với nguồn vốn vay IBRD (vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế) của WB.
Bộ trưởng Nghĩa cũng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai nhiều dự án giao thông lớn, gồm: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
“Trừ dự án đường sắt rất khó kêu gọi vốn tư nhân tham gia đầu tư, còn lại các dự án đường bộ và hàng không, chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải là huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP). Chúng tôi mong muốn WB hỗ trợ đối với các dự án này”, Bộ trưởng Nghĩa nói.
Về phía WB, ông Franz R.Dress-Gross, Giám đốc toàn cầu về Giao thông vận tải và Truyền thông, thông tin, Ngân hàng thế giới đã hỗ trợ Việt Nam 2,8 tỷ USD đầu tư, xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, đường thủy nội địa, đường cao tốc…
Hiện nay, WB cũng đang có 5 dự án hợp tác với ngành giao thông trị giá khoảng 1,5 tỷ USD.
“Chúng tôi được biết, Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Tp.HCM với chiều dài hơn 1.300km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10 tỷ USD. Ngân hàng Thế giới có thể hỗ trợ dự án này bằng một gói tổng thể”, ông R.Dress-Gross nói.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất WB hỗ trợ triển khai dự án mới bằng vốn vay IBRD là dự án phát triển các hành lang đường thủy và logicstics khu vực phía Nam. Dự án có tổng mức đầu tư là 300 triệu USD, trong đó, vay vốn IBRD của World Bank là 250 triệu USD. Và một số dự án tiềm năng như: Tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn Dầu Giây - Phan Thiết; các dự án cải tạo hạ tầng tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ, thuộc địa phận huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, điểm cuối tại nút giao Dầu Giây, thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, tổng chiều dài khoảng 1.372 km, đi qua 16 tỉnh, thành phố.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư toàn dự án với quy mô hoàn chỉnh khoảng 312.435 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính đánh giá nhiều nội dung trong phương án của Bộ Giao thông Vận tải không thể hiện được tính khả thi đồng bộ để triển khai dự án.
Theo Kiều Linh/vneconomy