Người lao động phải tìm hiểu kỹ thông tin các loại hình xuất khẩu lao động, đơn vị triển khai để tránh những rủi ro khi làm việc tại Nhật Bản.

Ngày 2/10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức hội thảo thông tin tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản khóa 6 năm 2017.

1506985896650.jpgLớp học tiếng Nhật chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý.

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng thông tin (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết: Triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, trường Nhật ngữ Arc Academy tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 5 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với tổng số 960 ứng viên. 

Trong số đó, có 673 ứng viên các khóa 1, 2, 3, 4 đã được đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản. Ứng viên khóa 5 sẽ thi tiếng lấy chứng chỉ tiếng Nhật vào tháng 12/2017.

Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý năm 2017 khóa 6. Các ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, nếu được tuyển chọn, sẽ tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng. 

Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3.

Tổng số ứng viên điều dưỡng, hộ lý được tuyển chọn để đưa vào đào tạo tại Việt Nam khóa 6 năm 2017 là 240 người. Ứng viên nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục Quản lý lao động ngoài nước. Thời gian từ ngày 2/10 đến 22/10/2017.

Theo bà Trần Thị Vân Hà, đến thời điểm này, đối với mã ngành điều dưỡng, hộ lý làm việc tại Nhật Bản, chỉ có duy nhất kênh tuyển chọn theo chương trình VJEPA là hợp pháp. Hiện nay, có một số đơn vị đăng tuyển quảng cáo trên các trang web với tiêu chuẩn thấp hơn và đi theo hình thức visa du lịch hoặc du học, nên không được cơ quan quản lý Nhật Bản cấp giấy phép lao động. Do không đi theo con đường chính thức, nên người lao động dễ gặp rủi ro khi cơ quan chức năng nước sở tại kiểm tra giấy tờ.

“Do đó, người lao động phải tìm hiểu kỹ thông tin các loại hình xuất khẩu lao động, đơn vị triển khai để tránh những rủi ro khi làm việc tại Nhật Bản. Phía Nhật Bản cũng cam kết kiểm soát với loại hình lao động theo mã ngành điều dưỡng, hộ lý. Nếu phát hiện sai phạm, các cá nhân tham gia loại hình này sẽ không được phép sang Nhật Bản làm việc”, bà Trần Thị Vân Hà cho biết.

Đối với ứng viên điều dưỡng từ khóa 1 đến khóa 3, qua thi chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản, tỷ lệ thi đỗ của ứng viên Việt Nam đạt trên 60%, đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước phái cử điều dưỡng sang Nhật Bản. Các ứng viên hộ lý sẽ tham gia thi chứng chỉ quốc gia từ tháng 1/2018.

Theo Báo Tin tức

TIN LIÊN QUAN