Kiệt sức vì 11 đêm ròng thức trắng chống dịch

9h sáng ngày 24/6, trên đường đi công tác ở Hưng Nguyên đến Diễn Châu, điện thoại của Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh vang lên. Đầu dây bên kia là vợ của bác sĩ Nguyễn Văn Long - Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Vinh. Chị nói “Anh ơi. Chồng em kiệt sức rồi!”. Bàn tay cầm điện thoại của Giám đốc Sở khẽ run, ông lặng người đi một thoáng và trao đổi lại: “Chị yên tâm, em sẽ điều ngay bác sĩ đến nhà thăm khám cho anh”.

bna_image_8183614_2462021.jpgBác sĩ Nguyễn Văn Long kiệt sức vì 11 đêm trắng chống dịch. Ảnh: Trung Thành
“Thương anh em mình quá”! - Giám đốc Sở Y tế giọng trầm buồn. Rồi ông gọi ngay điện thoại cho Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo cho bác sĩ đến nhà thăm khám cho bác sĩ Long.
Trong làn sóng dịch thứ 4, thành phố Vinh là địa phương đầu tiên của tỉnh Nghệ An xuất hiện ca bệnh Covid-19 vào đêm 13/6. Và từ đó đến nay, ngày nào cũng xuất hiện thêm ca bệnh mới. Ở thời điểm này (ngày 24/6), thành phố Vinh đã có 32 ca bệnh, xuất hiện tại 8 phường, xã. 
Là người đứng đầu cơ quan phòng, chống dịch bệnh của thành phố Vinh; là một bác sĩ mẫn cán, luôn lo lắng cho sức khỏe cộng đồng, bác sĩ Nguyễn Văn Long đã gần như thức trắng suốt 11 đêm ròng để lăn xả triển khai công tác tổ chức, thực hiện khoanh vùng, cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm, điều tra truy vết...
Qua thăm khám, bác sĩ Nguyễn Văn Long đã được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Lúc đến viện, sức khỏe bác sĩ Long đã suy kiệt, phải trợ thở ô xy, nói không rõ lời...
“Bác sĩ Nguyễn Văn Long chính là tấm gương tiêu biểu cho sự lăn xả, hy sinh vì sức khỏe cộng đồng; là hình ảnh mẫu mực của cán bộ tuyến đầu chống dịch. Ai cũng mong anh sớm hồi phục” - Giám đốc Sở Y tế chia sẻ sau khi thăm bác sĩ Long.
Sẵn sàng bước vào cuộc chiến trường kỳ
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh, tỉnh Nghệ An đã quyết định thành lập bệnh viện dã chiến số 1 để điều trị cho bệnh nhân. Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên đã được trưng dụng, cải tạo để thực hiện nhiệm vụ này.
Theo sự phân công, điều động của ngành Y tế, sẽ có 70/136 cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên sẽ được tham gia công tác ở bệnh viện dã chiến. Số cán bộ còn lại sẽ được tạm điều về công tác tại 18 trạm y tế xã, thị trấn phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thanh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên: Tất cả các cán bộ y tế của trung tâm đều xung phong đăng ký tham gia bệnh viện dã chiến. Tuy nhiên, đơn vị sẽ xem xét các điều kiện, tiêu chuẩn để lựa chọn sao cho phù hợp.
Nữ cán bộ y tế Hưng Nguyên hy sinh mái tóc chuẩn bị tham gia bệnh viện dã chiến. Ảnh: TTYTHN
Ngoài 70 cán bộ y tế của huyện Hưng Nguyên, ngành Y tế Nghệ An còn điều động thêm nhiều chuyên gia y tế đầu ngành tham gia bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân. Bệnh viện dã chiến có quy mô điều trị cho 100 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ và trung bình.
Tham gia vào công tác tại bệnh viện dã chiến đồng nghĩa với việc chưa biết ngày về. Các cán bộ y tế gần như phải cùng ăn, cùng ở, cùng điều trị với bệnh nhân. Khi dịch lắng xuống, tất cả bệnh nhân được chữa khỏi, xuất viện, họ còn phải thực hiện cách ly tập trung thêm 21 ngày mới được về với gia đình.
Dự kiến vào ngày 29/6 này, bệnh viện dã chiến sẽ chính thức hoàn thiện, đi vào hoạt động. Trong chiều nay 24/6, các nữ cán bộ y tế Trung tâm Y tế Hưng Nguyên đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để bước vào cuộc chiến trường kỳ với việc hy sinh, cắt đi những mái tóc xinh đẹp của mình để có thể gọn gàng, nhanh nhẹn, dành thời gian cho việc chăm sóc bệnh nhân... Các chị đã phải gác lại những lo toan bộn bề cuộc sống, công việc gia đình, gói gém những riêng tư để bước vào cuộc chiến trường kỳ, đầy cam go./.