“Thử lửa” ở nơi nguy hiểm nhất

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng lên từng ngày, tỉnh Nghệ An đã quyết định thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1 Nghệ An tại Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên để thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện hoạt động từ ngày 29/6, với phương châm "thần tốc" trong chống dịch, chỉ trong mấy ngày đã được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, vật tư y tế để thu dung và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Tối 30/6, trong nhóm kín Zalo của Bệnh viện dã chiến số 1 xuất hiện hình ảnh của BS Nguyễn Thị Thu Hà với mồ hôi ướt đẫm mái tóc, gương mặt in hằn chiếc khẩu trang N95 và bàn tay nhăn nheo sau khi cởi đôi găng tay. Bức ảnh khiến nhiều người xúc động vì nỗi thương cảm với đồng nghiệp.

bna_18569008_172021.jpgHình ảnh bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà sau khi hoàn thành ca trực. Ảnh: TTYT huyện Hưng Nguyên

Không kìm nén được xúc động, hình ảnh BS Hà khiến chúng tôi trằn trọc suốt đêm. Để rồi, cuối cùng quyết định nhắn tin cho Tiến sĩ Phạm Hồng Phương - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, hiện là Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn tại Bệnh viện dã chiến số 1 Nghệ An. Chúng tôi xin được vào mục sở thị công việc ở nơi "nguy hiểm hàng đầu" trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

Mới hơn 7 giờ sáng, dù hai hôm nay thời tiết dịu dần và đỡ khắc nghiệt hơn nhưng cảm giác vẫn còn hết sức nóng bức, khó chịu. Đứng trước cánh cổng sắt đóng kín với dòng chữ “Khu vực cách ly đặc biệt. Không phận sự cấm vào”, chúng tôi cảm nhận được mức độ lây lan và tính chất nguy hiểm của dịch bệnh ở nơi này. 

Đôi bàn tay của điều dưỡng Lưu Thị Thỏa nhăn nheo vì đeo găng tay phòng hộ và mồ hôi chảy quá nhiều. Ảnh: TTYT huyện Hưng Nguyên

Nhanh chóng mặc trang phục phòng hộ cá nhân, chúng tôi xin vào khu vực hành chính của bệnh viện. Mặc dù chỉ mới là khu vực hành chính, được coi là khu vực “sạch”, nhưng đã cảm nhận được sự nguy hiểm đang rình rập đối với những người có mặt nơi đây.  

Trái ngược với sự lo lắng của chúng tôi, các y bác sĩ vẫn tỏ ra bình thản trong trang phục y tế thường ngày với khẩu trang che gần kín khuôn mặt. Tất cả không gian đều ngăn nắp, gọn gàng và đặc biệt là vô cùng tĩnh lặng. Nếu chỉ nhìn qua, ít ai nghĩ đằng sau hàng dừa xanh mướt kia và tấm biển “Khu vực cách ly đặc biệt. Cấm vào” là nơi đang điều trị cho hơn 30 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được chuyển từ các cơ sở y tế trên toàn tỉnh Nghệ An về đây điều trị. 

Kết thúc ca trực, cởi bỏ bộ quần áo phòng hộ, các y, bác sĩ đầm đìa mồ hôi. Ảnh: TTYT huyện Hưng Nguyên

Khu điều trị được bố trí khép kín, phân luồng cho nhân viên y tế và bệnh nhân và chỉ đi theo một chiều từ khu vực “sạch” sang khu vực “bẩn”. Nhân viên vào khu vực bệnh nhân phải mặc đồ phòng hộ cá nhân ở phòng thay đồ sạch. Sau khi thăm khám và thực hiện y lệnh cho bệnh nhân xong sẽ thay đồ phòng hộ ở phòng thay đồ bẩn và tắm rửa trước khi quay lại khu hành chính.

Bệnh nhân được phân luồng và cách lykhông được đi vào khu vực hành chính và khu vực dành cho nhân viên. Các phòng bệnh được bố trí hệ thống thông gió thổi từ khu vực “sạch” sang phía khu vực “bẩn”. 

Đằng sau sự tĩnh lặng của không gian này là nơi chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: TTYT huyện Hưng Nguyên

Trao đổi với Tiến sĩ Phạm Hồng Phương, chúng tôi muốn được anh kể về những vất vả, nhọc nhằn của mình và anh chị em thuộc Tổ Công tác đặc biệt trong những ngày qua. Tiến sĩ Phương cười hiền: “Tất cả chúng tôi đều coi đây là nơi “thử lửa” và những người vất vả nhất là đội ngũ y bác sĩ, nhân viên vệ sinh trực tiếp làm việc trong khu điều trị bệnh nhân. Anh chị nên hỏi chuyện những y, bác sĩ vừa xong ca trực...”.

Những chiến binh có tinh thần “thép”

Tại Khu hành chính của Bệnh viện dã chiến số 1, chúng tôi còn gặp Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hòa - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh), Tổ phó Tổ Công tác đặc biệt khi anh vừa chỉ đạo công tác chuyên môn tại khu điều trị bệnh nhân nhẹ và trung bình.

Tiến sĩ Hòa chính là "thủ lĩnh" đội quân 52 chiến sĩ tình nguyện của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh tham gia tăng viện cho Hà Tĩnh thời gian qua. Chưa kịp về nhà anh lại tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện dã chiến số 1. 

Các y, bác sĩ Bệnh viện dã chiến số 1 cấp phát thuốc cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại đây. Ảnh: TTYT huyện Hưng Nguyên

Khi được hỏi về tình hình các bệnh nhân đang điều trị nơi đây, Tiến sĩ Hòa cho hay: “Các bệnh nhân hiện tại đều ổn định. Đa số họ đều lạc quan và yên tâm điều trị. Những trường hợp có biểu hiện nặng đều được theo dõi sát và hội chẩn trực tuyến với tuyến trên để đưa ra hướng xử trí kịp thời”.

Chúng tôi hỏi: "Điều gì khiến bác sĩ thấy lo lắng nhất trong lúc này?". Tiến sĩ Hòa cho biết: “Tôi lo lắng mấy ngày tới sẽ còn có thêm bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Bởi qua theo dõi thông tin thấy ngoài cộng đồng đang có khá nhiều người diện F1. Hơn lúc nào hết, chúng tôi chỉ mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi…”.

Các bác sĩ và điều dưỡng đến từng phòng thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị. Ảnh: TTYT huyện Hưng Nguyên

Ở đây, chúng tôi còn được gặp Thạc sĩ, BS. Phạm Hữu Tuấn (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh) và BS Nguyễn Thị Thu Hà (Trung tâm Y tế Hưng Nguyên) làm nhiệm vụ tại khu điều trị bệnh nhân nhẹ và trung bình. Đêm qua vừa trực nhưng buổi sáng anh chị đã cùng đồng nghiệp ra dọn dẹp vệ sinh. Trao đổi với chị Hà, chúng tôi được biết, việc mặc bộ đồ bảo hộ trong suốt ca trực không khác gì tắm xông hơi quá giờ.

Với bộ trang phục ấy, khi trời nắng nóng còn khổ hơn gấp bội, ai yếu sẽ không thể chịu nổi một giờ bởi di chuyển khó khăn, ngột ngạt, khó thở... Thế nhưng, các anh chị vừa mặc, vừa phải bảo đảm tiến độ thu dung, điều trị cho bệnh nhân. BS Tuấn nói thêm: “Giờ chúng tôi đã quen rồi! Có lúc, hết ca làm, cởi bộ đồ bảo hộ ra như trút được cả một gánh mồ hôi”.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, mọi liên lạc của các y, bác sĩ và điều dưỡng đều được thực hiện bằng bộ đàm. Ảnh: TTYT huyện Hưng Nguyên

Đang trò chuyện, điện thoại của BS Hà rung lên báo có tin nhắn đến. Chị đưa chúng tôi xem màn hình điện thoại với bức ảnh gia đình và giải thích: “Ở đây, theo quy định, khi vào ca trực không được mang theo điện thoại. Tất cả việc hội chẩn, phối hợp bên trong khu điều trị và bên ngoài đều thông qua bộ đàm. Nhiều khi nhớ con hết ca trực thì cũng là lúc con ngủ nên đưa ảnh ra xem cho đỡ nhớ”. 

BS Nguyễn Thị Thu Hà còn kể có mấy bạn điều dưỡng, gồm Thỏa, Hồng, Nga dù đã rất mệt, được cho ra nghỉ nhưng vẫn tiếp tục xin vào vì thương những người ở trong lâu quá. Đặc biệt, Lưu Thị Thỏa - nữ điều dưỡng từng xuất hiện với hình ảnh nhờ đồng nghiệp cắt mái tóc dài trước lúc nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1 lúc trở ra mặt xanh mét như tàu lá. Dáng vẻ kiệt sức của chị khiến nhiều người nghĩ chị là... bệnh nhân. 
 

Cũng như các bác sĩ trực tiếp điều trị, Điều dưỡng trưởng Ngô Sỹ Vũ (Bệnh viện Đa khoa Nghi Lộc) bước ra từ phòng thay đồ phòng hộ cá nhân, mồ hôi như tắm, da mặt đỏ bừng. Chúng tôi hỏi: “Anh thấy điều gì ấn tượng nhất khi làm nhiệm vụ ở Bệnh viện dã chiến?”, Điều dưỡng Vũ nhìn và lập tức đáp lời: “Vinh dự và trách nhiệm ạ!”

Tổ chuyên gia đặc biệt của Sở Y tế Nghệ An cùng Ban Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 hội chẩn trực tuyến về ca bệnh nặng. Ảnh: TTYT huyện Hưng Nguyên

Những cuộc trò chuyện ngắn ngủi với các y, bác sĩ ở bệnh viện dã chiến thi thoảng lại bị gián đoạn bởi tiếng còi cứu thương đưa bệnh nhân vào nhập viện. Các bóng áo trắng lại vút đi, mỗi người một việc…

Rời Bệnh viện dã chiến số 1 Nghệ An khi đã gần trưa, những phần cơm đặt trên chiếc bàn dã chiến sắp được đưa vào các khoa, phòng, bộ phận. Với chúng tôi, hình ảnh các y, bác sĩ trong bộ đồ phòng hộ cá nhân đã in đậm trong tâm trí cùng niềm cảm phục và yêu mến. Họ thực sự là những "chiến binh áo trắng", những chiến binh quả cảm, giàu lòng nhân ái nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19./.