Sáng 24/6, Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 tỉnh Nghệ An có cuộc làm việc cùng Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 huyện Hưng Nguyên. Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An và đồng chí Nguyễn Thị Thơm - Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên chủ trì buổi làm việc.
Ngày 10/6, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 3749/UBND về việc thành lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19. Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên đã được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến.
Việc thành lập bệnh viện dã chiến là hết sức cần thiết. Khi đi vào hoạt động, Bệnh viện dã chiến số 1 có thể điều trị cho 100 bệnh nhân Covid-19. Những bệnh nhân nặng phải thở máy, lọc máu mới chuyển về Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện HNĐK Nghệ An... Hiện nay, các cấp ngành đang tập trung sửa chữa, đầu tư trang thiết bị và hoàn thiện bộ máy để sớm đưa Bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động.
Ngày 23/6, Trung tâm Y tế Hưng Nguyên có Thông báo số 466/TTYT-KHNY về việc tạm ngừng hoạt động khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên kể từ 0 giờ, ngày 24/06/2021, chỉ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.
Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân huyện Hưng Nguyên sẽ chuyển cho các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa thành Phố Vinh, Bệnh viện Nghi Lộc, Bệnh viện Nam Đàn. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, công tác khám chữa bệnh tại 18 trạm y tế xã , thị trấn vẫn tiếp tục thực hiện.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, đồng chí Dương Đình Chỉnh đánh giá cao các phương án đảm bảo an ninh trật tự và hậu cần của huyện Hưng Nguyên dành cho bệnh viện dã chiến và cho biết: Ngành Y tế đã và đang cố gắng hoàn thiện bệnh viện dã chiến sớm nhất, dự kiến đưa vào hoạt động vào ngày 29/6 (thứ Ba tuần sau). Phần lớn cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện dã chiến được điều từ Trung tâm Y tế Hưng Nguyên. Số cán bộ, nhân viên còn lại của Trung tâm sẽ được tăng cường cho các trạm y tế xã, thị trấn.
Huyện Hưng Nguyên cần thực hiện phòng chống dịch Covid-19 theo phương châm “điều tra rộng, cách ly, phong tỏa hẹp, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm thần tốc"; phát huy "4 tại chỗ, chủ động nhân lực, không để thiếu vật tư tiêu hao cũng như đồ bảo hộ; chủ động, khoa học, sáng suốt trong chỉ đạo điều hành và phát huy cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác phòng chống dịch./.