Vượt qua hàng nghìn bức thư viết về “người hùng của em” trong cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019, bức thư của em Thiều Thị Vy Anh (SN 2006, học sinh lớp 7A, Trường THCS Đông Yên, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) đã chinh phục được trái tim ban giám khảo và đoạt giải Nhất cấp tỉnh.
Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019 có chủ đề: "Hãy viết một bức thư về người hùng của em”, cô học trò Thiều Thị Vy Anh đã chọn hình ảnh của mẹ làm “nhân vật” cho ý tưởng của mình.
Viết về mẹ bằng cả trái tim
Khác với mô típ của những bức thư khác, ngay từ đầu bức thư, Vy Anh đã viết: “Như những chú rùa rời biển khơi nhiều bất trắc tìm một bờ cát êm ả để đẻ những quả trứng vàng. Như những chú cá hồi vượt thác ghềnh đầy hiểm nguy để tìm những giọt nước mát lành vắt kiệt sức mình để hoài hy sinh cho những chú cá hồi con. Như những bầy trâu rừng giữa đêm hoang của rừng thẳm vẫn biết dồn những đứa con non vào giữa đàn, nơi an toàn nhất... Cũng như rùa, cá hồi, trâu rừng, người mẹ luôn bảo vệ, chở che cho những người con của mình”.
Tiết lộ về ý tưởng này,Vy Anh cho biết: “Em muốn lấy hình ảnh những con vật làm điểm nhấn, bởi “tình mẫu tử” như một bản năng của những người làm mẹ. Mẹ có thể hy sinh cả bản thân mình để chở che, bảo vệ những giọt máu của mình. Và từ đó, em muốn thể hiện những tâm tư, tình cảm, lòng biết ơn… đối với công ơn trời biển của mẹ - người hùng trong trái tim em”.
Có thể với những người khác, người hùng là một “siêu nhân” có sức mạnh siêu phàm, một người giỏi giang…, nhưng người hùng duy nhất trong lòng em lại chính là mẹ, một người nông dân chất phác, hiền lành giàu đức hy sinh: “Có thể bạn sẽ thấy lạ bởi vì khi nhắc về người hùng, người ta thường mường tượng đến một người nào đó có sức mạnh hay một người đàn ông có vai dài, sức rộng, người đó phải vĩ đại lắm. Nhưng đối với tôi, mẹ lại là người hùng duy nhất, chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi, cuộc đời tôi. Mẹ chỉ là người nông dân, cuộc đời mẹ đã hứng nhiều gian nan, vất vả, ngay từ khi còn bé đã chịu mọi khổ cực. Nhà ông bà ngoại tôi ngày trước thì rất nghèo khó nên cuộc sống của mẹ cũng không được sung sướng…”.
Vy Anh tâm sự rằng, em đặt bút xuống, hình ảnh mẹ vất vả, tảo tần hiện lên, những ký ức về mẹ trong suốt tuổi thơ của em không bao giờ em có thể quên được. Em đã viết về mẹ bằng tất cả trái tim của mình.
Cuối bức thư, cô bé một lần nữa khẳng định rằng người hùng của em chính là mẹ và điều ước của cô bé dù là chân thật nhưng cũng thật vĩ đại: “Nếu ông Bụt cho tôi một điều ước là có thật, tôi sẽ không ước gì lớn lao mà nó chỉ đơn giản là ước cho mẹ không già thêm nữa, ước cho mẹ được hạnh phúc, khỏe mạnh, hạnh phúc để cùng tôi vượt qua những thử thách trong cuộc sống và chăm sóc cho tôi. Đối với tôi, người hùng không phải đâu xa mà luôn bên cạnh mình. Đó chính là mẹ, người hùng tuyệt vời nhất và là người không ai có thể thay thế được”.
Điều đặc biệt, bức thư của cô học trò này còn gây ấn tượng chính là nét chữ rất đẹp, những nét đều tăm tắp, chạy liền nhau trên trang thư tạo thiện cảm ngay với người đọc.
Thương mẹ nên cố học thật giỏi
Vy Anh là con thứ hai trong một gia đình thuần nông ở thôn Yên Doãn I, xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Mẹ em bị bệnh tim, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán. Vy Anh cho biết, nhiều lần mẹ bệnh nặng nhưng vì hoàn cảnh mẹ cứ cắn răng chịu đựng không chịu đi bệnh viện. Càng lớn, Vy Anh càng hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả và sự hy sinh lặng thầm của mẹ.
“Nhà em nghèo lắm, hôm nào mua được thức ăn ngon là mẹ nhịn phần cho chị em em ăn. Em còn nhớ như in những ngày em bị ốm, mẹ đạp xe mấy chục cây số chở em đến bệnh viện, chăm sóc, lo lắng cho em từng li từng tí. Mẹ khóc khi thấy em đau, nhịn ăn để dành phần cho em” - cô học trò nhỏ chia sẻ.
Suốt 7 năm học, năm nào cô bé cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hiện Vy Anh còn trong danh sách đội tuyển thi học sinh giỏi Văn của trường.
Chia sẻ về cô học trò nhỏ của mình, cô Đỗ Thị Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A, cho biết: “Tôi vừa là giáo viên chủ nhiệm, nhưng cũng là giáo viên dạy môn Ngữ Văn của Vy Anh. Vy Anh được mọi người nhắc đến là một cô bé ngoan, hiền và nhiều năm liền em là học sinh giỏi của trường, của lớp. Hiện em đang nằm trong tốp học sinh “nguồn” để dự học sinh giỏi môn Văn của trường”.
Chính những khó khăn, vất vả đã giúp cô học trò nhỏ rèn luyện cho mình đức tính tự lập, sự nỗ lực trong cuộc sống. Trong bức thư, cô bé nhắc đến mẹ của mình bằng một niềm tự hào, đầy cảm phục:“Lúc tôi học lớp lớn hơn, mẹ không giúp tôi việc học được nữa, mẹ trầm tư với ánh mắt buồn nói nhẹ với tôi: “Mẹ ít chữ, chẳng giúp gì được cho con nữa rồi, con hãy cố gắng nghe thầy cô, hỏi bạn bè học cho tốt vào”. Từ đôi mắt ấy của mẹ, tôi thấy xót xa tràn ngập trong khóe mắt.
Cuộc sống vất vả khiến mẹ nhiều bệnh tật nhưng chưa bao giờ nói cho chị em tôi biết, cứ thế chịu đựng một mình. Có lẽ, mẹ sợ chúng tôi lo lắng, càng như thế chúng tôi càng thương mẹ nhiều hơn. Cả cuộc đời mẹ vất vả, nhưng mẹ chưa bao giờ than nửa lời, mỗi lần mẹ nhìn tôi trìu mến, tôi lại càng hiểu rằng mẹ tin tưởng và đặt hy vọng vào tôi rất nhiều…”.
“Càn lớn lên càng hiểu nỗi vất vả khổ cực của mẹ, em càng thương mẹ nhiều hơn và tự nhủ chẳng chỉ có thể học thật giỏi để đền đáp công lao của mẹ. Hôm em nhận được tin mình được giải Nhất cấp tỉnh trong cuộc thi viết thư UPU, em vui lắm. Và người đầu tiên em nghĩ đến chính là mẹ…” - Vy Anh tâm sự.