Mùa Thu năm Ất Dậu (1945), Cách mạng thành công, các chiến sỹ giải phóng quân từ chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội. Do yêu cầu bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, để chuẩn bị đối phó với âm mưu của bọn phản động, của thực dân Pháp đang chống phá cách mạng, hòng tái xâm lược nước ta lần nữa, ta gấp rút xây dựng các đơn vị chủ lực và thành lập dân quân tự vệ.

Các quân nhân cách mạng hồi đó còn nghèo, chưa có quân trang, quân phục thống nhất. Chỉ phân biệt ở phù hiệu đính trên mũ ca lô: Lính chủ lực thì phù hiệu nền đỏ sao vàng hình tròn, tự vệ dân quân thì phù hiệu nền đỏ sao vàng hình vuông.

Hình ảnh anh Giải phóng quân lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn mới chỉ vẻn vẹn mấy dòng thân thương: "Trên đường phố, các anh đi hàng một theo lối đi rừng, mắt không hề nhìn hai bên phố các cửa hàng cửa hiệu đèn điện sáng trưng" ("Một lần tới Thủ đô" - Bút ký của Trần Đăng).

763436_small_59591.jpg"Suối nguồn Việt Bắc" - tranh sơn dầu của hoạ sỹ Phan Thăng. Ảnh: A.V (Internet)


Các chiến sỹ của ta thiếu thốn đủ bề, nhưng kỷ luật rất nghiêm, bảo vệ hiệu quả trật tự an ninh phố phường và đặc biệt rất ôn tồn, lễ phép, quý trọng nhân dân. Đầu năm 1946, theo Hiệp định sơ bộ (6 tháng 3) ta đồng ý cho quân đội Đồng minh vào Việt Nam giải giáp quân Nhật đầu hàng.

Từ vĩ tuyến 16 trở vào do quân Anh, từ vĩ tuyến 16 trở ra do quân của Trung Hoa dân quốc Tưởng Giới Thạch. Theo chân bọn quan thầy Tàu Tưởng là các đảng phái phản động như Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng của nhóm Nguyễn Tường Tam), Việt Cách (Việt Nam cách mạng đồng minh của nhóm Nguyễn Hải Thần).

Chúng cũng mộ lính chiếm đóng nhiều nơi, ở Hà Nội bọn chúng chốt đông nhất ở ô Quan Chưởng, ở phố Ôn Như Hầu, ăn vận quần áo y hệt lính Tàu. Quân lính Tàu Tưởng nhếch nhác ô hợp đã đành, quân lính Việt Quốc, Việt Cách càng tệ hại hơn. Chúng ngang nhiên hạch sách, hà hiếp dân lành. Đã đến lúc không thể đánh đồng anh lính cách mạng với bọn "lính kẻ cướp" ấy, do yêu cầu tất yếu của quần chúng mà hai tiếng "Bộ đội" thiêng liêng, thân mật ra đời, để gọi tên quân đội đằng mình (phải chăng vì quân ta hồi đó chỉ có bộ binh nên mới gọi là "Bộ đội"?)

Cho đến nay, chưa thấy ai công bố văn bản đầu tiên xuất hiện hai tiếng "Bộ đội", nhưng chắc chắn rằng, từ ghép "Bộ đội" không thể xuất hiện trước ngày 22 tháng 12 năm 1944. Những năm đầu cách mạng, chỉ có các em thiếu nhi mới gọi Bác Hồ là Bác:

-Ai yêu Bác Hồ Chí Minh
Bằng thiếu nhi Việt Nam.
(Ca khúc của Phong Nhã)
-Trung Thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng...
(Thơ Hồ Chủ tịch -1948)

Hồi đó, ở Trung ương Chính phủ, mọi người vẫn kính cẩn gọi Người là "Cụ Chủ tịch", nhân dân vẫn thân mật gọi Người là Già Hồ: "Ứng lời Già Hồ, dự ngày kháng chiến, bắt đầu mang biển đi dán khắp nơi, rợp đất rợp trời, có hai biểu ngữ Quyết chống giặc dữ bọn chó xâm lăng, giết hết mọi thằng Việt gian bán nước..." (Báo Thiếu niên - 1946)

Còn phần lớn đều gọi Người là Ông Cụ là Cụ Hồ (Bài thơ "Muối Cụ Hồ" của Bàn Tài Đoàn-1948), "Cơm chữ Cụ Hồ, phải đánh Tây mà giữ" (Thơ của Trung Anh -1948), "Cụ Hồ với dân, như chân với tay, như chày với cối, như cội với cành..." (Hò giã gạo Bình Trị Thiên), hay "Tháp Mười đẹp nhất bông sen; Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ" (Ca dao của Bảo Định Giang)... Còn hai tiếng "Bác Hồ" thân thương, trìu mến mới xuất hiện về sau. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp ở núi rừng Việt Bắc "Thủ đô gió ngàn" Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cán bộ Trung ương cùng chung "ăn ngô nếp nướng... chén thịt rừng quay" như anh em trong một gia đình nên ai ai cũng gọi Người là Bác và Người gọi anh em cộng sự là "các cô các chú"...

Lại nhớ đầu năm 1946, cả nước ta, nhất là ở Hà Nội, nhân dân cơ khổ vì bọn Tàu Tưởng, rất bất bình với bọn Việt Quốc, Việt Cách. Ở chợ Đồng Xuân, chợ Bắc Qua, nơi buôn bán sầm uất đô hội nhất Hà Thành, bọn chúng ăn quỵt, mua cướp trắng trợn, bà con tiểu thương tẩy chay bất hợp tác, thậm chí còn gõ xoong, gõ nồi la ó như đuổi tà. Bà con nói thẳng vào mặt chúng: "Nhìn các anh Bộ đội Cụ Hồ kia kìa! Người nhà của chúng tao đấy! Còn chúng mày, bám gót quan thầy về đây, chỉ là quân phá hoại, đồ Việt gian bán nước!".

Từ đó, rất tự nhiên, Bộ đội Cụ Hồ trở thành tên gọi thiêng liêng. Trên thế giới, có lẽ hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, cả nước đều là "đồng bào" (chung một bọc) và gọi lực lượng vũ trang của mình là Bộ đội Cụ Hồ ?!


Trần Hữu Dinh