(Baonghean) -Những hòn đảo xa chắn sóng giữa biển Đông, kiên gan trong những tháng năm trận chiến, nhưng vẫn không mất đi chất lãng mạn đằm sâu như vị mặn mòi đại dương, như tên gọi đã vận vào "hồn" mỗi đảo. Tết này - tết con Mèo, tết Tân Mão, mỗi đảo đón Tết đều có một nét riêng, nhưng tựu trung mà cánh báo chí thấy được, Tết là Tết, nhưng mũi súng của những người lính nơi biển giáp trời này, vẫn không bao giờ nguôi quên một niềm cảnh giác.

 

Tết ở "Phù lưu châu"

 

Bạch Long Vỹ còn có tên chữ là Phù Lưu Châu - hòn ngọc nổi trên mặt nước. Thượng tá Vũ Đình Duẩn (Chỉ huy trưởng đoàn C52 hải quân, đơn vị chủ lực của đảo), vừa dẫn chúng tôi đi trên những lối bêtông chạy miên man quanh đảo, dưới những hàng phi lao già và cây cổ thụ mát rượi, vừa kể chuyện. Trước đây, khi chưa có TNXP, lính đảo quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy chàng, vẫn biết là Tết đến, Xuân về, chỉ huy các cấp lo cho anh em đầy đủ hết, nhưng vẫn thấy cứ thiêu thiếu cái gì rất đỗi...Tết. À! hóa ra là hình bóng người phụ nữ. Cũng đúng thôi, khi khói trầm đưa nẻo Xuân sang, bên chén rượu nồng ấm, bao giờ cũng có dáng nét người vợ, người mẹ, cô bạn gái tảo tần lo toan nơi gian bếp, làm ấm thêm ngày cuối năm sum vầy. Bởi vậy, khi có các cô TNXP (hiện tại, có khoảng 40 nữ TNXP của liên đội TNXP BLV-TG), dường như đảo Xuân hơn !

 

Tết bây giờ đã rộn rã hẳn. Ít ra thì cũng có chỗ để thăm hỏi, chúc tết, giao lưu ngoài đơn vị. Mặc dù đã có hơn 30 gia đình thường trú ở đảo, nhưng năm nào cũng vậy, tết đến là hầu hết đều thu xếp về đất liền ăn tết ở quê, rất ít gia đình ở lại. Những người ra đây buôn bán, làm dịch vụ thì tất cả đều về đất liền ăn tết, tàu đánh cá cũng thế. Vì vậy, đón tết trên đảo, chủ yếu là bộ đội, TNXP và một số cán bộ chính quyền có nhiệm vụ trực tết.


763526_small_60386.jpg
                 Đào, quất cùng theo tàu hải quân ra Bạch Long Vỹ
 

“Mọi thứ đều phải mang ở đất liền ra, từ thực phẩm, bánh kẹo, lợn gà, cành đào, cây quất…, mấy năm gần đây mới tăng gia thêm được khá nhiều các loại rau quả, nhưng làm sao đủ được! Năm nào cũng vậy, giáp tết rồi, nhưng biển động, tàu chưa chuyển hàng ra được là tất cả mọi người trên đảo lo lắm...” - Thượng tá Duẩn tâm sự.



  Lãnh đạo quân chủng hải quân chúc Tết các CBCS hải quân trên đảo
 

Tết năm 2001,biển động mạnh, tàu chở hàng của TNXP và dân không ra được, chỉ có một chuyến tàu chở hàng tết của hải quân ra được đảo. Ngày 30 tết, bộ đội gói bánh chưng và luộc xong thì Ban chỉ huy Đoàn C52 hội ý và quyết định kêu gọi các đơn vị góp bánh chưng để tặng TNXP và những hộ dân ở lại đảo đón tết. Chưa đầy 30 phút, đã tập hợp được hơn 100 cái bánh chưng và sau đó đã chuyển ngay xuống cho lực lượng TNXP và các hộ để kịp cúng cỗ tất niên. Ngoài bánh chưng còn có thêm thịt, rau, gạo nếp…



Cán bộ, chiến sỹ hải quân đảo Bạch Long Vỹ cùng gói bánh chưng Tết


                              Lính biển trang trí đón Tết

Chị Vũ Thị Ngân (Liên đội trưởng Liên đội TNXP, quê Tiên Lãng, Hải Phòng), là một trong số TNXP đầu tiên ra đảo, đến nay đã 18 năm gắn bó và có nhiều cái cái tết ở Bạch Long Vĩ, kể lại: Năm đó, đến trưa 30 tết, mọi người ở đội TNXP cứ nghĩ là không có bánh chưng và thịt ăn tết rồi. Đến khi các anh bộ đội đưa bánh chưng và các thứ xuống, mừng và cảm động quá. “Trong các đội viên, có người đã bật khóc, khi mang bánh chưng đặt lên mâm để cúng tất niên…” Chị Ngân kể lại.

 

Giờ khắc chuẩn bị đón giao thừa, toàn đội TNXP tập trung tại hội trường để sinh hoạt văn nghệ. Sau thời khắc giao thừa, đội TNXP đi bộ đến Đoàn 952, chúc tết Ban chỉ huy, rồi đi từng đơn vị. Đi tới đâu cũng ca hát, trò chuyện; vừa đi trên đường vừa hát vang cả đảo… “Sau khi đi chúc tết hết các đơn vị bộ đội, TNXP bắt đầu đi chúc tết các gia đình TNXP, hộ dân ở lại ăn tết trên đảo và các cơ quan chính quyền trực trên đảo… Có khi đến gần sáng toàn đội TNXP mới về nhà. Sau đó, đội TNXP lại đón bộ đội và các hộ dân, chính quyền đến chúc tết. Mệt nhưng mà ai cũng vui…” – Chị Ngân kể.



         Những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" trên đảo đón Tết

 

Tết này, bộ đội trên đảo trồng được khá nhiều rau, nên rau xanh cho tết gần như không phải lo. Hơn mấy năm trước, vườn chuối của bộ đội năm nay cũng trổ rất nhiều buồng, đủ để tất cả các đơn vị có chuối bày mâm ngũ quả ngày tết. “Năm nay thực phẩm, đồ tết đã chuyển ra được sớm và đầy đủ cả rồi. Bộ đội, TXNP và dân trên đảo không lo thiếu đồ tết nữa” - Thượng tá Duẩn cho biết. Riêng đào, năm nay không phải mang từ đất liền ra, vì hầu hết những cây đào đem ra từ những năm trước, được trồng và chăm sóc kỹ càng, nên đến năm nay đã nở hoa. “Dù hoa không nhiều và đẹp, nhưng đào của mình trồng để chưng tết vẫn thích hơn…” - Thiếu tá Nguyễn Cường Thịnh - Đồn phó đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ tâm sự như vậy.

 

Trước sân nhà chỉ huy Đoàn C52 có một cây bưởi trái to, rất sai “Cây bưởi duy nhất có quả trên đảo đấy. Có tất cả hơn 30 quả và anh em đã “đánh số” hết rồi. Đủ cho tất cả các mâm ngũ quả của những đơn vị bộ đội, Biên phòng, TNXP, nhà dân. Sáng 30 tết sẽ hái và chuyển đi các nơi”. Đại úy Đặng Công Thành (quê ở Thanh Lương, Thanh Chương, Nghệ An), người dẫn chúng tôi đi thăm đảo "bật mí".

 

Trên đường ra cầu cảng để trở lại với tàu HQ 935, chuẩn bị tạm biệt Bạch Long Vĩ, chúng tôi đã thấy sắc đào tươi tắn bên nhưng bó hương trầm nơi mỗi đơn vị của đoàn C52, trong những căn nhà ở khu làng TNXP, đào đã chúm chím hoa, từng cặp vợ chồng đang lau, rửa lá dong chuẩn bị cho việc gói bánh chưng. Cờ Tổ quốc trên mỗi ngôi nhà đang phấp phới, điểm những nét son giữa xanh màu cây, màu đảo, màu trời. Tiễn chúng tôi ra tận âu tàu, đại úy Đặng Công Thành nói: “Có dịp mời mọi người ra đảo ăn tết cùng với TNXP và bộ đội nơi đây. Tết ở Bạch Long Vĩ này có nhiều điều vui mà ở đất liền không có đâu…”.


...Và Tết ở Hòn Mắt, quê mình

 

25 Tết, gặp đại úy đảo trưởng đảo Mắt Nguyễn Mạnh Hùng tại "con đường hoa" TP Vinh (đại lộ Lê Nin), đảo trưởng thông báo ngắn gọn, Tết này, anh em từ cán bộ đến chiến sỹ đều trực 100%. Vậy là, định kiếm cành sung đảo về chưng Tết lại không được rồi. Tôi bùi ngùi trong mắt, định chúc một câu nhưng đành lòng vậy. Nghĩ trong lòng, đảo xa, kiên gan nơi đầu sóng, có các anh, hậu phương ấm áp biết bao nhiêu. Tết này, các anh có được nghỉ đâu, như biết bao nhiêu tết khác. Bộ đội mà! Bộ đội Cụ Hồ mà!



       Các anh lắng lại trước khói hương thiêng liêng với đồng đội
            đã ngã xuống, với một năm mới đang đến.


Mùng 2 Tết, tôi nhận được điện thoại của đại úy chính trị viên đảo Mắt Nguyễn Giang Nam, chúc Tết thôi, nhưng mà cái chúc Tết từ đảo xa sao thấy xúc động thế. Chẳng xa, nhưng cũng đâu phải là gần. Lại nhớ, chuyến đi ra với đảo từ trước Tết, thiếu tướng, phó tư lệnh Quân khu 4 Trần Hữu Tuất đã nói "đảo Mắt là chốt tiền tiêu đầu ngọn sóng xứ Nghệ, mũi súng đảo cảnh giác là xứ Nghệ được bình yên từ phía biển". Mới hay, nơi đầu sóng, cũng là nơi lính đảo bắt đầu hiểu được chữ "Tổ quốc bình yên". Phía sau các anh là mái rạ có khói lam chiều, là vợ, là mẹ, là đất liền yêu thương quá đỗi.

 


     Đại úy, chính trị viên đảo Mắt Nguyễn Giang Nam sửa sang
 cây sung đảo, chuẩn bi cho một Tết xa nhà, xa vợ và 2 đứa con yêu.


Tết ở đảo Mắt cũng giản dị thôi, cây sung đảo dĩ nhiên là đặc sản của đảo rồi, thay hoa đào và cũng mang dáng nét của chốn biển. Những quả sung bé tý, xanh đậm, có vị chua lẫn chát, mọc chiu chít trên cành trở nên nơi lính đảo vợi niềm nhớ quê.




          Đảo trưởng, đảo phó, chính trị viên, chính trị viên phó
                       cùng hòa chung bài hát chào năm mới.


Binh nhất Già Bá Thông, quê mãi tận Mường Lống (Kỳ Sơn), tâm sự rằng "Lần đầu em ăn Tết ở đảo, nhớ bố mẹ, nhưng khoái!". "Khoái chi chú?". "Ngoài đảo, có rừng, có núi, giống quê em! Mà lại có biển trước mặt, khác quê em. Được ăn Tết nơi có đầy đủ rừng biển ni, khoái chớ anh".



         Tết là Tết, vui đón Xuân nhưng thông tin liên lạc của đảo
                        vẫn bảo đảm thường xuyên liên tục.


Và bởi vậy, tôi miên man cùng Tết đảo xa.


Trần Hải